Xã hội

Hành trình "chữa lành" của một cựu binh Mỹ

TRƯỜNG AN 01/05/2024 17:29

(QNO) - Manus Campbell, cựu thủy quân lục chiến quân đội Mỹ đã từng bị ám ảnh bởi hiện thực tàn khốc của cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Hơn 15 năm qua, ông đã tình nguyện trở thành người kể chuyện chiến tranh để hàn gắn và chữa lành.

Ám ảnh chiến tranh

Một ngày cuối tháng 4/2023, Manus Campbell (75 tuổi) cùng gia đình đến tham quan làng bích họa Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam. Tại đây, họ đã gặp ông Trần Chí Khánh, một thương binh với bàn chân không lành lặn. Hai người lính ở hai chiến tuyến khi xưa giờ trao cho nhau cái ôm thân thiện, cởi mở như những người bạn xa cách ngày gặp lại.

z4296464651738_9c8f9f4f8e775ceb1ea009027509672b-ok.jpg
Manus Campell chụp ảnh lưu niệm cùng cựu chiến binh Trần Chí Khánh. (Tam Thanh, Tam Kỳ) Ảnh: TRƯỜNG AN

Manus Campbell là cựu quân nhân Tiểu đoàn 1, binh đoàn Thủy quân lục chiến 4 của quân đội Mỹ, từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị, Đông Hà từ năm 1967-1968.

“Tôi đã hành quân qua những vùng tạm chiếm, nơi đâu cũng thấy cảnh điêu tàn, đói khổ và cảnh chết chóc của người dân vô tội. Những ánh mắt van xin, tuyệt vọng của họ khiến tôi ám ảnh khôn nguôi. Ở tuổi 19, hiện thực tàn khốc của chiến tranh đã đánh gục tôi. Tôi nhận ra sẽ chẳng có chiến thắng thực sự cho bất kỳ một cuộc xâm lược nào” - Manus Campbell kể lại.

330324_10150274053210728_5804160_o.jpg
Cựu binh Mỹ Manus Campbell.

Sau 2 năm tham chiến, Manus Campbell trở về Mỹ và mắc chứng rối loạn căng thẳng (một hội chứng chiến tranh). Ông chìm đắm trong men rượu và chất kích thích suốt nhiều năm hòng quên đi cảm giác tội lỗi và hối tiếc.

Năm 2007, người cựu binh Mỹ một thời quyết định đối diện với sự thật và quay lại nơi ông từng tham chiến dù trong lòng vẫn còn nhiều dấu hỏi và lo lắng.

Tại đây, một người mẹ Huế có chồng và con hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc không những tha thứ cho Manus, mà còn cho ông ở trong căn phòng của con trai của mình.

58003864_10155833204870728_8522081440232374272_n.jpg
Manus Campbell (bên phải) và những người bạn Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

“Ngày 29 tháng 10 năm 1967, tôi tham gia trong một trận phục kích của quân đội Mỹ tại một con suối gần Đồi 764 ở Thừa Thiên Huế. Nơi đây, hơn 50 lính thủy đánh bộ và lính Bắc Việt đã thiệt mạng và 100 người bị thương. Tôi không bao giờ nghĩ là mình trở lại nơi này hoặc muốn thăm lại "địa ngục" của quá khứ đó và càng lo sợ người Việt Nam sẽ không đón nhận mình” - Manus Campbell giãi bày.

“Nhưng người mẹ ấy đã nói với tôi, chiến tranh qua lâu rồi và bà ấy biết tôi đến đây để giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Bà xem tôi như là người trong gia đình” - Manus xúc động nói.

Việt Nam - quê hương thứ hai của Manus Campbell

Năm 2009, Manus thành lập tổ chức phi chính phủ gọi là HIVOW (Helping Invisible Victims of War) nhằm giúp đỡ những nạn nhân bị tác động bởi chiến tranh. Và là nhà tài trợ cho tổ chức Children’s Hope In Action (CHIA) tại Hội An để triển khai các dự án hỗ trợ trẻ em và nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh miền Trung.

421793014_10159254997055728_3420562732637859650_n.jpg
Ông Manus Campell - Đại diện Tổ chức CHIA và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam trao tặng quà cho trẻ em khó khăn ở Tiên Phước dịp tết 2024. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bà Robyn Morly (quốc tịch Úc), người sáng lập tổ chức CHIA tại Hội An chia sẻ, ông Manus Campbell đã đồng hành, gắn bó với hoạt động từ thiện, chăm sóc trẻ em khuyết tật của CHIA trong suốt nhiều năm liền. Đây là sự trợ giúp vô cùng ý nghĩa.

Cho đến nay, Manus Campbell đã có hơn 15 năm rong ruổi khắp miền Trung để mong có thể "dọn dẹp" những tàn dư của bom mìn Mỹ và chất độc da cam - hóa chất mà quân đội Mỹ từng rải trong cuộc chiến gây ra hậu quả sinh con dị tật và ung thư cho rất nhiều người dân Việt Nam thời hậu chiến.

Ngoài các dự án xã hội Manus Campbell hiện hoạt động nhưng một diễn giả kể chuyện phản đối chiến tranh.

[VIDEO] - Cựu binh Mỹ Manus Campbell nói về hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam


“Tôi muốn gắn bó khoảng thời gian còn lại với Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh. Rất nhiều cựu binh Mỹ đã tự sát hoặc chìm trong hỗn loạn, xung đột của hội chứng chiến tranh mà không tìm được lối thoát. Chính sự bao dung, vị tha của người Việt Nam mà tôi gặp đã giúp tôi trút bỏ gánh nặng tội lỗi nặng nề. Tôi như sống lại lần nữa” - Manus Campbell chia sẻ.

z4296460125410_b1d58a84b3c4a28dfba1e7bdc587b739.jpg
Manus Campbell cùng gia đình trong chuyến thăm quan Làng bích họa Tam Thanh, TP.Tam Kỳ tháng 4/2023. Ảnh: TRƯỜNG AN

Phan Đoan Trang, một cô gái Hội An từng tham gia các dự án trợ giúp xã hội, nơi Manus Campbell tài trợ, hiện trở thành người bạn đời của ông. Ở Việt Nam, trái tim tan vỡ của người cựu binh Mỹ gần như đã được chữa lành và sưởi ấm.

Tháng 3/2023, cuốn sách The Long Reckoning (tạm dịch: Sự tính toán dài hạn), viết về chiến tranh, hòa bình và sự chuộc lại lỗi lầm ở Việt Nam của tác giả George Black, được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Manus Campbell là một trong hai nhân vật chính, đã gây được sự chú ý lớn.

315073515_10158483421295728_3857432699160374532_n.jpg
Manus Campbell và tác giả cuốn sách "The Long Reckoning". Ảnh do nhân vật cung cấp

“Cuốn sách đã làm sáng tỏ hai "di sản kép" của chiến tranh Việt Nam - chất độc màu da cam và bom sót lại mà đến nay vẫn tiếp tục hủy hoại cuộc sống của người dân Việt Nam và cựu chiến binh Hoa Kỳ. Với màu sắc và sự đồng cảm, George Black viết nên một câu chuyện sống động về những con người có thật, mang đến cái nhìn mới mẻ, sâu lắng về hậu quả lâu dài của một cuộc chiến đau thương” - cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình "chữa lành" của một cựu binh Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO