Hành trang tiếp cận thành phố sáng tạo

QUỐC TUẤN 07/02/2023 06:46

Việc tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO là quá trình Hội An thể hiện cam kết phát triển bền vững trên nền tảng tài nguyên bản địa.

Nếu tách rời khỏi cộng đồng thì tài nguyên, di sản văn hóa ở Hội An sẽ bị đứt gãy. Ảnh: Q.T
Nếu tách rời khỏi cộng đồng thì tài nguyên, di sản văn hóa ở Hội An sẽ bị đứt gãy. Ảnh: Q.T

Định vị lợi thế

Hội An là một trong 7 thành phố của Việt Nam “chạy đua” gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu với lựa chọn tiêu chí thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Điều này được lý giải là bởi nhiều hoạt động ở hầu khắp lĩnh vực của đô thị cổ này đều có bóng dáng của thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian.

Ở Hội An cộng đồng là thuộc tính vô cùng quan trọng. Cộng đồng ở đây có thể là cư dân, doanh nghiệp, du khách… Nếu tách rời cộng đồng, tài nguyên và di sản văn hóa của Hội An sẽ bị đứt gãy. Để thích ứng, thành phố đưa ra chiến lược phát triển trong tương lai dựa trên 4 nền tảng: người dân, doanh nghiệp, chính quyền, đô thị.

Cộng đồng được tham gia các quyết định liên quan đến sáng tạo, phát triển, trong đó đặc biệt là bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống bản địa. Hội An tham gia truyền thống sáng tạo trên cơ sở nghề truyền thống và văn nghệ dân gian cũng là để làm du lịch bền vững.

Hội An là một trong 7 thành phố được Bộ VH-TT&DL lựa chọn thực hiện đề án phát triển mạng lưới sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Ảnh: Q.T
Hội An là một trong 7 thành phố được Bộ VH-TT&DL lựa chọn thực hiện đề án phát triển mạng lưới sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Ảnh: Q.T

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, chủ thể xung kích sáng tạo được xác định là nghệ nhân, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp… bên cạnh đó cũng chú trọng giới trẻ.

Để đủ tiêu chuẩn gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu, lãnh đạo thành phố cũng xác định hệ thống chính trị địa phương phải nâng cao năng lực quản trị, kiến tạo và truyền cảm hứng.

“Thực ra, thành phố đã đưa sáng tạo là 1 trong 6 tiêu chí xây dựng con người Hội An từ khi có Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chứ không chỉ đợi đến khi tiếp cận mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu, nên thời điểm này chỉ là việc tiếp nối định hướng chứ không có gì ngẫu hứng” - ông Lanh chia sẻ.

Về tiến độ của chương trình, bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VHTT-TTTH Hội An thông tin, đơn vị đã tham mưu thành lập tổ biên tập xây dựng hồ sơ, biên soạn nội dung lấy ý kiến góp ý từ các chủ thể đến tháng 6/2023.

Sau đó sẽ trình Bộ VH-TT&DL và UNESCO hồ sơ xét duyệt tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Việc nộp hồ sơ chỉ là bước đầu, sau đó Hội An phải tiếp tục lộ trình theo cam kết với UNESCO.

Cần được tiếp sức

Nghề thủ công truyền thống như là một loại hình vật thể của di sản văn hóa phi vật thể. Dù vậy, điều cần chú trọng là kỹ năng và tri thức trong các nghề thủ công truyền thống chứ không phải sản phẩm.

Nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề cần nhiều hơn những “sân chơi” để thể hiện khả năng sáng tạo. Ảnh: Q.T
Nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề cần nhiều hơn những “sân chơi” để thể hiện khả năng sáng tạo. Ảnh: Q.T

PGS-TS. Đỗ Thị Thanh Thủy - Trưởng Ban nghiên cứu Văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia nhận định, Hội An phải đầu tư nhiều hơn vào con người - yếu tố then chốt trong các ngành công nghiệp sáng tạo và các thành phố sáng tạo.

Thành phố cũng cần thúc đẩy khởi xướng các dự án sáng tạo với cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ sức sống văn hóa bao gồm mở rộng và thúc đẩy các không gian sáng tạo của phố như không gian công cộng, không gian làm việc và studio, không gian bán lẻ sáng tạo, không gian sống - làm việc tại nhà cho những người thực hành sáng tạo…

Trước “ngả rẽ” sáng tạo, phần lớn mạng lưới thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian tại địa phương cần tiếp sức để “trở mình”. Đại diện Phòng Kinh tế TP.Hội An cho hay, một số làng nghề hiện cần hỗ trợ liên kết cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định để phục vụ sản xuất, đặc biệt là làng gốm Thanh Hà.

Các ý tưởng khởi nghiệp liên quan đến làng nghề, làng quê cũng cần được tạo cơ chế về đất đai, hỗ trợ thuê đất nông nghiệp thực hiện dự án về du lịch nông nghiệp…

Nghệ nhân hiện có quá ít “sân chơi” để thể hiện tài năng. Vấn đề trao truyền cũng đang đứng trước thách thức “đứt gãy”. Cần có cơ chế để nghệ nhân lẫn người học thực sự tâm huyết. Hoàn thiện biện pháp bảo vệ mang tính pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền để cộng đồng hưởng lợi cũng là vấn đề cấp bách.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Minh - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề từ ngân sách nhà nước hàng năm không nhiều lại kéo dài nên không tập trung dứt điểm, không đầu tư được các công trình trọng điểm.

Nên chăng xây dựng một nguồn vốn phát triển nghề truyền thống ổn định trong đó gồm 2 khoản, để đầu tư cơ sở hạ tầng có tính cộng đồng và cho vay lãi suất thấp. Như vậy mới phần nào khắc phục được tình trạng làng nghề manh mún, mạnh ai nấy làm, thậm chí là xung đột lẫn nhau.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trang tiếp cận thành phố sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO