Hát bội chớ... tuồng chi!

NGUYỄN TRUNG HIẾU 30/07/2020 10:40

Mới đây trên hai tờ báo địa phương cùng đăng bài đặt câu hỏi “Hát bội hay hát bộ”… Nội dung đại khái đặt lại vấn đề danh xưng của loại nghệ thuật diễn xướng dân gian mà hiện nay được gọi dưới nhiều cái tên: tuồng, hát bộ hay hát bội.

Lớp học bảo tồn và phát triển hát bội tại Hội An. Ảnh: K.L
Lớp học bảo tồn và phát triển hát bội tại Hội An. Ảnh: K.L

1. Vừa rồi tôi có chuyến đi về Quế Châu, huyện Quế Sơn - cái nôi hát bội của Liên khu 5 trong những năm kháng chiến, và đến nay, loại hình nghệ thuật này vẫn được bảo tồn, phát triển mạnh mẽ tại địa phương. Lạ một điều hỏi thăm, nhiều người trẻ ở đây khăng khăng gọi là hát bộ, chứ ít ai gọi hát bội… Vậy về mặt chính thức, loại hình diễn xướng dân gian đang lưu truyền từ hàng trăm năm qua chủ yếu ở miền Nam và miền Trung, gọi tên nào cho đúng?

Có thể tìm thấy được cả ba mục từ hát bộ, hát tuồng, hát bội trong nhiều tự điển Tiếng Việt xuất bản gần đây. Mới nhất, Từ điển Tiếng Việt do Trung tâm Tự điển học biên soạn được sử dụng phổ biến trong các trường học, mục từ tuồng, được giải thích: “kịch hát dân tộc cổ truyền, mang tính tượng trưng và ước lệ, lời viết theo các văn vần cổ, thường chuyên về đề tài lịch sử”. Và trên các văn bản hành chính Nhà nước gần đây tần suất sử dụng chữ hát tuồng thay cho hát bội hay hát bộ ngày mỗi nhiều hơn. Thậm chí TP.Đà Nẵng xây dựng một nhà hát dành cho nghệ thuật hát bội cũng lấy tên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Nhưng không chỉ có Quế Châu, nhiều địa phương miền Trung còn gọi loại hình này là hát bộ thay cho hát bội như trước đây. Khả năng vì loại hình văn nghệ này sử dụng nhiều điệu bộ trong diễn đạt, kết hợp với hiện tượng biến âm qua nhiều thế hệ nên đọc trại đi vậy. Để dung hòa, Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (1958) giải thích: “bộ: là dáng dấp hiện ra bên ngoài, điệu bộ (manière d’être); Hát bộ: Lối hát có điệu bộ (chantave gestes)”.

2. Từ hiện tượng này, đã có nhiều tranh luận về ba từ nói trên diễn ra trong giới chuyên môn, soạn giả và nghiên cứu loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này. Học giả Vương Hồng Sển viết trong hồi ký 50 năm ca hát: “Các ký giả buổi ấy, để cho thấy có canh tân cải cách, bèn chối bỏ danh từ hát bội, vừa viết trên báo, vừa hô hào xin thay vào đó và dùng hai chữ hát bộ thế cho hát bội, như vậy có vẻ mới hơn và tưởng đâu là đúng nghĩa hơn… Ở đây tôi xin miễn bàn, vì hát nào lại không ra bộ? Và câu thơ của Phan Văn Trị vịnh hát bội: Hèn chi chúng nói “bội” là “bạc” đủ chứng minh và tránh cho tôi khỏi nói nhiều”.

Học giả Nguyễn Lộc, vào năm 1998 chủ biên xuất bản cuốn sách Tự điển Nghệ thuật Hát bội Việt Nam (NXB Khoa học xã hội). Ông chỉ sử dụng một từ hát bội suốt cuốn sách hơn 600 trang, mà không có chữ nào liên quan đến bộ hay tuồng. Sinh thời, GS.Hoàng Châu Ký cũng thường nói và viết là hát bội. Ông chỉ dùng chữ tuồng để chỉ vở hát. Cách dùng từ của giáo sư theo như tinh thần giải nghĩa của Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quấc Âm tự vị (1895 - 1896): “Hát bội - con hát, kẻ làm nghề ca hát và Con hát bội - loại côn trùng… cánh nó có hoa đỏ đen như áo hát bội”. Tuy vậy khá nhiều người phân vân - tuồng chưa chính xác, bộ thì cách tân, vậy từ bội trong hát bội từ đâu ra? Cuốn Việt Pháp Tự điển đầu tiên của J.FM.Génibrel (1898) diễn giải ngắn gọn: “Bội (comédie) - hát bội (Jouer la comédie)…”.

3. Cuộc tranh cãi từ bộ, bội hay tuồng cho tên của loại hình diễn xướng dân gian miền Trung, kéo dài đã hàng thập kỷ nay, dù phần lớn học giả, bậc thầy am hiểu đều khẳng định và sử dụng danh từ hát bội. Thế nhưng một thắc mắc được đặt ra - gốc từ của nó xuất xứ từ đâu? Trong một biên khảo về hát bội đăng trên tạp chí Đồng Nai văn tập (1967), nhà nghiên cứu văn hóa Thân Văn Nguyễn Văn Quý cho rằng: “hát bội của người Việt ta có gốc gác từ Bình kịch (hát điệu Bắc Bình), Việt kịch (hát Quảng Đông) và Triều kịch (hát tiếng Tiều) của Trung Hoa”. Ông giải nghĩa chữ bội do chữ bài, âm Tàu biến ra âm Việt, có nghĩa là trò hát bội.

Hơn thế, trong sách sử còn ghi, đời vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293), trong lần thứ 2 chống quân Nguyên đã bắt được Lý Nguyên Cát. Ông vốn là diễn viên hý kịch nên được vua tha chết và bắt truyền dạy lại nghề hát hý kịch cho cung nhân. Lý Nguyên Cát dạy vở đầu tiên cho các đệ tử Việt là vở “Tây Vương mẫu hiến bàn đào”. Và làm rõ hơn cho cách giải thích trên, Tự điển Hán - Việt do học giả Nguyễn Văn Khôn biên soạn năm 1969 giải thích: “Bội (trong từ hát bội) - tên một nước cổ (nay thuộc tỉnh Hà Nam - Trung Hoa)”. Trong một lần trò chuyện với GS.Hoàng Châu Ký, ông thầy tuồng của nhiều thế hệ nghệ sĩ hát bội nói ngắn gọn về cuộc tranh luận này: “Bội chớ… tuồng chi!”.

Hát bội vốn là danh từ quen thuộc, gần gũi với số khán giả vốn không còn nhiều và hiện phần lớn chỉ còn sức sống sau lũy tre làng. Cho đến nay các đình làng, thôn miếu một số nơi miền Trung cũng như miền Nam, đến lệ giỗ thần hoàng bổn xứ vẫn giữ lệ cúng hát bội. Thường trước khi các tuồng hát diễn ra có lễ “Xây chầu, đại bội”. Các bà mẹ vùng này cũng hay nhắc con gái lớn: “Trồng trầu trồng lộn dây tiêu/ con theo hát bội mẹ liều con hư”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hát bội chớ... tuồng chi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO