Hành trình du lịch Quảng Nam

THÂN VĨNH LỘC 17/02/2015 10:31

Du lịch Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật sau 40 năm với những cột mốc và con số ấn tượng. Nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch hình thành và phát triển, biến Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của miền Trung và cả nước.

Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, nói đến du lịch Quảng Nam là nói đến sự tiếp nối một chặng đường liên tục của du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng, dù những năm sau giải phóng khái niệm du lịch vẫn còn khá xa lạ với chính quyền và người dân. Mãi đến những năm 1990 Sở Du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng  (cũ) mới được thành lập nhưng du lịch cũng chủ yếu tập trung tại TP.Đà Nẵng, đến năm 1995, sau hội nghị về phố cổ Hội An thì ý niệm về phát triển du lịch nơi đây mới được nhắc đến. Thời điểm này Hội An mới chỉ có khu lưu trú đầu tiên là 4 phòng của Công ty Thương mại và dịch vụ Hội An, còn dòng khách đến tham quan rất ít ỏi. Riêng Mỹ Sơn, bắt đầu từ những năm 1992 – 1993 mới đón những đoàn khách tham quan đầu tiên sau giai đoạn trùng tu tôn tạo và giới thiệu dự án hợp tác về văn hóa Việt Nam – Ba Lan. “Trước năm 1997 lượng khách đến Hội An và Mỹ Sơn mỗi năm khoảng 100 nghìn lượt, chủ yếu là tham quan chứ chưa có điểm lưu trú” - ông Hài cho biết.

Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Ngành kinh tế mũi nhọn

Năm 1997, Sở Thương mại và du lịch Quảng Nam ra đời đánh dấu cột mốc  về một ngành kinh tế mới của tỉnh. Tuy nhiên, du lịch chỉ thật sự khởi sắc khi Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (năm 1999), lượng khách du lịch bắt đầu tăng cao đột biến, nhiều khách sạn nhỏ lần lượt ra đời như Thanh Bình, Thùy Dương, Phố Hội, Vĩnh Hưng. Làn sóng đầu tư vào du lịch Quảng Nam cũng chuyển động với những khu resort lớn được xây dựng ven biển như Victoria, Hội An Beach Resort, The Nam Hải, Palm Garden Resort…. Thời điểm này, đề án quy hoạch phát triển du lịch ven biển từ Điện Bàn đến Hội An cũng đã được tỉnh phê duyệt, mở ra hướng phát triển cho du lịch Quảng Nam không chỉ là di sản mà còn có biển.

Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cũng bắt đầu được triển khai hướng đến thị trường khách nước ngoài. Đầu tiên phải kể đến sự kiện Quảng Nam - Hành trình di sản 2003 và chuyến Roadshow đầu tiên đến Thái Lan nhằm giới thiệu, đón đầu dòng khách trung chuyển quốc tế tới đất nước này. Đến Festival di sản năm 2010 đã đánh dấu bước chuyển mới khi không gian du lịch Quảng Nam đã mở rộng ra xa phố cổ với điểm đến Bhơ Hôồng (Đông Giang), tìm cách đa dạng tài nguyên du lịch của tỉnh với rừng, biển, làng nghề, thủ công mỹ nghệ… Đặc biệt, sự ra đời của Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Quảng Nam (năm 2007) xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn để cùng với công nghiệp chuyển Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. “Nghị quyết 06 là bước chuyển về nhận thức của chính quyền và nhân dân về kinh tế du lịch, từ đây du lịch không còn hiểu chỉ là một ngành “ăn chơi” mà là ngành hái ra tiền và giải quyết vấn đề đời sống của người dân, giao lưu văn hóa, thay đổi cảnh quan môi trường với tốc độ tăng về doanh thu hàng năm trên 20%” - ông Hài khẳng định.

Phát triển du lịch đã trở thành hướng đi ưu tiên của nhiều địa phương, trong đó có Cù Lao Chàm. Ảnh: VĨNH LỘC
Phát triển du lịch đã trở thành hướng đi ưu tiên của nhiều địa phương, trong đó có Cù Lao Chàm. Ảnh: VĨNH LỘC

Xuất phát từ ý tưởng về các sản phẩm du lịch độc đáo, một số địa phương và doanh nghiệp lữ hành Quảng Nam đã đầu tư xây dựng nhiều tour, tuyến hấp dẫn  như khám phá miền núi, trải nghiệm làng nghề, “Đêm rằm phố cổ”, “Phố không động cơ”… nhằm đa dạng hóa nhu cầu của du khách. Với Hội An - trung tâm của du lịch Quảng Nam, du lịch chỉ thật sự được nhìn nhận từ năm 1990, xuất phát từ thông điệp của cố KTS. Kazic (Ba Lan) đưa ra trong hội thảo về giá trị của khu phố cổ Hội An với toàn thế giới là người Hội An sẽ làm ra tiền và giàu từ những ngôi nhà cổ, nhưng cũng rất ít người tin điều này. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An nhớ lại: “Năm 1993 lần đầu tiên Hội An có một nghị quyết về phát triển du lịch, trong đó cho phép các thành phần kinh tế làm du lịch nhưng cũng đã vấp những ý kiến khác nhau vì cho rằng chỉ Nhà nước mới được làm du lịch, thậm chí một cuộc đấu tranh tư tưởng rất dữ dội đã xảy ra là Hội An có cần thiết phát triển du lịch hay không”. Năm 1994 cơ cấu kinh tế Hội An vẫn là ngư, nông, công, tiểu thủ công nghiệp rồi mới đến du lịch, trong đó ngư nghiệp thủy sản được xác định đứng đầu. Mãi đến năm 1999 khi những lợi ích từ du lịch mang lại cho người dân và thành phố được thấy rõ thì du lịch mới thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hội An. Đến nay, du lịch đã chiếm 73% trong tổng cơ cấu ngành nghề, sản xuất của thành phố, chưa kể các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp cũng đều hướng đến phục vụ cho du lịch.

Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Thương hiệu du lịch Quảng Nam

Theo ông Nguyễn Sự, ngay từ đầu chủ trương nhất quán của thành phố là phát triển du lịch theo hướng văn hóa sinh thái, bắt đầu là khu phố cổ với nếp sống, ứng xử của chính người dân để tạo ra hồn phách cho phố, và “Đêm rằm phố cổ” ra đời năm 1998. “Xét cho cùng du lịch là một sự bày trò, một sự rủ rê và đến hôm nay khẳng định một điều rằng cái đêm phố cổ 16 năm rồi đã trở thành sản phẩm thương hiệu, không chỉ cho du lịch mà còn là một sản phẩm văn hóa. Ở đó người ta đi bộ thật, thắp đèn lồng thật, người ta diễn thật, phố cổ thật nhưng đó là không gian còn thời gian nằm ở thời điểm nào thì chẳng ai biết; nó rất là liêu trai, vừa hư vừa thật và chính điều này đã thu hút du khách” - ông Sự nhìn nhận. Tiếp đến là hàng loạt sản phẩm ra đời vừa giải quyết vấn đề dân sinh nhưng cũng là một “đặc sản” du lịch Hội An như “Phố đi bộ”, “Phố không tiếng động cơ”… Không gian du lịch tiếp tục được mở đến các làng nghề mộc, gốm, rau, biển, đảo với sự phát triển sản phẩm mới như đưa khách làm nông dân, cưỡi trâu, cày ruộng, vãi chài trên sông, lắc thúng chai… Bên cạnh đó, du lịch mang tính cộng đồng cũng được triển khai rộng khắp với mục đích người dân phải hưởng lợi từ du lịch. “Không ai giữ phố cổ, giữ môi trường bằng chính người dân, điều này vừa giải quyết công ăn việc làm, nâng cao dân trí vừa giới thiệu văn hóa bản địa cho du khách, giúp du khách trải nghiệm được cuộc sống gia đình Việt Nam” - ông Sự nói thêm.

Có thể khẳng định, hành trình du lịch Quảng Nam là một chặng đường dài từ không đến có, để chỉ qua một khoảng thời gian 20 năm đã đưa Quảng Nam trở thành một trung tâm du lịch của cả nước với lượng khách đến mỗi năm lên con số hàng triệu lượt, thu nhập xã hội hàng nghìn tỷ đồng (năm 2014 là 4,3 triệu lượt khách, thu nhập xã hội 5.170 tỷ đồng). Du lịch đã thật sự tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội nhiều nơi, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảo tồn văn hóa, làng nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, trở thành hướng phát triển chủ đạo của nhiều địa phương.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình du lịch Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO