Vừa qua, lần đầu tiên tại Quảng Nam, mô hình lớp học công nghệ mang tên “Vườn sáng tạo” do một nhóm nhà khoa học trẻ quê gốc Quảng Nam làm việc tại TP.Hồ Chí Minh mở tại Nhà văn hóa thiếu nhi Tam Kỳ.
Một giờ học chung của “Vườn sáng tạo”.Ảnh: BẢO ANH |
Lớp học nhanh chóng thu hút khá đông các em thiếu nhi tham gia, bởi đây không chỉ là một lớp học mà còn là một “sân chơi” hấp dẫn, độc đáo, mới mẻ, giàu tính sáng tạo khi có sự gắn kết giữa lập trình phần mềm cơ bản với lắp ráp robot.
Quan sát các tiết học của “Vườn sáng tạo”, nếu không được giới thiệu trước, người bình thường rất dễ nghĩ là các bạn nhỏ đang chơi hơn là đang học. Trên màn hình máy vi tính, thay vì các dòng lệnh, các công thức hay bài tập, chỉ thấy những ô màu xanh vàng tím đỏ nhấp nháy, chuyển động chẳng khác gì một game mini. Cạnh đó, những chiếc khay đựng đồ chơi xếp hình lego được bày ra, các học viên nhỏ tuổi hết nhìn vào máy vi tính lại tìm các mẩu ghép phù hợp để cùng nhau lắp ghép mô hình... Anh Nguyễn Hữu Tuyên, người phụ trách lớp học “Vườn sáng tạo” tại Nhà văn hóa thiếu nhi Tam Kỳ cho biết, với những người chưa quen sẽ có cảm nhận là các em đang chơi. Bởi lẽ phương châm của “Vườn sáng tạo” là để cho trẻ em học mà chơi - chơi mà học, thông qua việc chơi để các em có thêm hứng thú trong việc học và đặc biệt, là để kích thích phát triển tư duy khám phá và sáng tạo. Cụ thể, việc kéo và thả các khối lệnh để tạo thành các trò chơi đơn giản, để điều khiển các nhân vật hoạt hình quen thuộc... không gì khác hơn mà chính là để học lập trình cơ bản thông qua chương trình học Code.org - một chương trình cho phép lắp ghép từng bước, từng điều kiện với các khối lệnh màu sắc gần giống như chơi lego.
Nói về việc học ở “Vườn sáng tạo”, hầu hết học viên nhỏ tuổi đều bày tỏ sự thích thú, hứng khởi. Nhiều em cho biết mỗi lần vào lớp thì lại... không muốn về. Em Lê Công Hiển, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Tam Kỳ) cho biết, khi được cha mẹ cho theo học tại đây, lúc đầu em rất e dè, lo lắng vì cách dạy của các thầy rất lạ, nội dung học lại không dễ. Tuy nhiên, vì được học mà chơi, các thầy luôn động viên, khích lệ và chỉ dẫn tận tình nên càng lúc em càng cảm thấy thích thú. Đặc biệt, từ khi học cùng “Vườn sáng tạo”, Lê Công Hiển và nhiều bạn nhỏ khác đã không còn mơ màng gì đến các trò chơi trên điện thoại cảm ứng và trên internet nữa...
Được mời giảng dạy tại “Vườn sáng tạo” Tam Kỳ, thầy giáo Lê Quý Sang cho biết lúc đầu cũng hơi bỡ ngỡ với kiểu dạy này. Nhưng khi tiếp cận, làm quen, anh nhận ra đây là một cách dạy kỹ năng rất hay, người thầy chủ yếu gợi ý, hướng dẫn chứ không copy kiến thức rồi “dán” vào đầu học trò. Mặc dù vậy, học sinh lại nắm bắt rất nhanh, bởi các bài luyện tập trên máy tính và robot, các khái niệm trong lập trình được giải thích một cách trực quan, sinh động và dễ hiểu từ các tình huống trong cuộc sống mà học sinh có thể quan sát được. Đặc biệt, trong quá trình học lập trình, luyện tập kỹ năng tư duy, phát huy sáng tạo qua việc lắp ghép mô hình, học sinh của “Vườn sáng tạo” còn có cơ hội trau dồi ngoại ngữ, bởi mọi hướng dẫn thao tác trên máy tính đều bằng tiếng Anh...
Hiện tại, “Vườn sáng tạo” Tam Kỳ mới chỉ ở bước khởi động, với 30 học viên nhí được chia thành 3 lớp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Nhà văn hóa thiếu nhi Tam Kỳ, khả năng sẽ mở rộng mô hình vì suốt mấy tuần nay, rất nhiều phụ huynh đã đến đây để tìm hiểu và tỏ ra rất thích thú với lớp học này. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ nhìn nhận đây là một mô hình dạy học tiên tiến rất đáng được chia sẻ và nhân rộng...
BẢO ANH