Hành trình rùa biển - Bài 3: Từ Côn Đảo nghĩ về Cù Lao Chàm

Phóng sự của XUÂN THỌ 01/08/2018 02:58

Ông Lê Xuân Ái - nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cố vấn chương trình bảo tồn rùa biển Cù Lao Chàm nói rằng, Côn Đảo là “hình mẫu lý tưởng” để Cù Lao Chàm vươn tới. Đó là nấc thang bước lên bậc bền vững, chứ không phải đang mong manh như hiện tại.

Tin liên quan

  • Hành trình rùa biển - Bài 2 : Đỡ đẻ cho... rùa
  • Hành trình rùa biển - Bài 1: Những "công dân" tự do
Du khách tham quan hồ ấp trứng rùa ở hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo (ảnh lớn) và bảng thông tin giúp du khách dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu vòng đời của rùa biển.  Ảnh: XUÂN THỌ
Du khách tham quan hồ ấp trứng rùa ở hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo (ảnh lớn) và bảng thông tin giúp du khách dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu vòng đời của rùa biển. Ảnh: XUÂN THỌ

Bảo vệ chặt chẽ

Từ đảo lớn, chúng tôi lên ca nô để đến hòn Bảy Cạnh nằm sừng sững phía trước mặt. Đồng hành với chuyến hải trình vài cây số ấy, còn có hai nhóm khác, mà sau này tôi mới biết là một nhóm du khách ra xem rùa đẻ - thả rùa con, nhóm còn lại của một doanh nghiệp du lịch cũng đang thực hiện bảo tồn rùa biển sang học tập kinh nghiệm. Vườn quốc gia Côn Đảo đã thiết lập hệ thống 12 trạm kiểm lâm để bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn rừng và biển, trong đó có 6 trạm liên quan đến bảo tồn rùa biển và Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh là một trong những trạm bảo tồn rùa biển sớm nhất và lớn nhất ở Côn Đảo. Ông Ái bảo, Cù Lao Chàm cũng nên thiết lập hệ thống trạm bảo tồn, canh giữ như Côn Đảo. “Nếu chỉ tập trung ở đảo lớn, những vụ việc xâm hại ở các đảo nhỏ khác sẽ khó phát hiện và ngăn chặn. Trong trường hợp nếu có phát hiện cũng sẽ khó mà nhanh chóng xử lý được, lực lượng của mình đến nơi thì người ta bỏ đi rồi” - ông Ái phân tích.

Ông Ái còn chỉ ra rằng, tại Cù Lao Chàm, việc canh giữ các vị trí bảo tồn do Phòng tuần tra kiểm soát thực hiện chứ không phải lực lượng kiểm lâm như Côn Đảo. Về mặt pháp lý, cán bộ, nhân viên phòng này không có những chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định như kiểm lâm. Họ không thể tự giải quyết các vụ việc xâm hại vùng bảo tồn, mà khi phát hiện phải thông báo, rồi kết hợp với các lực lượng khác như công an, biên phòng, chính quyền… để xử lý, dẫn đến hiệu quả trong công tác quản lý, thực thi pháp luật của khu bảo tồn không được cao. Cù Lao Chàm nên áp dụng mô hình các trạm kiểm lâm như Côn Đảo mới bảo tồn bền vững được.

Tạo bãi đẻ cho rùa

Ca nô đến Bảy Cạnh lúc thủy triều xuống nên không thể vào sát bờ, chúng tôi phải mất khoảng 20 phút lội bộ lên bờ để về trạm kiểm lâm. Trên đường đi, nghe ông Ái kể, ở đây có một luồng lạch từ ngoài biển đi xuyên qua rừng ngập mặn, nước lớn ca nô có thể cập sát bờ để dễ dàng lên Bảy Cạnh, nếu xây dựng cầu cảng. Nhưng họ không làm thế, vì xây dựng cầu cảng sẽ phá vỡ cấu trúc cảnh quan, hệ sinh thái biển đang được bảo tồn.

Lại nghĩ về Cù Lao Chàm, Bãi Bấc - nơi đang được thiết lập thành bãi đẻ của rùa, mới đây có một doanh nghiệp du lịch xin xây dựng cầu cảng để đưa khách trực tiếp từ Đà Nẵng đến. “Nếu cho họ làm cảng, thì thôi khỏi làm bảo tồn rùa chi cho mất công và tốn kém. Vì điều đó sẽ làm hủy hoại môi trường biển lẫn trên bờ và chắc chắn rùa sẽ không trở về” - ông Ái nói. Tuy nhiên, sau cuộc họp với doanh nghiệp này, chính quyền TP.Hội An đã không chấp nhận kế hoạch xây cầu cảng, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án đưa khách đến Cù Lao Chàm tại nơi khác chứ không phải Bãi Bấc.
Dẫu vậy, ông Ái cũng đưa ra khuyến cáo, Cù Lao Chàm nên hạn chế sự hoạt động của ca nô đưa khách từ bãi này sang bãi khác. Vì điều này sẽ gây tác động xấu đến môi trường biển, làm giảm hiệu quả công tác bảo tồn. Trái ngược với Cù Lao Chàm, ở Côn Đảo có rất ít ca nô hoạt động trên biển, họ chủ yếu dùng xe điện để đưa khách từ bãi này đến bãi khác. “Thêm nữa, Cù Lao Chàm cũng nên tuyên truyền người dân không nên sử dụng lưới ba màn để đánh bắt cá. Loại lưới này, nếu chẳng may bị dính, càng vùng vẫy rùa càng bị dính chặt hơn. Mà đặc tính của rùa là cần phải ngoi lên mặt nước để hít thở, nên mắc lưới quá lâu rùa sẽ chết vì thiếu ô xy” - ông Ái nói thêm. Trong những năm gần đây, thỉnh thoảng tại Cù Lao Chàm có rùa chết vì mắc lưới ngư dân. Lần gần nhất, là vào cuối tháng 6.2018, một cá thể rùa nặng gần 80kg đã mắc lưới và chết trong vùng biển Cù Lao Chàm.

Gắn du lịch  với bảo tồn

Triển vọng Bãi Bấc
Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ - Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu, bảo tồn rùa biển quý hiếm tại Cù Lao Chàm cho rằng, thời gian gần đây trong vùng biển Cù Lao Chàm xuất hiện một số trường hợp rùa bị mắc lưới ngư dân là dấu hiệu cho thấy rùa biển trở về. Tuy nhiên, trong môi trường đầy rẫy hiểm nguy như thế, sự sống của rùa đang bị đe dọa rất nhiều. Nghiêm trọng hơn, các bãi đẻ của rùa trước đây tại Cù Lao Chàm hầu như không còn, nên mới có chuyện rùa đẻ dưới nước.
Ông Lê Xuân Ái - cố vấn chương trình bảo tồn rùa biển Cù Lao Chàm giải thích: “Theo tập tính trở về nơi ra đi để sinh đẻ, nhưng nơi đó - tức các bãi đẻ, đã bị con người xâm chiếm, phá hoại, khiến cho rùa không còn bãi đẻ, “bí” quá mới đẻ dưới nước. Mà trứng rùa ngâm nước là bị hỏng”. Và ông Ái cho rằng, việc cấp thiết của Cù Lao Chàm bây giờ là tạo bãi đẻ cho rùa, mà Bãi Bấc là nơi có triển vọng.

Ở Côn Đảo, khi công tác bảo tồn rùa biển đi vào quỹ đạo ổn định, họ bắt đầu khai thác tour du lịch liên quan đến rùa biển, như xem rùa đẻ và thả rùa con, vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa tuyên truyền bảo vệ rùa. Những ngày ở Bảy Cạnh, chúng tôi gặp rất nhiều du khách ra đảo ở lại để xem rùa đẻ vào ban đêm và hoạt động thả rùa con vào hôm sau. “Đối với việc xem rùa đẻ, chúng tôi để khách ở trạm, khi nào anh em kiểm lâm đi tuần phát hiện có rùa đẻ mới thông báo về dẫn khách xuống xem. Trước khi đi, chúng tôi yêu cầu khách phải tuân thủ chỉ dẫn của kiểm lâm viên, hai vấn đề lớn cần lưu ý là không gây ồn ào và không đánh đèn nếu có chụp hình. Tour xem rùa đẻ mỗi lần đi không quá 6 người” - ông Nguyễn Đình Lý, Trưởng trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh cho biết. Ngay cả tour du lịch bình thường, hướng dẫn viên đưa khách đến đây đều thuộc sự quản lý của Vườn quốc gia Côn Đảo. Những hướng dẫn viên này biết và yêu cầu khách tránh những hành động đi ngược với công tác bảo tồn. Tại Bảy Cạnh hay các trạm có bảo tồn rùa dựng rất nhiều hình ảnh, bảng thông tin tóm tắt về các đặc tính của rùa để du khách dễ dàng tiếp cận.

Mấy hôm ở Bảy Cạnh, chúng tôi bắt gặp nhóm người của resort Six Senses đóng trên đảo Lớn sang học tập kinh nghiệm bảo tồn rùa biển. Tham gia khóa tập huấn, anh Trần Hiếu Thiện - trưởng bộ phận an ninh của resort Six Senses cho biết, cơ duyên resort bắt tay tham gia bảo tồn rùa biển là từ hôm tết vừa rồi. Lúc nhân viên resort đi tuần phát hiện có rùa đẻ nên báo cho lãnh đạo liên hệ nhờ cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo sang hỗ trợ. Số trứng rùa đẻ lần đó nở hết và được thả về biển.

Sau sự việc đó, lãnh đạo Six Senses làm việc với Vườn quốc gia Côn Đảo đề nghị hợp tác, tập huấn nhân viên resort bảo tồn rùa, và cho đến nay đã có 5 lần resort Six Senses thực hiện chuyển vị trứng rùa từ các bãi đẻ trong khu vực về chôn ấp thành công, tỷ lệ nở cao. Hồ ấp ở đây được xây dựng dưới sự tư vấn của chuyên gia Vườn quốc gia Côn Đảo và có biến tấu một chút về màu sắc, vật liệu để phù hợp với không gian, gam màu của resort. Cùng với đó, resort được tư vấn giảm âm thanh mở nhạc, giảm độ sáng của đèn ven biển và làm cho ánh sáng không hắt ra biển như trước đây. Ông Nicolas Jutte - Giám đốc điều hành Six Senses nói, họ biết việc bảo tồn rùa rất quan trọng, đồng thời kết hợp du lịch cũng là cách tốt để quảng bá những hình ảnh đẹp về rùa và tuyên truyền sự cần thiết phải bảo tồn rùa biển.

Cù Lao Chàm chỉ mới chập chững những bước đầu trong công tác bảo tồn rùa biển, nhưng may mắn là có Côn Đảo để làm hình mẫu học tập và tin rằng tương lai sẽ tốt.

------------------
Bài 4: Cuộc chuyển vị lịch sử

Phóng sự của XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình rùa biển - Bài 3: Từ Côn Đảo nghĩ về Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO