Lần đầu tiên đặt chân đến Malaysia, tôi không đến Kuala Lumpur phồn hoa. Tại thủ phủ của Sabah - một trong 2 bang lớn thuộc đảo Borneo, chúng tôi mãi không quên cảm giác choáng ngợp trước trùng điệp biển - rừng ở nơi đây. Được mệnh danh là “vùng đất dưới gió”, ở Sabah, rừng là vốn quý, là trái tim đầy sinh khí của mỗi người, của cả đời sống và ngành du lịch đang khởi sắc.
Giữa những cánh rừng già
Sân bay Kota Kinabalu của Sabah tọa lạc bên cạnh vịnh biển Đông Malaysia. Từ đây, tôi bắt đầu hành trình xuyên qua “thành phố nghỉ dưỡng thiên nhiên” với bạt ngàn những cánh rừng xanh ngát.
Địa thế đặc biệt của Kota Kinabalu trải dài từ vùng biển, băng qua sườn đồi đến vùng cao nguyên và cuối cùng là đỉnh núi cao nhất Đông Nam Á… khiến mỗi bước chân lữ khách ở thành phố này trải nghiệm đầy đủ cung bậc và màu sắc.
Khởi đầu với cuộc dạo chơi nhẹ nhàng khoảng gần 2km trong Vườn quốc gia Kinabalu Park - một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận, tôi như lạc giữa những con đường phủ đầy rêu xanh.
Thảm thực vật nguyên sơ len lỏi dưới mặt đất, đan xen hoàn hảo làm nên vẻ đẹp mê hồn của rừng cây nguyên sinh. Thi thoảng, đường đi bị cắt ngang bởi một con suối, mạch nước ngầm nhỏ xíu, trong veo khiến chững lại một nhịp di chuyển.
Chưa đầy 500m từ bìa rừng, tiếng gió lao xao trên tán cây cổ thụ, tiếng suối reo, tiếng chim và thú rừng kêu vang vọng đã đưa du khách đắm chìm trong tiếng thở của rừng.
Có một điều đặc biệt ở Kinabalu Park chính là cách người Malaysia tôn trọng thiên nhiên. Từ khu vực đánh dấu là ranh giới của rừng, tôi cùng đoàn đi một vòng cung dài nhưng không hề bắt gặp dấu vết của một công trình bê tông nào. Chiếc cầu bắc qua suối được làm từ cây gỗ.
Những tấm lát đường để thuận tiện di chuyển qua các đoạn sình lầy cũng từ nguyên liệu của rừng. Thi thoảng, có thân cây bị gãy đổ vẫn được giữ nguyên hiện trạng, tạo thành cảnh quan và hệ sinh thái mới đúng với chu trình phát triển của tự nhiên.
Đó là tôi mới dạo chơi trong tour tham quan nhẹ nhàng nhất ở Kinabalu Park. Người Malaysia còn khiến nơi đây nổi tiếng đối với đông đảo du khách trên hành trình chinh phục đỉnh núi Kinabalu cao nhất Đông Nam Á - nơi vẻ đẹp của sự hùng vĩ, thiên nhiên hoang sơ.
Vẫn trong khuôn viên của Kinabalu Park, điểm đến tiếp theo là vùng suối nước nóng Poring cách đó không xa. Tôi lại thêm một lần ngạc nhiên với cách người Malaysia dẫn nguồn nước nóng tự nhiên về khu tắm nóng, vừa đủ để khai thác du lịch nhưng không can thiệp và chu trình của hoang sơ.
Từ khu vực tắm khoáng chỉ rộng vài nghìn mét vuông, chúng tôi chạm ngõ khu vườn bươm bướm, dạo bước qua cây cầu treo giữa rừng đặc trưng để tìm kiếm loài hoa lớn nhất thế giới Rafflesia…
Với 60 - 70% diện tích đất là rừng bao phủ, trong đó hơn 10% là rừng nguyên sinh, không khó để hiểu vì sao người Malaysia nâng niu và quý trọng rừng đến như vậy. Và chính sự trọng thị đó, đã tạo nên sức sống kỳ diệu của “trái tim” Malaysia.
Hơi thở văn hóa - câu chuyện bản sắc
Cũng giữa những cánh rừng của Kota Kinabalu, làng văn hoá Mari-Mari được dựng lên đầy bí ẩn, phục dựng hoàn hảo đời sống của 4 bộ tộc cổ xưa của người Malaysia.
Tách biệt khỏi không gian đô thị và đời sống dân sinh thường nhật, cách thức tôn tạo không gian trải nghiệm và trình diễn văn hóa cổ xưa của Malaysia thật sự chinh phục du khách bởi sự tự nhiên, chân thật, không khiên cưỡng.
Có 6 gian nhà truyền thống được xây dựng từ chất liệu cơ bản: tre, gỗ, lá… cùng sự tương đồng tối đa cuộc sống của nhiều niên đại trước. Không gian rừng nguyên sinh hoang sơ mang đến sự hòa hợp đáng kinh ngạc. Du khách như lạc lối và tìm thấy một ngôi làng cổ, thay vì cảm giác văn hóa được mang đến với du khách.
Những gian hàng dựng thô sơ, mời du khách thưởng thức các món bánh dân gian đặc sản, hoặc uống ly rượu mời, nếm mật ong... với những dụng cụ và phương thức đặc hữu không khác gì trải nghiệm đang đặt chân đến với thế giới của người Malaysia cổ.
Mặc dù vẫn dùng một số thiết bị điện cơ bản như đèn, loa, máy quạt, dàn nhạc… tôi và các du khách trong đoàn gần như khó tìm ra điểm phô chênh trong hành trình trải nghiệm văn hoá giữa rừng độc đáo này.
Trong suốt hành trình 5 ngày ở Malaysia, tôi luôn có cảm giác dễ chịu ở mỗi nơi đặt chân đến. Do mật độ cư dân còn khá thấp, đường chu du từ trung tâm Kota đến đỉnh núi Kinabalu dừng lại rất nhiều điểm nghỉ chân. Ở mỗi nơi sẽ hình thành một khu chợ truyền thống buôn bán thực phẩm, trái cây, đồ lưu niệm đặc trưng của địa phương.
Ở chợ của người Malaysia không có cảnh chèo kéo, to tiếng. Họ có rất nhiều món hàng lưu niệm được làm tinh xảo, chắc chắn: móc khóa, đàn, tượng thú, túi thủ công…
Mỗi món hàng đều được niêm yết giá bên ngoài, thường có chênh lệch lớn nhỏ tùy người bán ngay giữa các gian hàng trong cùng khu. Du khách có thể tự do trao đổi về mức giá mong muốn. Người bán rất nỗ lực giao tiếp bằng tiếng Anh cơ bản. Nhưng nếu không đồng thuận, họ vẫn rất vui vẻ lắc đầu và du khách thoải mái rời đi.
Đặc biệt, bên ngoài mỗi khu chợ thường có một quầy văn nghệ tự phát, nơi một nhóm từ 2 người trở lên chơi dàn nhạc cụ gõ truyền thống gọi là gong hoặc sáo tre sompoton.
Các nghệ nhân sẽ hát Bambarayon - một trong số những bài hát dân gian của dân tộc lớn nhất Malaysia - Kadazandusun hoặc bài ca Sayang Kinabalu về niềm tự hào đỉnh núi cao nhất khu vực của họ.
Âm nhạc và trình diễn văn hóa thường thức len lỏi vào trong các nhà hàng lớn phục vụ đông đảo du khách ở Malaysia, trên các du thuyền đón hoàng hôn giữa vịnh Thái Lan… Chính những điểm chấm phá ấy đã tạo nên một dấu ấn rực rỡ về Malaysia cho mỗi du khách đã từng một lần đặt chân đến.