Hành trình vượt lên số phận

SONG ANH 22/04/2016 09:38

Có những người chỉ cần nhìn thấy họ, cảm hứng sống tích cực trong mỗi người sẽ trỗi dậy. Và 3 con người tôi may mắn gặp trong nhiều thời khắc của cuộc đời, đủ làm tôi tin rằng, chỉ cần có ý chí, con người sẽ không để số phận quật ngã mình.

CÂU chuyện của 3 con người, không ở Quảng Nam, nhưng thi thoảng, họ vẫn ghé về Quảng Nam để làm nên những khoảnh khắc đẹp cho người khuyết tật. Tô Thị Thanh Thủy Tiên hay mọi người còn gọi chị là Thủy Tiên hát nhạc Trịnh; ca sĩ, nhạc sĩ Hà Chương và Giám đốc Trung tâm Nghị Lực Sống Nguyễn Thị Vân với hành trình vượt lên số phận của mình.

“Xin hãy nghe tôi hát trước khi cười tôi”

Thủy Tiên và Hà Chương đều có giọng hát đẹp. Và mỗi giọng hát đều như chất chứa những khát khao được công nhận. Nếu Thủy Tiên khổ luyện để tiếng nói mình tròn âm rõ chữ, thì Hà Chương mày mò để những nốt nhạc trở nên thân thuộc với mình. Mỗi người một cách để đến với người mộ điệu. Hành trình ấy chẳng dễ dàng gì với những người sinh ra đã bị số phận gán với những khiếm khuyết. Thủy Tiên, như một mầm cây còi cọc vươn ra ánh sáng bằng mọi cách. Thế giới của Tiên, trước khi đến với nhạc Trịnh, là cái lu đựng nước chứa trong đó cả triệu bi kịch tuổi thơ, những ưu sầu oằn cong gánh hàng của mẹ ở những ngôi chợ xép… Năm lên 8 tuổi, cô gái út của một gia đình đông con ở vùng ngoại ô Sài Gòn vĩnh viễn mất đi đôi môi hồng hào khi những vết thương từ một căn bệnh hiếm gặp gây hoại tử. Càng khóc càng đau. Mỗi lần đau chỉ biết đắp lên môi một chiếc khăn lạnh, và quằn quại một mình trong căn nhà nhỏ. Bởi ai cũng bận đi làm kiếm tiền, bận nuôi hy vọng dù nghèo vẫn có thể chữa bệnh cho cô gái nhỏ. Nhưng Tô Thị Thanh Thủy Tiên đã sớm nhận ra rằng cô đã không còn khả năng nói tròn vành rõ chữ như bạn đồng lứa. Sau 8 lần phẫu thuật, giọng nói của Tiên bị ngọng và bờ môi thì biến mất.

Ca sĩ Thủy Tiên: “Xin hãy nghe tôi hát trước khi cười tôi”.
Ca sĩ Thủy Tiên: “Xin hãy nghe tôi hát trước khi cười tôi”.

Còn Hà Chương là chàng trai khiếm thị sinh ra tại Quảng Ngãi. Trong bóng tối thinh lặng phủ kín những ngày ấu thơ, chỉ có cảm nhận âm thanh mới biết được sự sống đang trôi về phía nào. Trời cho người không đủ đầy thì sẽ bù lại những điều đặc biệt. Ngay từ nhỏ, Hà Chương đã mê đắm âm nhạc và tỏ ra tinh nhạy với những phím đàn, giai điệu. Anh được nhận vào Trung tâm Nghệ thuật Tình thương của NSND Tường Vi. Mỗi tuần, dù đi lại khó khăn, nhưng Chương vẫn khăn gói từ Quảng Ngãi ra Tam Kỳ để tham gia lớp học của “cô Vi”. Để đến năm 22 tuổi, chàng trai này đã đậu thủ khoa nhạc cụ truyền thống hệ trung cấp chuyên ngành đàn bầu. Năm 24 tuổi anh thi vượt cấp lên hệ đại học của Học viện Âm nhạc quốc gia và nhận được nhiều huy chương vàng tại các cuộc thi trong nước và khu vực. Một cánh cửa mở ra đầy những âm thanh tươi vui mà Hà Chương vun đắp bằng nỗ lực mãnh liệt. Anh nói, “tôi nhìn đời bằng đôi tai, bằng bàn tay và trái tim mình”. Điểm tô cho âm nhạc từ những gam màu Chương cảm nhận bằng trái tim, đã khiến bất cứ lúc nào nghe anh hát, anh đàn, lòng đều có những xao động tựa nắng lên…

Nguyễn Thị Vân thu hút người khác bởi sự tự tin. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nguyễn Thị Vân thu hút người khác bởi sự tự tin. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Riêng với Thủy Tiên, giờ rất bận rộn. Hội quán DRD, viết tắt của Đời Rất Đẹp, nơi chị đảm nhiệm vai trò quản lý, mỗi sáng cuối tuần luôn nhộn nhịp người vào ra. Những hẹn hò, ca hát nhiệt thành. Tô Thị Thanh Thủy Tiên nhìn không gian ấy và ôm đàn vút lên một câu nhạc Trịnh: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không…”. Tiên đến với nhạc Trịnh như một cái duyên mà số phận đưa đẩy. Và chị nương vào đó để khải lên những thổn thức của trái tim. Chị nói: “Xin mọi người hãy nghe tôi hát, trước khi cười tôi”. Bởi giọng hát ấy cất lên từ hàng triệu ngày vục mặt vào lu nước đầy để luyện giọng, bất kể những cơn đau buốt. Phải chăng, giọng hát bật ra từ nỗi đau đã chạm đến xúc cảm lạ lùng.

“Tôi đẹp. Bạn cũng thế!”

Hoa hậu kiêm nhà thiết kế Ngọc Hân đảm nhiệm việc thiết kế trang phục áo dài cho người khuyết tật trình diễn trong Lễ hội áo dài Việt Nam 2016. Hoa hậu chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần thiết kế áo dài nhưng đáng nhớ nhất là khi thiết kế cho những người khuyết tật. Năm bạn khuyết tật làm người mẫu trong bộ sưu tập hoa phù dung lần này từng tham gia trình diễn cùng tôi trong chương trình “Tôi đẹp. Bạn cũng thế!” do Đại sứ quán Ý tổ chức vào năm ngoái. Ưu tiên cho các bạn khuyết tật chọn màu, chọn họa tiết. Còn với người mẫu khuyết tật là nam, tôi chọn màu sắc nam tính, đường nét cũng cứng cáp hơn. Thiết kế cho các bạn khuyết tật gặp khó ở chỗ là làm sao để bộ áo dài che được những khiếm khuyết nhưng vẫn khiến họ tự tin hơn. Thường các bạn rất ngại ngùng và ăn mặc bình thường nhất để không bị chú ý. Thế nên, khi các bạn khuyết tật mặc những bộ đồ đẹp, họ cực kỳ khác biệt”.

Những ngày đầu tháng 4, Nguyễn Thị Vân mang đến Hội An một chương trình thời trang đặc biệt. Những bộ áo quần đặc biệt trong những ngoại hình đặc biệt. Và những du khách may mắn chứng kiến buổi trình diễn này, không ngăn được lòng mình rưng rưng. Nghị lực sống của người khuyết tật đủ xua tan nghi ngờ và truyền cảm hứng sống tích cực đến những con người lành lặn. Nguồn cơn của chương trình từ một người phụ nữ bé nhỏ, theo đúng nghĩa đen của nó. Chỉ cao chưa đến 1m, chân tay co quắp từ nhỏ, nhưng Nguyễn Thị Vân khiến ai một lần trò chuyện cùng cô đều không khỏi kinh ngạc về sự tự tin. Và lý do để “Tôi đẹp. Bạn cũng thế!” của Vân ra đời và lan tỏa trong cộng đồng, chính bởi nghị lực sống vượt lên hẳn mọi định kiến. “Là một người khuyết tật và là một phụ nữ, nỗi sợ hãi lớn nhất của hầu hết chúng tôi là sự khác biệt về ngoại hình. Chính tôi cũng đã từng đặt bút ký vào tờ giấy chấp nhận phẫu thuật kéo thẳng cột sống, với mong muốn sau khi lưng thẳng thì trông mình sẽ dễ nhìn hơn, bớt bị trêu chọc hơn, mà tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật chỉ là 50% giữa sự sống và cái chết. Tất cả những áp lực này bắt nguồn từ khái niệm thế này mới đẹp, thế kia thật kinh dị. “Tôi đẹp” là đẹp cho chính mình, tự mình mang lại giá trị sống chứ không ai khác” - chị Vân nói.

Chọn thời trang để truyền tải mong muốn về một xã hội bình đẳng và không rào cản, tôn trọng sự khác biệt cũng như để bản thân và những người khuyết tật khác có thể đối diện với nỗi sợ hãi của chính mình và tìm cách vượt qua nó. “Sau “Tôi đẹp. Bạn cũng thế!” lần thứ nhất và lần thứ 2, tôi đã thấy rất rõ sự thay đổi mang tính tương tác. Họ tự tin và yêu quý bản thân mình hơn. Họ ra ngoài và chăm chút cho cơ thể của mình hơn. Trong tủ quần áo của họ bắt đầu có sự xuất hiện của những chiếc váy và áo dài. Họ nói về số đo chuẩn cho chính họ. Tôi đã rất hạnh phúc khi những người mẫu khuyết tật xuất hiện trong Lễ hội áo dài Việt Nam 2016 vừa qua tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, là minh chứng cho quan niệm mở về quyền được thụ hưởng cái đẹp đối với tất cả mọi người” - Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

Không chỉ có vậy, ở vai trò Giám đốc của Trung tâm Nghị Lực Sống, chị Vân đã thắp lên ngọn lửa lạc quan và tin yêu vào cuộc sống ở những người có số phận không bằng phẳng. Nói tiếng Anh lưu loát, chọn xăm hình tattoo để tập trung sự chú ý, nụ cười tươi, Nguyễn Thị Vân hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình. Tinh thần của chị Vân, Hà Chương, Thủy Tiên DRD và rất nhiều người khuyết tật khác, đang tìm mọi cách để làm chủ cuộc sống, vượt lên những khắc nghiệt… đủ minh chứng rằng, cuộc đời này đâu chỉ có nỗi buồn và bóng tối.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình vượt lên số phận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO