Sáng qua 7.9, tại Quảng trường 24.3 (TP.Tam Kỳ) giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam mở rộng lần thứ XX năm 2016 cúp Agribank đã diễn ra khá hấp dẫn và kịch tính.
|
VĐV Phạm Thị Huệ (Trung tâm Huấn luyện quốc gia Hà Nội) về nhất nội dung nữ đội tuyển tỉnh, thành phố. Ảnh: TƯỜNG VY |
Năm thứ 20 tổ chức, giải Việt dã Báo Quảng Nam được xem là nơi tụ hội những tinh hoa việt dã của cả nước khi thu hút được nhiều gương mặt xuất sắc như Nguyễn Văn Lai, Phạm Thị Huệ, Nguyễn Thị Oanh, Hoàng Thị Thanh, Phạm Tiến Sản, Lò Thị Thanh… Đây đều là những tuyển thủ quốc gia đến từ các trung tâm huấn luyện quốc gia, địa phương có phong trào mạnh, từng nhiều lần bước lên ngôi vô địch giải Việt dã Báo Tiền Phong, giải vô địch quốc gia, thậm chí đăng quang tại đấu trường SEA Games. Cả ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TD-TT cũng vào Quảng Nam dự khán.
Đến dự lễ khai mạc và tham gia chạy hưởng có các đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chín; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, Nguyễn Hoàng Minh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, Lê Văn Thanh. Cùng tham gia chạy hưởng ứng có lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, TP.Tam Kỳ, các đơn vị tài trợ; các cụ ông, cụ bà câu lạc bộ dưỡng sinh, học sinh TP.Tam Kỳ. Đây được coi là màn khởi động đầy ý nghĩa cho hơn 2.000 vận động viên của 130 đoàn trong tỉnh và 15 tỉnh, thành phố, trung tâm huấn luyện trên cả nước bước vào thi đấu các nội dung chính thức. |
Thế nên, đường chạy của nội dung đội tuyển tỉnh, thành phố năm nay luôn “dậy sóng” khi các VĐV bám đuổi nhau khá quyết liệt trong sự cổ vũ sôi động của người dân hai bên đường. Phải đến chặng nước rút, đẳng cấp mới lên tiếng khi những VĐV đội tuyển quốc gia thuộc 2 trung tâm huấn luyện quốc gia Hà Nội và Đà Nẵng bắt đầu bứt phá. Kết quả, nhà vô địch SEA Games 28 Nguyễn Văn Lai (Trung tâm Huấn luyện quốc gia Hà Nội) xuất sắc vượt qua các đối thủ mạnh như Đỗ Quốc Luật (quân đội) hay đương kim quán quân của giải Phạm Tiến Sản (Trung tâm Huấn luyện quốc gia Đà Nẵng) để chạm đích đầu tiên. Ở nội dung nữ, Phạm Thị Huệ (Trung tâm Huấn luyện quốc gia Hà Nội) cũng lần lượt đánh bại Lò Thị Thanh (Trung tâm Huấn luyện quốc gia Đà Nẵng) và đồng đội của mình là Nguyễn Thị Oanh để đăng quang. Hoàng Thị Thanh (quân đội) - người vừa giành Huy chương Vàng vô địch quốc gia và giải Việt dã Báo Tiền Phong 2 năm liên tiếp 2015, 2016 chỉ về thứ 4. Chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Nam sau khi về đích, cả 2 nhà vô địch Nguyễn Văn Lai và Phạm Thị Huệ đều bày tỏ niềm vui giành được giải nhất trong lần đầu tiên tham gia giải. “Đây là giải có quy mô lớn, thu hút được nhiều VĐV mạnh của cả nước tham gia thi đấu. Do vậy, thi đấu rất nỗ lực, nhất là trong chặng nước rút mới giúp tôi có được kết quả tốt” - VĐV Nguyễn Văn Lai chia sẻ.
Không chỉ đội tuyển tỉnh, thành phố, các cuộc tranh tài ở nội dung huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi đây là nơi tập trung lực lượng VĐV mạnh nhất của phong trào việt dã cả tỉnh. Đúng như dự đoán, sự vắng mặt của nhà vô địch năm 2015 Lý Diễm Hằng (Tam Kỳ) đã khiến cho cuộc đua năm nay chỉ còn là cuộc so tài “song mã” giữa Mai Thị Huỳnh Như (Duy Xuyên, giải ba năm 2015) và Trần Thị Mỹ Lộc (Đại Lộc, giải nhì năm 2015). Kết quả, cô gái người Duy Xuyên đã xuất sắc vượt qua đối thủ để đăng quang. Trong khi đó ở nội dung nam, Hồ Văn Dũng trong màu áo mới đội tuyển huyện Núi Thành tiếp tục chứng tỏ không có đối thủ trên đường chạy 5.000m và lần thứ 3 liên tiếp giành Huy chương Vàng.
Sự hấp dẫn và kịch tính còn diễn ra ở nội dung thi đấu của học sinh phổ thông. Dù đã 5 lần giành cúp toàn đoàn nhưng với việc thay đổi khá lớn về lực lượng, năm nay đoàn VĐV Phòng GD-ĐT Duy Xuyên không được đánh giá cao. Đây cũng là cơ hội để các đoàn VĐV khác đua tranh cho các vị thứ cao của giải. Tuy nhiên, cũng như trước đây, các VĐV học trò huyện Duy Xuyên đã thể hiện tài năng bằng việc thâu tóm gần như hầu hết danh hiệu cá nhân cũng như tập thể, gồm 4 giải cao nhất nội dung nữ, 5/6 giải nội dung nam, nhất đồng đội nam, nữ và giải nhất toàn đoàn. Ấn tượng hơn, ngoại trừ duy nhất Nguyễn Ngọc Anh Thư giành giải nhất năm nay từng đăng quang giải năm 2014, còn lại tất cả đều là những gương mặt mới. Đây quả là một kỳ tích thật đáng nể của thầy và trò ngành GD-ĐT huyện Duy Xuyên. Ở khối trường THPT, sự đua tranh càng hấp dẫn khi có sự góp mặt của nhiều đoàn. Không có cá nhân nổi trội, song sự đồng đều đã giúp cho Trường THPT Tây Giang giữ vững vị trí nhất toàn đoàn năm thứ 3 liên tiếp.
Giải Việt dã Báo Quảng Nam được xem là nơi biểu dương lực lượng VĐV của các cơ quan, ban, ngành và Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố. Các cuộc đua ở nội dung này cũng khá sôi động và không kém phần quyết liệt bởi đây là dịp thể hiện “màu cờ sắc áo”. Năm nay, một lần nữa Công đoàn ngành giáo dục tỏ ra quá mạnh trong việc chinh phục các danh hiệu cá nhân cũng như tập thể. Trong khi đó, cũng như năm trước, tranh vị trí thứ nhì toàn đoàn là cuộc đua giữa Công đoàn các khu công nghiệp và Ngân hàng NN&PTNT, kết quả Ngân hàng NN&PTNT đã giành chiến thắng. Ở khối Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố, bất chấp sự vươn lên mạnh mẽ của Phú Ninh và Đại Lộc, đoàn VĐV Liên đoàn Lao động TP.Hội An vẫn bảo vệ thành tích ngôi vị nhất toàn đoàn. Còn ở khối huyện miền núi, sau khi đăng quang ở giải năm 2015, Liên đoàn Lao động Bắc Trà My không còn giữ được phong độ và đã bị Liên đoàn Lao động Phước Sơn vượt qua trong cuộc đua giành chiếc cúp vô địch. (TƯỜNG VY)
Kết quả cá nhân và toàn đoàn: - Nội dung đội tuyển tỉnh, thành phố: Nguyễn Văn Lai và Phạm Thị Huệ (Trung tâm Huấn luyện quốc gia Hà Nội) giành HCV cá nhân; Trung tâm Huấn luyện quốc gia Đà Nẵng giành giải Nhất toàn đoàn. - Nội dung huyện, thị xã, thành phố đồng bằng: Hồ Văn Dũng (Núi Thành) và Mai Thị Huỳnh Như (Duy Xuyên) giành HCV cá nhân; thị xã Điện Bàn giành giải Nhất toàn đoàn. - Nội dung các huyện miền núi: Nguyễn Thị Liệt và Lê Quang Điều (Nam Trà My) giành HCV cá nhân; Nam Trà My giành giải nhất toàn đoàn. - Nội dung trường THPT: Bhnướch Thô (THPT Quang Trung - Đông Giang) và Lê Thị Thi (THPT Phan Bội Châu - Tam Kỳ) giành HCV cá nhân; THPT Tây Giang giành giải Nhất toàn đoàn. - Nội dung khối phòng GD-ĐT: Nguyễn Ngọc Anh Thư và Đoàn Ngọc Thịnh (Phòng GD-ĐT Duy Xuyên) giành HCV cá nhân; Phòng GD-ĐT Duy Xuyên giành giải Nhất toàn đoàn. - Nội dung Liên đoàn Lao động các huyện miền núi: Hồ Thị Thảo (Phước Sơn) và Bùi Khánh Luân (Bắc Trà My) giành HCV cá nhân, Phước Sơn giành giải nhất toàn đoàn. - Nội dung Liên đoàn Lao động các huyện đồng bằng: Trương Huỳnh Nhật Tâm (Duy Xuyên) và Phạm Hùng Thiên Quý (Núi Thành) giành HCV cá nhân; TP.Hội An giành giải nhất toàn đoàn. - Nội dung cơ quan, ban ngành: Nguyễn Thị Thảo và Ating Dung (Công đoàn ngành Giáo dục) giành HCV cá nhân, Công đoàn ngành Giáo dục giành giải Nhất toàn đoàn. - Nội dung học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang: Nguyễn Thị Hà (Công an tỉnh) và Lương Văn Duyên (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội) giành HCV cá nhân; Công an tỉnh giành giải Nhất toàn đoàn. - Nội dung phong trào: Huỳnh Văn Thoại (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) giải nhất, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giành giải đơn vị có phong trào xuất sắc nhất. |
GIẢI ĐẤU CHẤT LƯỢNG
Ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TD-TT: Ấn tượng với quy mô của giải
Lần đầu tiên dự xem giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam, tôi rất bất ngờ trước quy mô khá lớn cũng như tuổi đời của giải. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với nội dung đội tuyển tỉnh, thành phố. Rất nhiều VĐV mạnh của cả nước, cả các VĐV đội tuyển quốc gia đến từ Trung tâm Huấn luyện quốc gia Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện quốc gia Đà Nẵng, đoàn quân đội hay một số địa phương có phong trào mạnh như Ninh Bình, Khánh Hòa, Thanh Hóa tham gia cho thấy chất lượng chuyên môn khá cao. Cách tổ chức của giải cũng khá chuyên nghiệp, bài bản. Tôi hy vọng trong tương lai giải sẽ thu hút thêm được VĐV của nhiều địa phương khác trên cả nước tham gia.
Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Công tác tổ chức khá tốt
Trưởng thành từ đường chạy việt dã và từng tham gia nhiều giải đấu, song tôi thấy rằng giải Việt dã Báo Quảng Nam lần thứ XX được tổ chức khá tốt. Đường chạy bằng phẳng tạo điều kiện thuận lợi cho các VĐV thi đấu. Được tranh tài với nhiều VĐV chuyên nghiệp trên cả nước là cơ hội để cho tôi cũng như các VĐV thể hiện mình. Trình độ của tất cả các VĐV ngang nhau nên suốt cả đường đua đều bám rất sát. Tôi chỉ có thể bứt lên và về nhất ở chặng nước rút và rất vui khi giành được Huy chương Vàng.
VĐV Phạm Thị Huệ: Chất lượng không thua giải Việt dã Báo Tiền Phong
Rất nhiều lần tham gia thi đấu giải Việt dã Báo Tiền Phong, giải vô địch quốc gia và SEA Games nhưng đây là lần đầu tiên tôi góp mặt tại giải Việt dã Báo Quảng Nam. Sau khi hoàn thành nội dung thi đấu 5.000m hôm nay, tôi thấy rằng chất lượng chuyên môn của giải Việt dã Báo Quảng Nam không thua giải Việt dã Báo Tiền Phong. Nhiều VĐV đẳng cấp tham gia tranh tài và họ đều thi đấu hết mình. Tôi cảm thấy rất vui khi giành được giải nhất. ANH SẮC (ghi)
BẢO ĐẢM AN TOÀN
Trong thành công chung của giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam mở rộng lần thứ XX, phải kể đến sự góp sức của các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh luôn đồng hành ở mỗi mùa giải.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh bảo vệ đoàn vận động viên trên đường đua. Ảnh: THÀNH CÔNG |
KHÍ trời Tam Kỳ hôm qua khá oi nồng. Trên đường đua, không chỉ vận động viên mới áo đẫm mồ hôi mà lực lượng công an đứng điểm cũng như lưu động, dẫn đường để đảm bảo an ninh trật tự cho giải Việt dã Báo Quảng Nam lưng áo cũng thẫm màu của nước. Tại vòng xoay ngã tư Trần Hưng Đạo - Hùng Vương, Thiếu tá Trương Minh Văn cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã túc trực từ trước thời điểm khai mạc giải. Nhiệm vụ của tổ công tác trong suốt thời gian giải diễn ra là điều tiết phương tiện giao thông, cắt đường khi có đoàn chạy, bảo vệ an toàn cho vận động viên thi đấu. Đây đã là năm thứ 5 Thiếu tá Trương Minh Văn tham gia làm nhiệm vụ tại giải việt dã. “Từ tuần trước đơn vị đã triển khai kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia bảo vệ, dẫn đường cho giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam lần thứ XX. Đối với nhiều anh em đã gắn bó với giải như cá nhân tôi, năm nào cũng “đến hẹn lại lên”, nhưng cảm xúc thì vẫn như lần đầu. Đặc biệt năm nay giải đông vận động viên và người xem hơn, không khí rất hấp dẫn hơn các năm trước. Anh em cũng tự thấy mình cần tập trung hơn với công việc để đảm bảo an toàn tốt nhất cho giải diễn ra” - Thiếu tá Trương Minh Văn chia sẻ.
Ở giải việt dã lần này, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ dẫn đường, bảo vệ đường chạy, bảo đảm an ninh trật tự… Thượng tá Phan Thanh Hồng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, riêng đơn vị đã có 50 cán bộ, chiến sĩ được huy động. Chưa kể, Công an TP.Tam Kỳ cũng cắt cử lực lượng chốt chặn, bảo vệ tại các điểm vòng ngoài. Trung tá Nguyễn Thành Vân - Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh cho biết thêm, xác định quy mô của giải lần này, các đơn vị được quán triệt tập trung lực lượng, phân công phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn tuyệt đối cho hoạt động thi đấu của các vận động viên. “Công việc bảo đảm an ninh, an toàn cho vận động viên và những người tham dự đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải tập trung cho nhiệm vụ. Với vai trò là đơn vị luôn đồng hành với ban tổ chức từ khi thành lập giải đến nay, chúng tôi luôn xác định nỗ lực hết mình vì thành công chung của giải” - Trung tá Nguyễn Thành Vân nói. (THÀNH CÔNG)
CHẠY CÙNG VIỆT DÃ
Trong giải việt dã lần này, có một lực lượng “chạy” cùng vận động viên, thậm chí còn “về đích sớm” hơn cả. Đó là ê-kíp truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam.
Anh Võ Quang Phi tác nghiệp trên xe truyền hình lưu động của Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Khi các vận động viên bước vào vị trí vạch xuất phát, cũng là lúc xe truyền hình lưu động của Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, đơn vị truyền hình trực tiếp giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam nhiều năm qua, cũng sẵn sàng xuất phát. Súng hiệu xuất phát vang lên, xe truyền hình cũng lao về phía trước. Bộ đàm liên tục phát yêu cầu của đạo diễn hình, còn trên nóc xe, quay phim và cán bộ truyền dẫn hoạt động hết công suất với máy móc thiết bị chuyên dụng. Xe truyền dẫn trang bị một ăng-ten vệ tinh, cán bộ truyền dẫn luôn phải xoay ăng-ten về hướng tháp truyền hình để đảm bảo chất lượng truyền tốt nhất. Quay phim thì “đánh vật” với những cú rung lắc gặp giữa đường. Suốt dọc hành trình thi đấu của vận động viên, chiếc xe luôn phải giữ cự ly tốt nhất để đảm bảo cho quay phim tác nghiệp, kịp thời chuyển tải diễn biến của các cuộc tranh tài trên đường chạy. Thi thoảng, gặp khúc cua, cả quay phim lẫn cán bộ kỹ thuật được một phen hú vía với cú lắc mạnh ngay trên nóc xe. Vất vả là vậy, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kỹ năng khá vững của ê-kíp qua nhiều năm đồng hành với giải đã đảm bảo nhiều khoảnh khắc đua tranh gay cấn trên đường chạy, những cú bứt tốc ngoạn mục của vận động viên không bị bỏ sót ngoài ống kính.
Anh Võ Quang Phi, quay phim của ê-kíp làm chương trình truyền hình trực tiếp giải chia sẻ rằng, với anh thì tác nghiệp lần này đánh dấu chặng đường gắn bó với xe truyền hình lưu động, với những vui buồn của giải tròn 10 năm. “Nhìn thì đơn giản, nhưng đến khi ngồi trên xe, vác máy quay phim tác nghiệp mới thấy không đơn giản tí nào. Người quay vừa phải gồng mình để giữ chắc chắn máy quay, lấy được những khung hình ưng ý nhất, vừa phải ngồi cho vững. Bởi, nếu không cẩn thận để ý, có thể làm gián đoạn khung hình, ảnh hưởng tới chất lượng truyền trực tiếp, chưa kể bị tai nạn cho bản thân mình” - anh Phi nói.
Hết một vòng đua, chiếc xe rồ ga, tăng tốc về phía trước vạch xuất phát đón đầu tốp chạy cự ly tiếp theo. Để không bỏ sót bất kỳ đợt chạy nào, ê-kíp truyền hình cũng phải tính toán cung đường, kịp “đi tắt, đón đầu” đoàn vận động viên tiếp theo, khi cùng lúc có nhiều đoàn vận động viên xuất phát ở các cự ly khác nhau. Những người đến xem, cổ vũ cho giải cũng dần quen với “chiếc xe kỳ lạ” của nhà đài, cứ hễ mỗi lần thấy anh quay phim ngồi trên nóc xe là vẫy tay reo hò. “Tác nghiệp việt dã, dù rất mệt nhưng cũng vui, cũng có nhiều kỷ niệm với giải, để mỗi lần khai mạc, anh em lại hào hứng chung tay, góp sức cho một mùa giải thành công” - anh Võ Quang Phi chia sẻ. (PHƯƠNG GIANG)
CỔ VŨ BẠN THI ĐẤU
Buổi sáng, sau lễ khai mạc giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam mở rộng lần thứ XX năm 2016, nhiều người có mặt tại Quảng trường 24.3 tỏ vẻ thích thú khi chứng kiến có rất đông học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh mặc trang phục truyền thống cùng cổ vũ cho các vận động viên (VĐV) của trường tranh giải. Hình ảnh đó đã tạo nên không gian rất mới lạ và độc đáo cho mùa giải.
Các cổ động viên “đặc biệt” của Trường Phổ thông DTNT tỉnh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Thầy Hồ Văn Bình - giáo viên bộ môn Thể dục kiêm huấn luyện viên thể thao của trường cho biết, đây là lần đầu tiên các em học sinh đến cổ vũ các bạn của mình tham gia giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam trong sắc phục truyền thống. Vì năm nay 20 học sinh đang theo học tại trường được nhận các suất học bổng vượt khó, hiếu học từ Ban tổ chức giải. Trong đó, có 4 học sinh vừa là các đối tượng nhận học bổng vừa là VĐV tham dự giải việt dã năm nay. “Ở trường, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các em trân trọng và thường xuyên mặc vào các ngày đầu tuần đến lớp, cũng như trong các ngày lễ trọng đại của nhà trường. Ngoài công việc học tập, nhà trường cũng luôn giáo dục các em biết trân quý và tự hào về dân tộc mình, về những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông” - thầy Bình chia sẻ.
Ngay sau khi nhận các suất học bổng, 4 VĐV của Trường Phổ thông DTNT tỉnh đã nhanh chân tìm nơi thay trang phục thi đấu, chuẩn bị tham gia tranh tài. Chia sẻ với phóng viên, VĐV Zơrâm Kim Đào (lớp 11/1) cho hay, các em cảm thấy rất vui khi được tham gia giải việt dã năm nay. Càng vui hơn nữa khi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh và Ban tổ chức giải khi trực tiếp trao các suất học bổng rất có giá trị, nhằm động viên, khuyến khích các em tiếp tục phấn đấu trong học tập, cùng vượt khó trở thành con ngoan, trò giỏi để sau này giúp ích cho quê hương, bản làng.
Trên đường chạy, các em học sinh của Trường Phổ thông DTNT tỉnh nhiệt tình cổ vũ tinh thần cho các bạn của mình. Những sắc phục truyền thống, cứ thế lấp lánh giữa không gian đường phố. (ALĂNG NGƯỚC)
CHÂN ĐẤT ĐUA TÀI
Một VĐV chạy đua chỉ bằng đôi chân trần. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tại giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam năm nay xuất hiện rất nhiều VĐV tham gia chạy bằng đôi chân trần. Nhiều VĐV tham gia tranh tài ở cự ly 10.000m chỉ bằng “đôi chân trần”, khiến nhiều người thán phục. Không chỉ có VĐV nam, nhiều VĐV nữ cũng chân trần chạy đua hàng nghìn mét trước sự ngỡ ngàng của cổ động viên. Sau khi kết thúc phần thi của mình, trả lời câu hỏi của phóng viên, VĐV Lê Thị Tình (lớp 11, Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Duy Xuyên) cười bảo em đã quen với cách chạy điền kinh không mang giày như thế này. Dù khá nóng rát lòng bàn chân, nhưng cuộc đua bằng đôi chân trần lại giúp các em tự tin hơn trong mỗi chặng thi đấu. (ALĂNG NGƯỚC)