Câu hỏi này tồn tại từ xưa đến nay với xã hội loài người, với mọi quốc gia, dân tộc, mà chưa tìm được lời giải thỏa đáng.
Vậy nên thông tin khiến nhiều người chú ý trong những ngày qua là việc xếp hạng quốc gia hạnh phúc. Các báo trong nước dẫn nguồn tin từ nước ngoài cho hay, Việt Nam được xếp đứng thứ 5 trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, trong khi Mỹ thì xếp thứ 108 (!?).
Rất dễ phấn khởi, “tự sướng” mà nói vung lên đủ kiểu. Nào là, đâu phải anh to, anh giàu mà hạnh phúc hơn tôi. Nào là, Việt Nam trở thành nơi đáng sống, sẽ thu hút nhiều người nước ngoài tìm đến v.v.
Tuy nhiên, không ít người lại băn khoăn khi nhìn vào các căn cứ để xếp hạng. Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) do Quỹ kinh tế mới (New Economics Foundation - NEF, có trụ sở tại Anh) công bố. Theo phân tích của các chuyên gia, chỉ số này đo lường mức độ hạnh phúc của một nước trong mối liên hệ với sự no đủ, tuổi thọ và bất bình đẳng xã hội rồi chia cho mức độ tác động đến sinh thái của đất nước. Đối chiếu các tiêu chí, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, chỉ ra rằng tuổi thọ trung bình của người Việt cũng không phải là cao. Về môi trường có quá nhiều vấn đề. Việc khai thác tài nguyên thì không bền vững. Việt Nam đang ở trong thời kỳ phân tầng xã hội ngày càng lớn, có một số người rất giàu, còn lại có những người rất nghèo. “Tôi cảm thấy những cái đánh giá, nghiên cứu đấy có thể rất có vấn đề về phương pháp” - bà Hồng nói.
Rõ ràng muốn xếp hạng thì phải đo lường các tiêu chí, và đặc biệt là phương pháp lấy mẫu, lấy phiếu điều tra. Nếu độ tin cậy của lá phiếu điều tra thấp và những con số thống kê đo lường thiếu chính xác, thì dĩ nhiên bảng xếp hạng cũng không ý nghĩa gì. Và có lẽ do dựa vào tiêu chí khác nhau nên thứ hạng này cũng trồi sụt, Việt Nam từng đứng thứ 75 trên 158 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc thế giới do một nhóm nghiên cứu có uy tín công bố vào 23.4.1015. Đây là bảng xếp hạng trong điều tra World Happiness Report lần thứ ba của nhóm chuyên gia quốc tế, trong đó có kinh tế gia nổi tiếng của Mỹ Jeffrey Sachs và ông Richard Layard, người đứng đầu Chương trình Hạnh phúc của Trường Kinh tế London (London School of Economics). Lần trước, năm 2013, Việt Nam đứng thứ 63/156 quốc gia.
Nhưng cho dù có làm thế nào cũng khó mà có kết quả thuyết phục được tất cả mọi người. Bởi hạnh phúc, là thứ tùy thuộc cảm giác mỗi người. Đo lường bằng chỉ số có tính vật chất thì làm sao chạm đến bản chất của hạnh phúc. Nghèo hay giàu, thọ hay yểu, sống giữa thiên nhiên hoang sơ hay trong biệt thự tiện nghi, chưa hẳn nói đúng mọi điều cảm giác chủ nhân có hạnh phúc hay không. Và, chỉ dựa vào thước đo vật chất thì như nhà triết học Heraclitus nói:”Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc...”.
Hạnh phúc là gì vẫn là câu hỏi khiến “bao lần ta lúng túng. Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra” như câu thơ của Dương Hương Ly. Gần đây, người ta cũng hay bàn đến khái niệm an toàn, phải chăng môi trường sống an toàn chính là điều hạnh phúc mà nhiều người mong đợi. An toàn thì không phải nơm nớp lo tắm biển và ăn cá bị nhiễm độc. An toàn là đi đường không phải thon thót vì sợ tai nạn. An toàn là rừng không bị phá, sông không bị đào. An toàn là gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư làm ăn không sợ bị lật lọng. An toàn là môi trường nhân văn, con thơ được học hành, người già được chăm sóc, ai cũng được hưởng quyền dân chủ, tự do và bình đẳng. Nếu đất nước là nơi đáng sống, an toàn thì người ta sẽ không phải chạy ra nước ngoài định cư, chữa bệnh, không "chảy máu nhân tài"...
NGUYỄN ĐIỆN NAM