Hành trình nhân đạo

VINH ANH 22/11/2016 09:26

Đội ngũ những người làm công tác chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh đã và đang miệt mài trên hành trình nhân đạo cao cả…

1. Tai ương liên tiếp ập xuống khiến gia đình anh Đặng Ngọc Dũng (trú thị trấn Tân An, Hiệp Đức) trở nên điêu đứng. Đầu tiên là vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tháng 5.2015 đã cướp đi người vợ, người mẹ trong gia đình, khiến anh Dũng rơi vào cảnh “gà trống” nuôi 3 đứa con thơ. Chưa dừng lại ở đó, liên tiếp vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016, anh Dũng và mẹ ruột của mình cũng là nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông. Hậu quả, anh Dũng bị gãy xương má, 2 xương sườn, còn mẹ anh bị gãy chân. Số tiền ít ỏi dành dụm được phải dồn hết vào việc trị thương khiến gia đình anh Dũng càng rơi vào cảnh túng quẫn, 3 đứa con có nguy cơ phải bỏ học… Thông qua Hội CTĐ huyện Hiệp Đức, Hội CTĐ tỉnh biết được hoàn cảnh của anh Dũng và nhanh chóng trao đổi với ê-kíp chương trình “Kết nối những mảnh đời - Kết nối ước mơ” của Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh để lên kế hoạch thực hiện chương trình nhân ái.

Ông Trương Văn Mười - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh tặng quà cho người nghèo. Ảnh: VINH ANH
Ông Trương Văn Mười - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh tặng quà cho người nghèo. Ảnh: VINH ANH

Cuối tháng 10.2016, chương trình “Kết nối những mảnh đời - Kết nối ước mơ” đã về với gia đình anh Dũng, cùng với đó các nhà hảo tâm hỗ trợ 17 triệu đồng chia sẻ khó khăn, tiếp thêm một phần để các con anh được tiếp tục đến lớp. Trường hợp của gia đình anh Dũng là một trong nhiều hoàn cảnh được giúp đỡ thông qua cầu nối từ những người làm công tác CTĐ. Ông Phan Công Ry - Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa ứng phó thảm họa CTĐ tỉnh cho biết, chương trình “Kết nối những mảnh đời - Kết nối ước mơ” của Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh luôn có sự đồng hành của Hội CTĐ tỉnh. Không chỉ phân công cán bộ bám sát cơ sở, kể cả đến tận thôn bản xa xôi cách trở để khảo sát đối tượng, hội còn hỗ trợ kinh phí nhân đạo với mức 1 triệu đồng/trường hợp và vận động nhà hảo tâm ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn trong chương trình. “Qua mạng xã hội và những “đối tác” quen thuộc trong hành trình nhân đạo, chúng tôi đã kết nối với các nhà hảo tâm để giúp đỡ, sẻ chia cùng người có hoàn cảnh khó khăn. Sự san sẻ đó không chỉ giúp đỡ nhiều gia đình bớt khó khăn mà còn động viên, hỗ trợ kịp thời để con em họ được tiếp tục đến trường, viết tiếp ước mơ” - ông Ry chia sẻ.
2. Ông Trương Văn Mười - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết, gần 20 năm qua, hành trình của hoạt động nhân đạo thông qua các cấp hội CTĐ trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể cả về chất và lượng. Ngay sau tái lập tỉnh Quảng Nam, Hội CTĐ tỉnh được thành lập và ra mắt ban chấp hành lâm thời. Lúc đó toàn tỉnh có 14 hội CTĐ cấp huyện và 221 tổ chức hội cấp xã, trường học với tổng số chưa đến 15 nghìn hội viên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 hội cấp huyện; 5 hội ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc tỉnh hội; 323 tổ chức hội cấp cơ sở, với tổng số gần 55.600 hội viên; ngoài ra còn có 6.122 tình nguyện viên và 53.039 thanh thiếu niên CTĐ. Với mạng lưới rộng khắp, ngoài những phong trào, chương trình, dự án do Trung ương Hội CTĐ và tỉnh giao, các cấp hội còn năng động, sáng tạo xây dựng nhiều mô hình mới, như “Hũ gạo tình thương”, “Nóc thóc tình thương”, “Đồng tiền nhân đạo”, “Đội xe ôm an toàn”, “Câu lạc bộ hiến máu 25”… Những mô hình này đã kết nối hiệu quả các tấm lòng nhân ái và phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng.

Những năm qua, cùng với việc phát huy nội lực, các cấp hội xác định phải tranh thủ ngoại lực bằng việc mở rộng hoạt động, quan hệ chặt chẽ, tạo niềm tin với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm huy động tối đa nguồn lực cho hoạt động nhân đạo. Nhiều chương trình, dự án của các tổ chức nước ngoài đã đem lại sự hỗ trợ thiết thực, như dự án “Quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng”, “Cải thiện sức khỏe cho người dân Quảng Nam (VNHIP), Quỹ hàn gắn hậu quả chiến tranh Mỹ… Một số công ty, doanh nghiệp luôn đồng hành với công tác CTĐ của tỉnh như Đạm Phú Mỹ, Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty TNHH-VLXD Phan Ngọc Anh… Với sự vào cuộc của toàn xã hội, tổng giá trị hoạt động CTĐ hàng năm trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, riêng năm 2015 đã đạt hơn 80 tỷ đồng.
3. Đầu năm 2013, Trung tâm Phòng ngừa - ứng phó thảm họa thuộc Hội CTĐ tỉnh được thành lập. Trung tâm ra đời đã mang lại những kết quả tích cực trong việc nâng cao năng lực, kỹ năng cho cộng đồng khi xử lý tai nạn do thiên tai, thảm họa gây ra. Đặc biệt, khi chính quyền chưa có một chương trình “dài hơi” về phòng ngừa - ứng phó thảm họa thì công việc của những người làm công tác CTĐ được xem là tiên phong, quan trọng hàng đầu. Thêm một thuận lợi, đó là trung tâm đi vào hoạt động cùng lúc dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” (do Hội CTĐ Mỹ tài trợ) dành một phần kinh phí rất lớn cho Quảng Nam. Cán bộ CTĐ của tỉnh nhờ đó mà có cơ hội được tập huấn, nâng cao năng lực về phòng ngừa - ứng phó thảm họa. Sau một thời gian ngắn triển khai, dự án đã bao phủ đến 40 xã, phường, thị trấn và 30 trường học trên địa bàn tỉnh. Ở những địa phương có dự án đã thành lập được các đội ứng phó cấp cơ sở với 24 người/đội. Thành viên các đội không chỉ được tập huấn xử lý tình huống trong thiên tai, hỏa hoạn… mà còn được cấp nhiều phương tiện cần thiết khác. Ông Phan Công Ry cho biết, các hoạt động trong khuôn khổ của dự án là rất cấp thiết trong tình hình hiện nay, đặc biệt là với những địa phương vùng đồng bằng, ven biển thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai, bão lụt. Qua nhiều năm triển khai, làm thay đổi nhận thức và trang bị những kỹ năng cần thiết cho cán bộ cấp xã, phường vùng dự án về phòng ngừa - ứng phó thảm họa. Không dừng lại ở đó, Hội CTĐ tỉnh cũng đã mở rộng chương trình ra nhiều xã, trường học nằm ngoài dự án. Đối với cấp tỉnh, hiện nay đã thành lập được 2 đội ứng phó, mỗi đội gồm 6 cán bộ CTĐ tỉnh và 6 cán bộ CTĐ cấp huyện được xem là “chuyên nghiệp” nhất.

“Nhiều cán bộ CTĐ đã được cấp chứng chỉ cũng như trải qua các khóa đào tạo, tập huấn về phòng ngừa - ứng phó thảm họa. Nhờ đó, hoạt động này dần tạo nên thương hiệu, khi ngày càng có nhiều tổ chức, đơn vị tìm đến Hội CTĐ tỉnh đề nghị cử cán bộ tập huấn cho công nhân, cán bộ, nhân viên về phòng ngừa - ứng phó thảm họa. Nhiều nhất vẫn là kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn lao động, cháy nổ, điện giật, đuối nước…” - ông Ry nói. Tuy nhiên, lâu nay phần lớn hoạt động phòng ngừa - ứng phó thảm họa đều dựa vào dự án do Hội CTĐ Mỹ tài trợ. Một mai dự án kết thúc sẽ rất khó duy trì chương trình, nếu các cấp chính quyền không có sự quan tâm ngay từ bây giờ.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình nhân đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO