Hành trình đi tìm đồng đội

THANH NGHỊ 13/12/2013 08:40

Tôi ghé thăm ông Nguyễn Ý Chí ở thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh (nguyên là Trung đội trưởng Trinh sát Tiểu đoàn 10, Ban An ninh khu 5) vào một chiều cuối tuần. Giữa câu chuyện bên ly trà nóng, ánh mắt ông bỗng thoáng nỗi buồn. “Chắc ông lại nhớ về hành trình đi tìm đồng đội năm xưa?” - tôi hỏi. “Nhớ chứ! Lúc nào tôi cũng đau đáu lòng mình, nhất là khi xuân về tết đến hay ngày thương binh liệt sĩ, ngày thành lập ngành công an. Bởi bao chiến sĩ đã hy sinh vẫn còn nằm nơi rừng thiêng nước độc chưa được đưa về phụng thờ ấm cúng” - ông nói. Ông Chí cho biết, nhiều năm qua, khi Bộ Công an và Công an Quảng Nam có chủ trương tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ ngành công an, ông cùng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an khu 5, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) bắt tay ngay vào việc tìm đưa hài cốt các anh về nơi yên nghỉ ở quê nhà hay các nghĩa trang liệt sĩ địa phương.

Đưa hài cốt liệt sĩ về quê an táng. Ảnh: T.N
Đưa hài cốt liệt sĩ về quê an táng. Ảnh: T.N

Ban tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Công an khu 5 nói chung và các chiến sĩ Tiểu đoàn 10 (Quảng Nam - Đà Nẵng) nói riêng đã được Bộ Công an chỉ đạo và Công an Quảng Nam thực hiện từ năm 2009, do Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an Quảng Nam làm Trưởng ban. Trong hơn 4 năm qua, dù gặp không ít khó khăn, song Ban quy tập đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 83 mộ liệt sĩ hy sinh trên chiến trường khu 5.

Có những tấm lòng

Được giao nhiệm vụ phụ trách tổ tìm kiếm, quy tập hài cốt, ông Chí nhớ lại chuyến thăm dò khảo sát đầu tiên bắt đầu vào ngày 8.4.2009. Ngày đó, ông cùng các ông Phạm Xuân Khoa (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 35), Phan Quang Công (nguyên Trung đội trưởng Đại đội 34, Tiểu đoàn 10) lên huyện Bắc Trà My tiến hành khảo sát, đánh dấu. “Mấy chục năm trôi qua, núi rừng bị tàn phá bởi chiến tranh nên mộ chí bị thất lạc dấu vết, phải dò hỏi người dân bản địa để tìm vị trí hàng tháng trời. Chuyến đầu tiên, tổ khảo sát tìm được 7 mộ ở huyện Bắc Trà My, 5 mộ ở Nam Trà My. Ngày đầu tiên bốc mộ đồng chí Nguyễn Cao Miên (Tiểu đội trưởng thuộc C35, Tiểu đoàn 10) bị Mỹ bắn chết được đồng bào dân tộc chôn. Cũng may là người chôn lúc đó là du kích, nay là cán bộ về hưu nên đã đưa chúng tôi đi tìm chính xác. Người thứ hai là liệt sĩ Huỳnh Xuân (quê Bình Nam, Thăng Bình, Tiểu đội trưởng thuộc C34). Tìm được hài cốt hai đồng chí ấy như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua những khó khăn gian khổ nơi núi rừng khắc nghiệt thiếu thốn đủ thứ, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm được thêm 10 hài cốt nữa trong 5 ngày sau đó” - ông Chí cho biết.

“Thời chiến, mỗi lần chôn cất anh em đồng đội hy sinh là mỗi lần tim tôi quặn đau. Giờ tìm được hài cốt đồng đội lòng ngậm ngùi không nén được xúc động. Đưa được anh em về quê an nghỉ hay an táng tại nghĩa trang căn cứ Ban An ninh khu 5, lòng tôi thanh thản phần nào. Nhưng trong thâm tâm vẫn đau đáu chạnh lòng vì biết bao đồng đội đã hy sinh còn nằm trong sương rừng giá lạnh không biết bao giờ mới được trở về quê nhà hay được có nấm mồ ấm cúng” - ông Nguyễn Ý Chí trải lòng.

Nhiều chuyến đi kéo dài hàng tháng trời trên vùng núi Trà My khắc nghiệt nhưng các ông vẫn kiên trì. Những trận mưa dông bất chợt, nước đổ ào ào như thác rất nguy hiểm, nhất là những chuyến đi Nam Trà My rồi sang tận Kon Tum. Nhiều chuyến đi chỉ vài ngày leo dốc, vượt rừng là hết nước uống mang theo, phải uống nước suối, rồi vắt rừng châm đốt sần người… Còn ở vùng núi Quảng Ngãi, do liệt sĩ chôn ở mặt đất cạnh suối, bây giờ mở đường lấp hết phải sử dụng cả xe ủi, xe cạp đất để đào bới tìm kiếm ở độ sâu 5 - 6m. Khó khăn là vậy nhưng tấm lòng đối với đồng đội đã hy sinh không cho phép các ông lùi bước. Với sự quyết tâm đó, năm 2011 đội đã tìm kiếm quy tập được 10 mộ liệt sĩ.

Câu chuyện nghĩa tình

Ông Chí kể: “Nhớ liệt sĩ Thái Văn Miên (quê Nghệ An), tôi trực tiếp chôn gần gốc cây. Giờ cây đã bị chặt phá nhưng còn gốc nên tôi nhớ và bốc chính xác. Còn liệt sĩ Hồ Như Thiệp (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) hy sinh khi bảo vệ cán bộ lãnh đạo Khu ủy khu 5 đi công tác Quảng Đà. Ngày đó, khi đoàn công tác xuống tới Điện Hòa, huyện Điện Bàn thì lọt vào ổ phục kích của địch. Hồ Như Thiệp đã chiến đấu rất dũng cảm, ngoan cường đến viên đạn cuối cùng, bảo vệ đoàn công tác an toàn ra khỏi vòng vây của địch. Người chôn cất liệt sĩ Thiệp là anh Đặng Thành Nhơn (đã về hưu), cùng đi trong chuyến công tác. Theo trí nhớ ông Nhơn, liệt sĩ Thiệp được chôn bên bờ suối. Lúc chúng tôi đi tìm, mộ không còn nấm, người dân đã trồng đậu trồng bắp lên trên nhưng nhờ ông Nhơn khoanh vùng chính xác vị trí nên đào bới tìm kiếm một buổi thì gặp. Khi tìm thấy hình hài của Thiệp, các thành viên trong đoàn cùng thốt lên: Cậu được về nhà rồi Thiệp ơi!”.

Ông Nguyễn Ý Chí đọc lại danh sách liệt sĩ Tiểu đoàn 10, Ban An ninh khu 5 hy sinh trên chiến trường Quảng Nam.
Ông Nguyễn Ý Chí đọc lại danh sách liệt sĩ Tiểu đoàn 10, Ban An ninh khu 5 hy sinh trên chiến trường Quảng Nam.

“Có đồng đội đào tìm năm ba lần mới được. Khi tìm thấy hình hài các anh, tuy chỉ còn “dáng hình của đất”, nhưng không ai nén được niềm xúc động. Hai đồng chí Nguyễn Văn Sáu (quê An Nhơn, Bình Định), Nguyễn Phương (quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) hy sinh cùng lúc tại Trà Tân, Trà My vào tháng 4.1970 cũng chính tay tôi chôn cất trong rừng, nhưng bây giờ dân khai phá để trồng keo nên tìm rất khó” - ông Chí nhớ lại. Nhiều ngày đào bới nhưng không tìm thấy, đêm nằm lục lại ký ức, ông Chí khẳng định đúng là đã chôn các liệt sĩ ở khu vực đó nên hôm sau lại tiếp tục đào tìm. Đến ngày thứ 5 thì các ông tìm thấy hài cốt các liệt sĩ. Ông Chí chia sẻ: “Tìm thấy hài cốt đồng đội, tôi xúc động nghẹn ngào: Sáu ơi, Phương ơi, mình đã tìm được các cậu rồi! Lúc đó mình thay cho mỗi cậu một bộ đồ, giờ thì không còn gì nữa, các cậu đã hóa thân vào đất mẹ yêu thương. Giờ mình sẽ đưa hai cậu về”. Mỗi lần đưa tiễn hài cốt các liệt sĩ về quê, ông Chí đều trực tiếp đi, có khi phải đến tận các tỉnh xa như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Hà, có liệt sĩ quê ở tận Lào Cai. “Lần đưa hài cốt liệt sĩ Trần Văn Thành (hy sinh tại Trà Dơn, Nam Trà My) về Lào Cai, mẹ liệt sĩ Thành tuổi đã 80 ôm hài cốt con trai khóc nghẹn ngào. Rồi bà quay sang nắm tay tôi xúc động cảm ơn Công an Quảng Nam đã tìm được hài cốt đứa con mà hơn 30 năm qua bà trông mong tìm kiếm. Giờ có xuôi tay nhắm mắt bà cũng đã yên lòng” - ông Chí kể.

*        *
*

Ông Chí cho biết, từ năm 2012, tổ tìm kiếm, quy tập hài cốt tiếp tục tổ chức 3 đợt đi tìm đồng đội, mỗi đợt hơn mười ngày, và đã tìm được 9 hài cốt liệt sĩ. Trong đó ở huyện Bắc Trà My 5 trường hợp, Nam Trà My và Nam Giang mỗi địa phương 2 trường hợp. Tổ đã chuyển về Bắc 2 trường hợp, Núi Thành, Quảng Ngãi, Bình Định 4 trường hợp, 3 trường hợp còn lại quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bắc Trà My. “Theo danh sách, hiện vẫn còn 7 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt nên lòng tôi vẫn chưa yên. Mong các cấp quan tâm để chúng tôi tiếp tục tổ chức các chuyến tìm kiếm trong thời gian dài với sự chuẩn bị chu đáo hơn, hiệu quả hơn” - ông Chí nói và thay lời, hứa với các đồng đội rằng: “Ông cùng tổ tìm kiếm, quy tập hài cốt bằng hết nghĩa tình đồng đội sẽ cố gắng tìm đưa các anh về”.

THANH NGHỊ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình đi tìm đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO