Mang ba lô lên vai và rong ruổi, tôi được gặp những con người nói rặt giọng Quảng tại những vùng đất xa xôi, được trải nghiệm những không gian mới, những văn hóa địa phương mới. Dẫu chặng đường lắm vất vả, nhưng đó là lúc tôi chợt hiểu câu nói của Che Guevara: “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi”.
Tác giả đi tác nghiệp ở chợ Khánh An - An Giang, sát biên giới Campuchia. |
Sài Gòn đón tôi bằng cơn mưa tháng 9. Không rả rích, dai dẳng như miền Trung, mưa Sài Gòn đổ ào xuống khiến người ta trở tay không kịp, rồi lại tạnh ngay sau đó, để lại những con đường ngập nước và từng dòng người xe nhích từng chút một. Đó là lúc, tôi chợt nhớ những con đường mưa vắng thênh thang ở Quảng Nam, nhớ những cung đường đầy sương mù ở miền núi cao lạnh căm của Đông Giang, Tây Giang, nhớ đôi mắt của những đứa trẻ con vùng núi tròn xoe, trong veo…
Nhiều đồng nghiệp làm báo nói: “Làm báo là phải đi, phải thay đổi môi trường viết, nếu không cảm xúc dễ bị trơ và cùn tay lắm!”. Đó có lẽ là động lực duy nhất để tôi mang ba lô lên đường, về với Đức Linh, Tánh Linh bạt ngàn cao su của Bình Thuận. Và đoạn đường hơn 70km đường đất đỏ vắng vẻ từ Phan Thiết về Đức Linh trở nên ngắn hơn bởi sự nhiệt tình của cậu em đồng nghiệp làm báo Bình Thuận. Điều đáng quý của nghề báo là đi đến đâu, bạn cũng có thể có cho mình những người bạn đồng hành tuyệt vời và hết mình. Đoạn đường đầy đất đỏ bazan sau cơn mưa không khiến hai chị em chùn bước mà còn cười vang cả một vùng trời. Hạnh phúc - đôi khi giản đơn chỉ là được cười hồn nhiên như vậy.
Quyết định chọn Sài Gòn làm nơi dừng chân thứ 2 của nghiệp làm báo không phải là một quyết định dễ dàng. Đây thực sự là một môi trường lý tưởng để phát huy khả năng tác nghiệp nhưng cũng lắm sự thử thách và áp lực. Tám năm làm báo ở vùng đất Quảng gần 1,5 triệu người, tôi sẽ vùng vẫy như thế nào ở một thành phố hơn 8 triệu người? Thế nhưng, cái chân lý tưởng chừng như đơn giản nhưng luôn luôn đúng là hãy mang ba lô lên đường và đi. Bạn sẽ có đề tài để viết, bạn sẽ làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Và đừng quên những người bạn đồng hành.
Bạn đồng hành tôi muốn nói đến đây không chỉ là những người bạn làm báo, đó còn là những đồng hương rất gần gũi và nhiệt tình. Tôi may mắn gặp được những con người mà ngay từ lần gặp đầu tiên, khi giới thiệu là Báo Quảng Nam, họ đã xem tôi như con cháu của họ.
Miền Tây sông nước đón tôi bằng nụ cười hết cỡ của anh bạn đồng nghiệp người Núi Thành. Chọn miền nước nổi làm quê hương thứ 2 của mình, nhưng câu chuyện anh nói với tôi lại bắt đầu bằng sự tự hào của người Quảng, câu chuyện về danh tướng Thoại Ngọc Hầu, về dòng kinh Vĩnh Tế, về đời sống của hàng trăm nghìn hộ người Quảng ở miền Tây này.
Những ngày giáp tết, khi mọi người đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, tôi thử mang nỗi lòng của người con xa quê hương để đi về thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Giữa thời khắc giao hòa của đất trời phương Nam, Sa Rài thơm lừng mùi gạo mới, mùi bánh tét nấu bằng củi gốc tre. Dưới gốc khế già bên mái hiên nhà, có hình ảnh cụ già tóc trắng bạc phơ ngồi gói bánh kể chuyện hồi xưa bằng giọng Quảng cho đám con nít đang mở tròn to đôi mắt, môi mấp máy theo từng lời cụ kể. Lúc đó, tự khắc trên môi mình, tôi nở nụ cười hạnh phúc. Và tôi hiểu, nghề báo không đơn giản chỉ là nghe, đón nhận thông tin và viết. Người làm báo, cần lắm những chuyến đi trong đời. Sẽ có những chuyến đi nhọc nhằn gian khổ, có những chuyến đi mà cả cuộc đời sẽ nhớ mãi không quên. Sẽ có những người bạn đồng hành gặp tình cờ trong đời để rồi trở nên thân thiết mãi mãi.
“Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi” (Che Guevara). Tôi và những người đã chọn nghề báo làm nghiệp sẽ chẳng bao giờ cảm thấy đủ sau những chuyến đi dài. Vì cuộc đời sẽ là những chuyến đi, về rồi lại đi, để tìm những nguồn cảm xúc mới, để bài viết mình hay hơn, phong phú hơn. Và mỗi chặng đường đi là hành trình hạnh phúc của người cầm bút.
MINH KIỆT