Hành trình trao hy vọng...

LÊ QUÂN 08/10/2023 06:06

Chặng đường bền bỉ để giúp người khuyết tật hiểu, tiếp cận và đến gần hơn với quyền lợi của mình đang từng ngày được Nguyễn Thị Lan Anh cùng cộng sự thực hiện. Được ví như đóa xương rồng miệt mài nở hoa dẫu đất đá khô cằn, Nguyễn Thị Lan Anh đã làm nên kỳ tích cùng hành trình trao hy vọng đến cộng đồng người khuyết tật Việt Nam...

Chị Nguyễn Thị Lan Anh đồng hành với NKT tại giải chạy “Không giới hạn - Không khoảng cách” vừa diễn ra tại Quảng Nam. Ảnh: X.H
Chị Nguyễn Thị Lan Anh đồng hành với NKT tại giải chạy “Không giới hạn - Không khoảng cách” vừa diễn ra tại Quảng Nam. Ảnh: X.H

Năng lượng tích cực tạo hạnh phúc

Không còn xa lạ với rất nhiều hoạt động dành cho nguời khuyết tật (NKT) ở Quảng Nam, người phụ nữ có nụ cười rạng rỡ cùng đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh tươi, chưa bao giờ nề hà bất cứ thắc mắc nào từ phía người đối diện. Ở vai trò người kết nối, Nguyễn Thị Lan Anh gần như chưa bao giờ vắng trong các chương trình cộng đồng khắp nơi, dù chị di chuyển bằng... xe lăn.

 Một phụ nữ miền Bắc với giọng nói gần như thu phục người đối diện. Một “profile” khiến tất cả ai lướt qua đều cảm phục. Chỉ cần vài giây tìm kiếm, hàng loạt thông tin về người phụ nữ đặc biệt này hiện ra.

Là “cô gái xương thủy tinh đi học trên lưng bà”, là sinh viên ngoại ngữ với thành tích đáng nể từ hơn 20 năm trước. Năm 2000, Nguyễn Thị Lan Anh trở thành một trong số ít NKT trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 2004, chị tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ loại giỏi.

Đến năm 2010, chị lại tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Từng nỗ lực không ngừng nghỉ được đáp đền. Nhiều người nói, Nguyễn Thị Lan Anh như đóa xương rồng trên đất cát cằn cỗi, chưa bao giờ thôi mạnh mẽ để vươn lên.

Nắm bắt từng chút một cơ hội cuộc sống ban tặng, là cách để NKT vươn lên. Và với Nguyễn Thị Lan Anh, những gì chị đạt được của hiện tại càng là minh chứng mạnh mẽ.

 Trong giải chạy “Không khoảng cách - Không giới hạn” vừa tổ chức tại Tam Kỳ mới đây, chúng tôi chú ý nhiều hơn đến nụ cười rạng rỡ của Nguyễn Thị Lan Anh. Hai tay chị thoăn thoắt di chuyển chiếc xe lăn với ánh mắt tươi rói trong nắng đầu ngày của thành phố nhỏ.

ACDC - Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng - Ngôi nhà của NKT Việt Nam cũng là nơi mọi tâm huyết của Nguyễn Thị Lan Anh đặt để trọn vào đó, chính là tổ chức đã làm nên giải chạy đặc biệt vào một ngày thu tháng 9 tại Quảng Nam.

Những NKT từ một số tỉnh thành miền Trung gặp nhau, cùng cười nói, động viên nhau với những bước chạy đặc biệt. Những bước chạy mà như Nguyễn Thị Lan Anh nói, sẽ tạo nên một nhận thức khác về cộng đồng NKT và vấn đề khuyết tật. Nó khiến người ta cảm nhận được khả năng vô hạn của mỗi người, dù thiên tạo sắp đặt mỗi phận người mỗi khác. Để mỗi khi nghe về Nguyễn Thị Lan Anh cùng ACDC, người ta nghĩ nhiều hơn về ý chí, lòng dũng cảm và lòng tin.

“Với cá nhân tôi, Lan Anh giúp tôi nhận thức được rằng rào cản nhiều khi nằm trong nhận thức chứ không phải trong cơ thể chúng ta. Tấm gương của Lan Anh khiến ta tự hỏi về vai trò và những đóng góp của mình trên thế giới này. Chúng ta có thể làm được gì để tạo ra sự thay đổi dù là nhỏ nhặt, cho sự tốt đẹp lớn lao này?” - như lời một phụ nữ có tầm ảnh hưởng của một tổ chức phi chính phủ từng chia sẻ.

Không bỏ cuộc

Chặng đường thành lập và phát triển ACDC đủ bằng quãng thời gian nuôi nấng một đứa trẻ tự lập. Nhớ lại những ngày tháng 4/2012, khi ACDC ra đời, Nguyễn Thị Lan Anh nói, lúc ấy, tổ chức chỉ có 7 người rất trẻ với quyết tâm xây dựng một tổ chức của NKT, vì NKT.

“Phải mất khoảng 6 tháng, chúng tôi mới ra mắt được bởi lý do không có kinh phí. Có những lúc trong két của chúng tôi chỉ còn vẻn vẹn 300.000 đồng. Hơn 1 năm trời chúng tôi không có một đồng lương nào, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người thân để nuôi sống bản thân và làm việc” - Nguyễn Thị Lan Anh từng chia sẻ.

 
Chị Nguyễn Thị Lan Anh.    

Mục tiêu hoạt động của ACDC là góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề khuyết tật, cải thiện luật và chính sách đối với NKT và nhóm yếu thế cũng như thúc đẩy sự phát triển và mở rộng các dịch vụ hỗ trợ NKT. Bên cạnh đó, ACDC cũng hành động để hỗ trợ xây dựng, phát triển và duy trì mạng lưới của NKT, đưa tiếng nói của họ ra thế giới.

Can thiệp của ACDC trong mạng lưới NKT chủ yếu tập trung vào việc cải thiện môi trường chính sách, phá bỏ các rào cản vật lý và rào cản xã hội, đồng thời hỗ trợ khuyến khích NKT và người yếu thế nâng cao năng lực bản thân và đóng góp giá trị cho xã hội.

Hơn 10 năm, đến thời điểm này, ACDC cùng những hoạt động của mình trở thành một trong những tổ chức tiên phong tại Việt Nam về vận động chính sách dành cho NKT và là thành viên tích cực trong mạng lưới các tổ chức của NKT trên thế giới. Kiên trì tìm kiếm và tiến hành những giải pháp khả thi nhằm góp phần cải thiện môi trường sống, xây dựng một xã hội không rào cản và vì quyền của NKT đã luôn được thực thi như một sứ mệnh của tổ chức này.

Tại Quảng Nam, ACDC cùng Nguyễn Thị Lan Anh có mặt từ năm 2019. Mảnh đất có đến hơn 70 nghìn NKT, trong đó có gần 37 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng. Họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức ở mọi khía cạnh của cuộc sống.

Bắt đầu tiếp cận NTK của Quảng Nam với dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật”, Nguyễn Thị Lan Anh cùng ACDC dưới sự tài trợ của tổ chức USAID (Hoa Kỳ) đã có cách tiếp cận riêng.

Họ bắt đầu bằng những nhận diện về khó khăn mà NKT tại Quảng Nam đang phải đối diện. Từ các khảo sát bằng những con số cụ thể trong quy hoạch, công trình, trong thực thi chính sách, ACDC triển khai dự án tại Quảng Nam theo cách tốt nhất cho NKT. Đó là thay đổi về vị thế của NKT trong xã hội. Là công bằng trong việc thụ hưởng các công trình công cộng. Là xóa bỏ rào cản trong nhận thức về NKT...

“Trước đây nhiều người hay cho rằng chỉ cần hỗ trợ NKT về mặt vật chất là đủ. Nhưng điều quan trọng hơn là phải cho họ cái cần câu và hướng dẫn họ cách câu cá, tạo đường đi lối lại tiếp cận để họ có thể đi câu và câu được cá.

Khảo sát năm 2019, chúng tôi nhận thấy rằng các công trình ở Quảng Nam chưa thực sự đảm bảo tiếp cận được cho NKT. Công trình công cộng như nhà văn hóa, trụ sở cơ quan, các trường học, trạm xá, đối với giao thông gồm bến xe buýt, bến tàu... không phải nơi nào cũng đảm bảo tiếp cận” - Nguyễn Thị Lan Anh nói.

Và trong 3 năm từ 2019 - 2021, ACDC đã khuyến nghị và cùng vào cuộc trong vấn đề thúc đẩy, điều chỉnh các công trình công cộng tại đô thị Quảng Nam để NKT tiếp cận thuận tiện. ACDC cũng đã mời chuyên gia từ Bộ Giao thông vận tải tập huấn về các quy chuẩn trong lĩnh vực giao thông và xây dựng hướng đến tính công bằng cho NKT.

Và người ta đã thấy nhiều hơn những tuyến đường có xây dựng vỉa hè đã được hạ thấp bó vỉa, những công trình vệ sinh công cộng có khu vực dành cho NKT tại TP.Tam Kỳ hay Hội An...

Điều đặc biệt hơn, Quảng Nam là một trong số các địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình Nhà trung chuyển dành cho NKT với sự kết hợp giữa hai lĩnh vực y tế và xây dựng. Mô hình này giúp NKT sau khi điều trị phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế địa phương có thể tập làm quen với sinh hoạt tại nhà, trước khi họ trở về. Chính việc “làm quen” này khiến họ hòa nhập tốt hơn.

 Năm 2022, sau khi kết thúc dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật”, ACDC tiếp tục đồng hành với NKT Quảng Nam trong dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và thúc đẩy khả năng hòa nhập cộng đồng của NKT tại ba tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam” giai đoạn 2022 - 2026.

Những hợp phần dự án đang được triển khai một cách tích cực, để NKT tại Quảng Nam tiếp tục được trao những mầm hy vọng sống mạnh mẽ... Và trong ấy, Nguyễn Thị Lan Anh như một nguồn năng lượng tích cực truyền tải về một ý chí “không giới hạn”, một cuộc đời “không khoảng cách” với những người xung quanh...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình trao hy vọng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO