Mỗi bảo vật đều có câu chuyện và hành trình đầy thú vị. Liên tục những tin vui đến với giới mê cổ vật khi từng ngày một, những di sản quý này đang được trở về đúng với nguồn gốc và vị thế của nó...
Hoàn nguyên pháp khí
Giữa tuần này, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định cho phép Bảo tàng Quảng Nam chuyển giao 2 chi tiết liên quan của bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng để lưu giữ và phát huy giá trị.
Ngay khi câu chuyện hoàn nguyên hai pháp khí “con ốc và đóa sen” về với bảo vật quốc gia Bồ tát Tara sau hơn 40 năm lưu lạc, lần nữa công chúng nhận diện thêm về các vỉa tầng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật hàm chứa trong các bảo vật.
Được ví như “châu về hợp phố”, bảo vật tượng Bồ tát Tara từ sau này sẽ là một bảo vật quốc gia hoàn hảo từ nền văn hóa Champa được giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Tại Bảo tàng Quảng Nam đang lưu giữ 3 bảo vật quốc gia được công nhận vào các năm 2015, 2018 bao gồm: pho tượng Tu sĩ Chăm Phú Hưng (Tượng thần Shiva), đầu tượng thần Shiva và Ekamukhalinga (Linga có một đầu thần Siva). Các hiện vật này được trưng bày bằng phiên bản tại bảo tàng, trong khi bảo vật gốc được cất giữ ở kho, bảo quản theo chế độ nghiêm ngặt. Cùng với các bảo vật, hệ thống hiện vật của nền văn hóa Champa mà Bảo tàng Quảng Nam đang nắm giữ cũng rất đa dạng.
Ông Huỳnh Hùng - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.Đà Nẵng cho biết, thông tin hoàn nguyên pháp khí từ Quảng Nam về với bảo vật gốc tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là điều rất vui đối với những người yêu văn hóa tại đây.
Cũng như vậy, đại diện Bảo tàng Quảng Nam cho biết, việc 2 hiện vật hợp nhất với tượng gốc là một việc rất hợp lý. Bởi khi hoàn chỉnh thì mới phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Qua đó, giúp công chúng có cái nhìn tổng quát nhất về một bảo vật quốc gia.
Ngay khi có quyết định từ UBND tỉnh Quảng Nam, Bảo tàng Quảng Nam tiến hành các thủ tục cùng Bảo tàng Đà Nẵng để chuyển giao 2 chi tiết này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa Champa cho rằng, việc gắn lại 2 vật cầm tay với tượng gốc là không thể bởi vật liệu gắn kết có thể sẽ dẫn đến hỏng pho tượng gốc. Do đó, cách tốt nhất hiện nay là trưng bày 2 hiện vật này cùng với bức tượng.
Người xem cũng có thể hình dung được tượng gốc và hiểu ý nghĩa 2 hiện vật rời được trưng bày cũng như hành trình hoàn nguyên bảo vật. Đó có thể là một chi tiết lý thú để bảo vật quốc gia Bồ tát Tara ngày càng gây ấn tượng mạnh với du khách.
Chờ hồi hương bảo vật
Cũng trong những ngày tháng 9, giới yêu cổ vật của Việt Nam nhận được thông tin rất vui khi tượng đồng Nữ thần Durga - cổ vật quý từng bị đánh cắp tại Khu đền tháp Mỹ Sơn vào năm 2008 vừa được trao trả cho Việt Nam thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.
Theo tờ báo The Art Newspaper, đây là kết quả sau quá trình điều tra của Cục Điều tra An ninh nội địa Mỹ (HSI) và cảnh sát London (Anh) đối với trùm buôn lậu Douglas Latchford.
Theo đó, vào các năm 2008 và 2009, Douglas Latchford sử dụng số tiền thu được từ việc bán đồ cổ bị đánh cắp và buôn lậu để mua bức tượng đồng từ thế kỷ thứ 7 - chính là tượng nữ thần Durga 4 tay, dài 2m, nặng 250kg đánh cắp từ Mỹ Sơn.
Sau khi ông Latchford qua đời vào năm 2020, con gái của ông là bà Julia Copleston, được thừa kế từ cha mình hơn 120 bức tượng, di vật bằng vàng mà chính quyền cáo buộc đã đánh cắp từ Campuchia, cũng như tiền bạc.
Trong thỏa thuận dàn xếp vụ kiện, bà Copleston đã đồng ý trả lại 12 triệu USD, cũng như đồng ý giao bức tượng đồng Nữ thần Durga, mà cha mình mua bằng tiền bất hợp pháp và đang lưu trữ tại Anh.
Việc hồi hương pho tượng quý giá này đang được Đại sứ quán Việt Nam tại Anh xúc tiến. Tượng Nữ thần Durga bằng đồng là một trong số cổ vật quý giá tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Nữ thần Durga được coi là biểu tượng của tình yêu tinh khiết, lòng dũng cảm và ánh sáng cũng như là đại diện cho quyền năng của Đấng tối cao, duy trì trật tự đạo đức và sự công bằng xã hội trong nền văn hóa Champa.
Từ câu chuyện tượng đồng Nữ thần Durga, mới thấy được hiệu ứng từ sau khi Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 1970 về chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa vào năm 2005.
Đã có nhiều hơn những cuộc trao trả, hồi hương bảo vật từ nước ngoài về Việt Nam thông qua sự tự nguyện trao trả của chính phủ các nước đang giữ bảo vật. Năm 2018, giới mê cổ vật râm ran khi chính phủ Đức trao trả 18 hiện vật do Cơ quan phòng chống tội phạm Công an Berlin thu giữ tại cửa hàng một thương nhân Việt Nam từ cuối năm 2016.
Trong số này, có 5 hiện vật văn hóa Đồng Nai có niên đại 4.000 - 3.500 năm, 5 hiện vật hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim khí Tây Nguyên có niên đại 4.000 - 3.500 năm; 8 hiện vật văn hóa Đông Sơn có niên đại 2.500 - 2.000 năm. Năm 2022, chính phủ Mỹ cũng tiến hành bàn giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ những cổ vật đã xác định có nguồn gốc Việt Nam gồm: một rìu đá hậu kỳ đá mới, 4 hiện vật văn hóa Đông Sơn, 3 tượng cá sấu đá, 2 tẩu đồng...
Tuy nhiên, theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), Việt Nam hiện có hàng chục nghìn cổ vật quý hiếm, trong đó có nhiều cổ vật thuộc hàng quốc bảo, đang lưu lạc ở nước ngoài do bị đánh cắp, bị mang đi bởi nhiều lý do qua các thời kỳ lịch sử biến động.
Trong nước, công bố từ Bộ VH-TT&DL, từ năm 2012 đến hết năm 2022, Việt Nam đã tổ chức 11 đợt công nhận với 265 bảo vật quốc gia. Các bảo vật quốc gia thuộc quyền quản lý của nhiều địa phương, tổ chức khác nhau.
Do vậy, mỗi nơi sẽ có cách thức quảng bá, khai thác, cũng như tôn vinh giá trị của các hiện vật, nhóm hiện vật khác nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vật quốc gia có sức sống mới, xứng tầm vóc là điều được rất nhiều người quan tâm...