Mỗi tối thứ bảy hằng tuần và Đêm phố cổ hằng tháng, ngay bên chân Chùa Cầu, một gia đình nghệ sĩ lại cùng tấu lên những khúc tuồng xưa…
Đêm thứ bảy này, không biết là đêm thứ mấy chục, gia đình ông Lê Phú Hải dắt dìu nhau lên gian sân vuông, mắt hướng về phía An Hội, và môi thì mấp máy những câu hát cũ. Như thể, không nhẩm lại, thì sợ quên. Như thể, được trình tấu tuồng, là chuyện vui nhất đời. Mà cũng thật kỳ lạ, ở cái xứ từng mê hát bội như cơm ăn nước uống này, chuyện một gia đình hát tuồng lại nên chuyện lạ. Lạ hơn, chuyện cả phố giờ chỉ còn mỗi mình nhà ông Hải chịu hát tuồng xưa tích cũ. Để phát hiện và đưa gia đình này ra “phố đông”, đã là một điều hay. Làm gì để xuống phố nhưng dấu xưa vẫn giữ, trân quý vẫn còn, thì lại hay hơn.
Gian hát bội ở không gian phố cổ. Ảnh: MINH HẢI |
Sân khấu giản dị, không thảm đỏ, vẫn những nhân vật ấy, câu chuyện ấy, tuồng tích ấy, người nghệ sĩ chỉ có vài đạo cụ trong tay cùng dàn âm thanh gọn nhẹ và ánh sáng tinh giản vừa đủ quyến rũ người qua đường. Đôi khi, tuồng vãn nhưng chiếu tuồng vẫn còn người ngồi mê mẩn. Vậy là có lúc anh Lê Phú Hải và chị Hồ Thị Hoa hát chay, bởi đã tới giờ trả “yên tĩnh” về cho phố cổ. Ngồi bệt bên hè phố, tự vẽ mặt cho mình, rồi lại tự sắm sửa phục trang, đôi vợ chồng này vẫn tươi rói khi nhiều du khách Tây dòm ống kính về phía mình. Hơn 40 năm hát tuồng, và hơn mốc thời gian ấy nghe tuồng, ông Hải biết, “món này không dễ gì có người mê”. Tuồng – hát bội, chỉ thật sự là đỉnh cao khi trên những sân khấu cung đình, nhưng ở những chiếu tuồng nơi góc đình hay vuông sân, nó vẫn là thứ nghệ thuật đáng được trọng vọng vậy.
Nghệ thuật tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng cùng 25 di sản khác trên cả nước vừa được Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những di sản văn hóa phi vật thể này thuộc các loại hình: lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng. |
Hằng đêm, phố đông đúc người lại qua. Có kẻ tò mò ghé ngang mắt xem, dỏng tai nghe những tiếng dây cương, tiếng ngựa hí, tiếng ứ á đường xa. Nhưng cũng có người ưa mê vì ký ức được gọi dậy hay vì rất lạ lẫm bởi những phục trang và giai điệu xưa cũ. Đủ cả người thưởng thức, ở cấp độ biết rất nhiều về tuồng – hát bội hay chỉ là lần đầu tiên được diện kiến. Nhưng chung quy, ai cũng tán thưởng, khi hát bội được mang xuống đường phố. Làm vậy, để nghệ thuật truyền thống trở nên gần gụi hơn. Lần lượt những nhà hát chuyên nghiệp về bộ môn này dần “bình dân hóa” nó, khi muốn tìm đường đất sống thì phải tự đến với số đông. Từ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, đã tính đến nước đi này từ vài năm trước, đến mới đây, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng thử nghiệm mang tuồng trình diễn miễn phí ở bờ sông Hàn.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hội An, cho biết đã rất đắn đo khi đưa bộ môn này ra phố, từ những người không chuyên như gia đình anh Lê Phú Hải. Tuy nhiên, với một Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền ở Hội An, chừng như vẫn chưa đủ sức để quảng bá rất nhiều loại hình truyền thống ở phố cổ với du khách. Khởi đầu là bài chòi, rồi nhạc trữ tình, hạ uy cầm… đến bây giờ là hát bội, vẫn tin không gian Hội An đủ sức để mang nhiều giai điệu truyền thống xuống phố. Ra với phố đông, để biết mình hay dở, để nhiều người cùng biết, cùng nghe, cùng thưởng thức… thì nghệ thuật mới thoát khỏi ao làng và những nỗi buồn bị lãng quên.
LÊ QUÂN