Chia sẻ với những đồng hương xứ Quảng tại nhà riêng ở số 6 Nguyễn Biểu, TP.Quy Nhơn (Bình Định), nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn quả quyết nghệ thuật hát bội vẫn là “người tình khó tính” mà ông phải dốc tâm sức theo đuổi…
Quê gốc Cẩm Thanh - Hội An, bà nội của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn theo gia đình vào Quy Nhơn trông coi nghề làm yến rồi mới nên duyên chồng vợ, sinh con đẻ cái. Thừa hưởng tố chất Quảng từ bà nội, nên từ nhỏ Vũ Ngọc Liễn khá hiếu động, có tính "hay cãi". Lớn lên trong môi trường hát bội truyền thống, ông sớm say mê bộ môn nghệ thuật này. “Ngày trước, gia đình tôi mở lò hấp cá lớn, cá đánh bắt được từ biển đều đưa vào đây hấp sau đó thương lái mang vào đất liền bán. Trong khi chờ hấp cá, mọi người hay tụm nhau đối ẩm, hát các trích đoạn tuồng, nên tôi nghe riết rồi đâm ghiền” - ông tâm tình.
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn vẫn miệt mài nghiên cứu ở tuổi 90. Ảnh: GIANG HẢI |
Năm nay tròn tuổi 90 với quá nửa đời người chuyên tâm theo đuổi nghệ thuật sân khấu truyền thống, Vũ Ngọc Liễn trở thành nhà nghiên cứu hát bội nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng trong cuộc chuyện với chúng tôi, ông vẫn thừa nhận nghệ thuật sân khấu hát bội truyền thống vẫn luôn là “người tình khó tính” buộc ông phải dốc hết tâm sức theo đuổi. Mà khi đã “vướng” vào, là càng đeo bám và từ đó khám phá thêm nhiều cái mới.
Ngày 2.9.2012, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành sân khấu với cụm 2 công trình: “Đào Tấn - thơ và từ” tập 1, “Đào Tấn - tuồng hát bội” tập 2, “Đào Tấn qua thư tịch” tập 3 và “Góp nhặt dọc đường”. Với công trình liên quan đến Đào Tấn, ông có gần nửa thế kỷ sưu tầm, khảo dị, hiệu đính, biên dịch, chú giải cùng nhiều tác giả tên tuổi khác, góp phần minh định giá trị và tôn vinh nhà soạn tuồng kiệt xuất Đào Tấn. Trong “Góp nhặt dọc đường”, ông tập hợp phần lớn những bài nghiên cứu về lịch sử và những giá trị độc đáo của nghệ thuật hát bội. |
Như một định mệnh, niềm đam mê đó khiến ông đến nay vẫn chưa hết lo nghĩ, luôn phải đau đáu về tương lai hát bội với niềm hy vọng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu hát bội nước nhà. Ông không mất niềm tin vào thế hệ trẻ khi nhìn thấy ở họ sự tìm tòi, say mê và nhận chân các giá trị nghệ thuật truyền thống. Tin sẽ có một cuộc chuyển mình quyết liệt với vai trò chủ công là thế hệ trẻ, ông ao ước có điều kiện sang Nhật Bản tìm các tư liệu nghệ thuật hát bội Việt Nam. Bởi theo ông, có đến 80% tài liệu nghiên cứu liên quan đang được “định cư” tại nước ngoài. “Chúng ta không thể để nghệ thuật hát bội mai một, chết mòn vì bất kỳ một lý do nào đó, sẽ rất đau xót! Nếu cứ buông xuôi theo kiểu hát bội như con thuyền không lái, chắc chắn sẽ dẫn đến kết cục buồn, và rồi thế hệ chúng ta sẽ phải nhận lãnh trách nhiệm do đã không cứu vãn nghệ thuật truyền thống” - ông nhắn nhủ.
Ông vừa nhận được thư của một nữ sinh viên theo học khoa âm nhạc dân tộc tại Học viện Âm nhạc Pháp do ông hướng dẫn đề tài thực tập. Trong thư, cô sinh viên cho biết các giảng viên của khoa rất quan tâm và đánh giá cao giá trị nghệ thuật hát bội Việt Nam. Một vị giáo sư người Pháp còn sẵn lòng giúp đỡ em phổ biến nghệ thuật hát bội Việt Nam tại Pháp. “Điều này càng chứng tỏ nghệ thuật hát bội luôn được trân trọng, đánh giá cao về giá trị nghệ thuật mà không bị ràng buộc bởi sự tách biệt của không gian”- nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn khoe.
HÀN GIANG - MINH HẢI