Công tác trong ngành giáo dục, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, có nhiều tấm gương thầy cô giáo điển hình luôn hết mình với công tác thiện nguyện, bắc nhịp cầu giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Chuyện “Bà Nga coi như”
Bà Trương Thị Mỹ Nga làm công tác thư viện tại Trường THPT Sào Nam (huyện Duy Xuyên) đến nay gần 35 năm. Ngoài công việc ở trường và chăm lo gia đình, suốt gần 20 năm qua, bà Nga đã dành hết phần thời gian còn lại của bản thân cho công tác thiện nguyện.
“Làm trong môi trường giáo dục nên tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có tinh thần vượt khó. Điều đó luôn thôi thúc tôi làm gì để các em không phải bỏ dở ước mơ đến trường và được chạm tới giảng đường đại học” - bà Nga chia sẻ.
Với tâm niệm trên, bà Nga bắt đầu công tác thiện nguyện khi đón học trò về nhà nuôi ăn học, rồi tham gia viết bài kêu gọi giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Những bài viết, những câu chuyện được bà chia sẻ đã lan tỏa, thu hút sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.
Sau này khi mạng xã hội phát triển, công việc thiện nguyện của bà Nga lan tỏa mạnh hơn. Từ học trò cũ, đồng nghiệp, bạn bè, người thân đến những nhà hảo tâm chưa một lần gặp mặt đã âm thầm trao gửi yêu thương cho các hoàn cảnh thông qua những bài viết do bà Nga kêu gọi.
Khi tình cờ biết về một hoàn cảnh đáng thương hoặc có người tìm đến, nhờ giúp đỡ, bà Nga không quản ngại vất vả để tìm đến tận nơi nắm bắt, tìm hiểu rồi viết bài kêu gọi. Như năm 2021, khi tình cờ gặp lại cô học trò cũ trong bộ dạng gầy gò, ốm yếu, sau khi hỏi chuyện biết cô vừa sinh con, đang bị ung thư, hoàn cảnh hết sức khó khăn nên bà Nga lập tức viết bài kêu gọi giúp đỡ.
“Bài viết đó tôi viết đúng vào Ngày của mẹ (14/5). Sau khi bài đăng, chỉ trong một ngày đêm đã kêu gọi được hơn 50 triệu đồng để giúp đỡ cho cô học trò cũ đáng thương. Khi viết bài kêu gọi trên mạng xã hội, ngoài kể câu chuyện “người thật việc thật” thì mình cần có kỹ năng viết để đánh thức lòng trắc ẩn, lay động tình yêu thương trong mỗi người” - bà Nga kể.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui mỗi khi giúp đỡ được ai đó, trên hành trình của mình, bà Nga cũng không ít lần gặp “tai nạn” với công việc thiện nguyện. Có lần, bà đã bị cho... “lên sóng” với những lời mạt sát từ một bạn trẻ, do hiểu lầm.
“Ai sợ mang tiếng thì không làm được việc này. Như tôi cũng mấy lần tính dừng, không làm nữa vì vướng những rắc rối, điều tiếng cho bản thân. Nhưng rồi, không làm không được. Khi gặp những trường hợp khó khăn, tôi lại không đành nhắm mắt làm ngơ” - bà Nga chia sẻ.
Gần 20 năm làm thiện nguyện, bà Nga luôn đặt uy tín lên đầu. Nhờ uy tín, minh bạch, làm bằng cái tâm trong sáng, nên học trò, các cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm mới gửi gắm, tin tưởng. “Vì tin mình nên có người Việt ở nước ngoài 6 năm nay cứ đều đặn gửi 40 - 60 triệu đồng/năm để tôi trao học bổng giúp các em sinh viên học đại học” - bà Nga nói.
Bà Nga còn vận động kinh phí thực hiện nhiều chuyến từ thiện lên vùng cao, tổ chức “Bữa cơm nhân ái” tại bệnh viện, vận động tặng quà tết cho người già, trẻ em nghèo... Bà Nga còn trích tiền cá nhân và tự tay làm bánh trung thu, làm túi... để gây quỹ từ thiện với tên gọi Quỹ Từ tâm.
