(QNO) - Là một trong 7 môn thể thao tại Lễ hội VH-TT các huyện miền núi năm 2018, đẩy gậy có sức hút đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Và không dừng lại là môn thể thao phong trào, đẩy gậy đang dần được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp.
Các trận đấu môn đẩy gậy khá hấp dẫn. Ảnh: T.V |
Từ chuyện đôi giày
Khán giả tại Nhà VH-TT huyện Nam Giang khá rộng song thường xuyên bị quá tải trong 2 ngày 21 và 22.7 khi môn đẩy gậy diễn ra tại đây. Nhiều khán giả tỏ ra bất ngờ khi chứng kiến các vận động viên (VĐV) xỏ đôi giày khá đẹp, sau đó lại bao bọc cẩn thận bằng bao ni lông. Những ai không bọc bao ni lông thì khi bước vào thảm đấu, họ đi khá nhẹ nhàng bằng 2 gót chân. “Mới đầu mình nghĩ VĐV bị chấn thương nên đi như thế. Nhưng thật ra không phải. Họ sợ dính bụi” - một khán giả chia sẻ.
Chung quanh đôi giày của VĐV môn đẩy gậy còn có nhiều điều đáng nói. Theo các huấn luyện viên, giá mỗi đôi giày không dưới 5 triệu đồng và tại lễ hội năm nay không ít địa phương đã đầu tư mua giày xịn cho VĐV. Một lãnh đạo đoàn VĐV Hiệp Đức cho biết có hỏi mua vài đôi giày cho VĐV địa phương để thuận lợi cho thi đấu nhưng không được vì rất khó tìm. Mang giày xịn nhưng cách chăm sóc đôi giày còn đáng nói hơn. VĐV đưa chân lên cho săn sóc viên dùng nước lau kính xịt vào đế giày rồi dùng khăn lau chùi sạch sẽ trước khi bọc lại bằng bao ni lông. Bước vào thảm đấu, bao ni lông mới được mở ra. Thảm thi đấu cũng được các săn sóc viên 2 đội lau chùi láng bóng. Nói chung, từ đế giày của VĐV đến thảm thi đấu phải sạch sẽ, không không để dính một hạt bụi hay bám chút nước nào.
Khán giả cổ vũ cuồng nhiệt cho các VĐV thi đấu. Ảnh: T.V |
Sự chuyên nghiệp của môn thể thao này còn thể hiện rất rõ từ công tác chuẩn bị, khâu khởi động đến chiến thuật thi đấu trên sân của các VĐV. Không còn chuyện các VĐV “ào ào” khi vào trận như trước, giờ đây, họ thi đấu bài bản hơn, có “nhấn, nhá” theo từng thời điểm của trận đấu để tìm cơ hội đánh gục đối phương. Vì vậy, một số trận đấu kéo dài quá thời gian quy định nhưng vẫn “bất phân thắng bại” buộc phải dựa vào chỉ số cân nặng mới định đoạt được thắng thua.
Theo ông Trần Kim Cầu - Trưởng phòng Tổ chức thi đấu Trung tâm TD-TT tỉnh, Tổng trọng tài các môn thể thao tại lễ hội, nhờ sự đầu tư rất lớn và khá chuyên nghiệp của các địa phương nên môn đẩy gậy lần này có chất lượng chuyên môn khá cao, hơn hẳn các kỳ lễ hội trước. Điều này thể hiện khá rõ qua các trận đấu tại giải, kể cả các trận vòng loại. Hầu hết đều diễn ra hấp dẫn, gay cấn, quyết liệt.
Sức mạnh Nam Giang
Đẩy gậy là môn thể thao đầu tiên thi đấu xong với giải nhất toàn đoàn thuộc về Nam Giang, Nam Trà My giải nhì và Đông Giang giải ba. Trong khi đó, dù thi đấu đầu tiên trước khi lễ khai mạc diễn ra nhưng bóng đá và bóng chuyền đến chiều 22.7 mới kết thúc vòng bảng. Kết quả, đã xác định được 4 cái tên vào vòng bán kết; môn bóng đá nam gồm Nam Giang, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước; bóng chuyền nam gồm Nam Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang, Bắc Trà My; bóng chuyền nữ gồm Nam Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang, Tiên Phước. |
Nam Giang là địa phương có phong trào đẩy gậy rất mạnh. Tại Hội thi Thể thao dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam năm 2016 tại huyện Nam Trà My, họ thâu tóm gần hết số lượng huy chương vàng (HCV) đẩy gậy, góp phần giúp địa phương giành giải nhì toàn đoàn. Là chủ nhà của lễ hội lần này, huyện Nam Giang có sự chuẩn bị rất lớn, trong đó tất nhiên môn đẩy gậy được đầu tư khá công phu, đặc biệt là mời huấn luyện viên về huấn luyện với mục tiêu bảo vệ thành công ngôi vị cao nhất.
Có thầy huấn luyện, các bài tập, thi đấu của VĐV Nam Giang chất lượng khác hẳn. Hơn nữa, họ còn có lợi thế là nhận được nguồn cổ vũ cuồng nhiệt của đông đảo khán giả nhà. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các VĐV chủ nhà có một kỳ lễ hội cực kỳ thành công. Trong số 10 nội dung nam, HCV gọi tên VĐV Nam Giang đến 7 lần. Nội dung nữ còn xuất sắc hơn khi 8 nội dung nhưng chỉ có vỏn vẹn 1 nội dung mà HCV không phải là VĐV Nam Giang. Giành 14 HCV trong tổng số 18 nội dung, rõ ràng người Nam Giang có lý do để vui mừng với thành tích thuyết phục: ngôi vị nhất toàn đoàn.
TƯỜNG VY