“Nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi/ Nghe đánh trống chầu, đâm đầu mà chạy”...
Với những người ở độ tuổi 50 về trước, hát bội ở quê chắc không mấy xa lạ, mà hẳn còn ghim dằm những ký ức vui buồn.
Thuở thiếu thời, ai chưa thử một đêm trốn mẹ trốn cha, băng qua mấy con đường bụi đất, không đủ mấy đồng mua vé nên quanh quẩn lén chui qua mấy cái lổ hổng hàng rào tre gai, để rồi hòa mình vào đám đông các ông các bà đang hoan hỉ khóc cười theo các tích tuồng sống động...
Đó là chuyện của hơn 30 năm trước, khi tiếng trống chầu của các sân khấu tuồng đủ sức lay động, thu hút người dân khắp các đường làng ngõ xóm. Không chỉ ngày lễ tết, ngoài các gánh hát hình thành tại các làng quê còn có các đoàn chuyên nghiệp từ khắp nơi về biểu diễn.
Đã quá lâu rồi, cái sân vận động Mẫu Bảy hay các nhà văn hóa chỉ lưa thưa đón các đoàn diễn lô tô, xiếc thú, hoặc diễn văn nghệ quần chúng ở địa phương.
Nghệ thuật tuồng xứ Quảng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015, nhưng bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn là một bài toán nan giải.
Ngay trên đất Điện Bàn, hiện vẫn không có câu lạc bộ nào về lĩnh vực này. Những người còn giữ được ngón nghề “hát bội” thì đếm trên đầu ngón tay.
Để “giữ lửa” tình yêu với nghề và cũng là một cách mưu sinh trong thời buổi các sân khấu tuồng vắng bóng, một số nghệ nhân hát bội kết hợp với các dịch vụ tang lễ “hò đưa linh” - tiễn đưa người quá cố. Trong tình hình ấy, thị xã Điện Bàn vẫn duy trì một số hình thức bảo tồn, như đưa vào trưng bày một không gian về nghệ thuật tuồng tại Bảo tàng Điện Bàn với các trang phục, mặt nạ, trống, nhạc cụ…
Tại Trường Tiểu học JunKo có một giai đoạn được sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ đã hợp đồng với nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về tổ chức các lớp học hát múa tuồng ngoại khóa. Một số cá nhân, doanh nghiệp yêu thích nghệ thuật tuồng mỗi năm đến dịp Tết lại mời đoàn tuồng về biểu diễn phục vụ cho bà con nhân dân quê nhà…
Tuy vậy, những nỗ lực ấy vẫn là chưa đủ để đánh thức một loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần mai một. Ví như, có một cái rạp dựng tại quê hương nhà soạn Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tại Điện Phương, Điện Bàn, biểu diễn các vở tích tuồng phục vụ du khách gần xa cũng như để cho những người trẻ mai sau thấy yêu hơn những đêm “hát bội ở quê” này, thì biết đâu...