Gần đây, mỗi khi hướng đến ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3), báo chí và cộng đồng mạng lại có dịp bàn thảo về xếp hạng đánh giá chỉ số hạnh phúc.
Có thông tin chia sẻ rằng Việt Nam đã vượt Bhutan, trở thành quốc gia hạnh phúc số 1 châu Á và đứng thứ 5 thế giới. Hả hê vui sướng một hồi rồi mới tức cười vì đó là chuyện của năm…2016 được dẫn lại (!?). Mà đó là bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) do Tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội New Economics Foundation (NEF) có trụ sở tại Anh công bố.
Cười, vì công bố gần nhất là năm 2019, Việt Nam đứng thứ 94 (tăng 1 bậc so với năm 2018) trong bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của 156 quốc gia, theo Báo cáo World Happiness Report 2019 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Cười… một cách “phớt tỉnh Ăng Lê”, thì việc người ta dựa trên tiêu chí nào, khảo sát như thế nào, đánh giá mình hạnh phúc ra sao, đó là việc của họ. Còn mình hơi nực cười lại phân ra chiến tuyến để…cãi. Một phía cho đó là sự lạc quan tếu bởi nếu soi vào bộ tiêu chí sẽ thấy hoài nghi, như với “chỉ số dấu chân sinh thái nhỏ đủ để có sự bền vững môi trường” trong khi ở ta còn ô nhiễm đủ kiểu, nhiều nơi.
Phía ngược lại, cho rằng Việt Nam kiểm soát dịch bệnh Covid-19 quá tốt, tăng trưởng GDP dương, thu xuất khẩu vẫn tăng, nhiều người muốn đến đây làm ăn, sinh sống… thế là hạnh phúc quá rồi (!). Trung dung hơn là nhóm ý kiến về việc các chỉ số đánh giá tiến bộ điều kiện an sinh, tăng trưởng kinh tế có chiều hướng tốt, trong khi nhiều vấn đề xã hội vẫn tồn tại bức xúc, cho nên chỉ số hạnh phúc của Việt Nam chỉ bình bình vậy thôi.
Xem ra việc cười hay mếu thì không phụ thuộc vào chuyện cãi hơn thua, mà bởi chính ở chỗ đánh giá/cảm nhận về hạnh phúc là không dễ đồng thuận, cũng giống như văn thơ đã từng giãi bày “Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng. Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra” (Dương Hương Ly).
Dẫu khó định nghĩa và cảm nhận vậy nhưng không phải không có chỉ số đo lường hạnh phúc. Khi Liên hợp quốc công bố chọn ngày 20 tháng 3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc từ tháng 6.2012 cho đến nay đã có 193 quốc gia hưởng ứng, trong đó Việt Nam đã phê chuẩn Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3 hàng năm” từ năm 2013.
Cũng từ đó, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) được biên soạn bởi cơ quan Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UN Sustainable Development Solutions Network). Báo cáo rà soát 6 chỉ số hạnh phúc ở mỗi quốc gia (khoảng 156 nước), bao gồm: thu nhập, tự do, tin tưởng, tuổi thọ, hỗ trợ xã hội và sự hào phóng.
Không có gì đáng cười ở việc xem xét chỉ số hạnh phúc cả. Bởi “chúng ta cần một mô hình kinh tế mới nhận diện được tầm quan trọng của ba yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển bền vững. Ba yếu tố đó gồm: Xã hội - Kinh tế - Môi trường. Nếu làm được cả 3 điều này, chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc” (Ban Ki Moon). Và Việt Nam cũng định hướng chiến lược với “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Không lạc quan nhưng cũng không bi quan mà cần soi kỹ những chỉ số đo lường hạnh phúc, nếu thực sự ta có tiến bộ thì đáng vui, cười vui để mà phấn đấu xây dựng cuộc sống văn minh, tốt đẹp hơn. Như lời cụ Phan Khôi từng nhắc: “Tôi tiếc rằng tôi chưa được đi ra ngoại quốc để xét qua cho biết cái cười của các dân tộc khác ra sao. Nhưng lấy ý mà lường, thì tôi tưởng, phàm một dân tộc đã văn minh, trong xã hội họ, chỉ có cái cười do sự vui mà thôi. Cái cười do sự vui, thì trong đó có cái vẻ đầm ấm của sự sống, nó hiệp với cái nguyên tắc của sự sanh tồn...”(Cái cười của con Rồng cháu Tiên, Phụ nữ tân văn, 28.5.1931).