“Trong cuộc sống, sinh hoạt, tôi quen với sự đạm bạc, giản dị. Ở cơ quan, mỗi lần được nhận tiền phụ cấp gì đó ngoài lương hay đi họp có tiền bồi dưỡng thì tôi dành khoản đó vào quỹ từ thiện. Ở trường, mấy chị em hay gọi tôi là “Bà Nga coi như”, bởi tiền nhận ngoài lương là tôi coi như không có để bỏ vô quỹ làm từ thiện” - bà Nga tâm sự.
Nói đi đôi với làm
Nhiều năm nay thầy giáo Lê Anh Hùng (Trường THCS Võ Thị Sáu, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước) luôn tích cực học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác. Hơn 27 năm công tác, thầy Hùng không chỉ chắp cánh tri thức mà còn đứng ra làm cầu nối giúp đỡ nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường.
Hiện tại, thông qua nguồn hỗ trợ của học trò cũ và bạn bè, thầy Hùng đang hỗ trợ tiền ăn sáng cho 10 học sinh và cụ già neo đơn tại các xã Tiên Mỹ, Tiên Cảnh. Trong đó, tại xã Tiên Cảnh có 5 học sinh hoàn cảnh khó khăn đang được hỗ trợ ăn sáng và học bổng 500 nghìn đồng/em/tháng.
“Trong những năm tháng dạy học, ngoài kiến thức, tôi luôn giáo dục học sinh về trách nhiệm và bổn phận với gia đình, quê hương, với những mảnh đời kém may mắn. Có lẽ nhờ vậy mà nhiều học trò sau này trưởng thành đã quay lại đồng hành, chung tay với tôi trong những hoạt động thiện nguyện” - thầy Hùng nói.
Ngoài học trò, thầy Hùng còn nhận được sự chung tay từ bạn bè và cộng đồng trong những lần giúp đỡ bà con nghèo, xây dựng các công trình cộng đồng...
Thầy giáo Lê Anh Hùng cũng là tình nguyện viên tích cực của Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước. Tranh thủ những lúc rảnh, thầy Hùng lặn lội đến thăm hỏi các hoàn cảnh khó khăn và viết bài kêu gọi giúp đỡ người dân trong huyện. Đơn cử, thầy Hùng đã trực tiếp kêu gọi sửa chữa 2 ngôi nhà trị giá 15 triệu đồng cho người già neo đơn; sửa chữa 6 nhà bị thiệt hại do bão trị giá 30 triệu đồng; vận động trao 6 con bò sinh sản trị giá 72 triệu đồng…
Không chỉ có tấm lòng nhân ái, thầy giáo Hùng luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc ở cơ quan và địa phương. Đầu năm 2021, thầy Hùng đã được bà con tổ viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ đoàn kết số 7 (thôn 7A, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước). Trong một năm đảm nhiệm công tác tổ trưởng, thầy đã vận động quyên góp từ bà con trong thôn xóm và các nhà hảo tâm gần xa với số tiền gần 160 triệu đồng để tham gia các hoạt động trong và ngoài tổ cùng 180 ngày làm công ích xã hội.
Năm 2022, với vai trò mới là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, thầy Hùng đứng ra vận động bà con tự nguyện hiến đất, cây cối hoa màu, ngày công, đồng thời vận động nhà hảo tâm sinh sống và làm việc ở nhiều nơi ủng hộ tiền mặt hơn 200 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ xi măng của xã để bê tông hóa 2 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 1,3km, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại.
Chưa dừng lại ở các hoạt động trên, hầu như tất cả hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, khuyến học, khuyến tài của thôn, của xã, thầy Hùng đều là người tiên phong hưởng ứng và đi đầu trong vận động, kết nối.
Chia sẻ về những việc làm của bản thân, thầy giáo Lê Anh Hùng cho biết: “Với tôi, học tập Bác là phải nói đi đôi với làm, thấy việc gì cần thì phải ra tay làm, bớt lý thuyết - tăng thực hành. Học Bác là phải làm được gì có ích để giúp cho người dân. Tôi cảm thấy vui vì những đóng góp công sức của mình dù nhỏ nhưng luôn được người dân, đồng nghiệp, nhà hảo tâm tin yêu!”.