Hát cho vui...

LÊ TRÂM 09/07/2016 09:57

1. Hát, tất nhiên là kiểu hát không chuyên nghiệp, là hoạt động không thể thiểu ở các cuộc tụ tập đông người. Nghiêm túc như các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” thời còn “học chính trị” của lứa thanh niên sau ngày giải phóng, trong các giờ giải lao. Quy định bắt buộc, trong giờ giải lao phải có các tiết mục văn nghệ! Vậy thì phải có ai đó lên hát cho hết thời gian giải lao! Hễ thương thì lớp trưởng phân công ai đó biết hát tí chút lên “góp vui văn nghệ” cho lớp. Muốn chơi khăm, thì lựa bất kỳ anh nào đó “một nốt nhạc bẻ đôi không biết” mà giới thiệu! Và trong những trường hợp đó, anh/ chị ấy chỉ có nước “chết như Từ Hải” thôi.

 Hay, ở các trường học, các lớp phải chuẩn bị dăm bài hát “tập thể” để hát mỗi đầu giờ bữa này sang bữa khác, năm này sang năm khác. Hoặc, hát để chào mừng thầy cô tới “thăm lớp dự giờ”. Tóm lại, trừ một số không lớn lắm các vị “muốn thể hiện” mình trước đám đông, còn lại, hát trước đám đông quả đúng là một “cái nợ”. Cho nên trước kia thật hiếm người hát. Chỉ người nghe thì nhiều, nhiều khi mê quá lại phải rước đến cả ca sĩ để cùng nhau thưởng thức.

Tranh minh họa. (Nguồn: internet)
Tranh minh họa. (Nguồn: internet)

Sau này, bỗng dưng xuất hiện karaoke! Phải nói người Nhật quả thật tuyệt khi “đẻ” ra được cái giống karaoke diệu kỳ này. Bắt đầu từ các thành phố, thị xã khắp từ Nam chí Bắc. Rồi karaoke tiến dần về làng. Hình như từ đó mới xuất hiện từ chơi “tâng hai, tâng ba” thì phải! Tâng đầu, nhậu; tâng hai, đích thì phải là karaoke rồi! Sau đó còn tâng ba tâng bốn đố trời biết được? Rồi các nhóm từ hát ít múa nhiều, hát bằng tay, hát kiểu gác tay... Nhờ karaoke, nhiều vị vốn mù nhạc bẩm sinh thoắt nhiên một ngày đẹp trời bỗng... cất tiếng hát! Trời ạ, là những tiếng hát the thé vốn chỉ dành để dọa con nít! Nhậu riết, rồi ai cũng như nấy, danh ca rồi cũng bằng... khủng bố ca, bởi chỉ cần đọc được mấy dòng trên màn hình thì bài nào chả hát được. Ừ, hát cho vui thôi mà!

2. Một thời báo chí không ngớt bình phẩm về cái thể loại “văn hóa karaoke” này không tiếc lời. Sau đó thì karaoke mấy tâng gì đó cũng lắng dần, thoái trào, xuất hiện thêm cái “karaoke gia đình”, tồn tại một thời gian rồi cũng yểu theo “tình cũng khó theo thời cơm áo khó”. Chừng như người ta đã có cách khác để “thể hiện mình” thay vì “đi karaoke” thì phải! Nhưng phải công nhận những ngày ấy thay vì nhờ ai đó tập bài hát cụ thể, chỉ đơn giản qua luyện karaoke nhiều người trở nên hát được. Nếu không cũng phải mua các đĩa hát, băng nhạc về mở ra hát theo may chi có đường “bằng chị bằng em” được!

Khi internet ra đời, mọi chuyện có vẻ dễ chịu hơn nhiều. Muốn hát bài gì cứ lên mạng tải xuống, “quần” với nó vài tuần là xong! Kể cả muốn “quằn quại” thể hiện phong cách như ca sĩ nổi tiếng nào đó cũng thật đơn giản. Muốn Gangnam style ư? Thì có ngay PSY dẫn lối! Muốn hát kiểu Lệ Rơi ư? Chỉ cần nhấp chuột một phát đã có ngay “phong cách Lệ Rơi” làm mẫu!

Ngày trước, mỗi dịp văn nghệ mùa xuân là các thầy cô giáo chủ nhiệm phải toát mồ hôi, mất ăn mất ngủ để chuẩn bị tiết mục “cho lớp mình”. Giờ, khỏe re! Các em tự tìm bài hát, và tải xuống tập. Hát, có nhảy là yêu cầu bắt buộc! Và rồi xuất hiện không ít các “đạo diễn bình dân” chuyên nhận dựng tiết mục cho các chương trình văn nghệ các kiểu, lo gì! Giáo viên chủ nhiệm chỉ còn mỗi việc... huy động kinh phí! Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều các chương trình “hát cho nhau nghe” được tổ chức ở các quán cà phê hoặc nhà hàng. Từ chỗ hát bắt buộc giờ hát đã thành phong trào.

3. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến mục hát trong đám cưới. Ngày trước, hát trong đám cưới chừng như chỉ dành cho bạn bè của cô dâu chú rể. Kiểu, mừng mày đi lấy chồng, vợ chồng tau xin “cháy hết mình cùng hôn trường một bài”! Hoặc, đặc biệt lắm là tiếng hát của cô dâu hoặc chủ rể đúng dịp “theo chồng/ vợ bỏ cuộc chơi”! Sẽ là “số dách” nếu cả cô dâu chú rể cùng song ca mùi mẫn một tình khúc nào đó nhân ngày vui có một không hai của đời mình! Đôi khi, bố/ mẹ cô dâu/ chú rể lên hát một bài để mừng cho ngày vui của con, thường những bài hát kiểu này luôn mang lại niềm xúc động cho cả hôn trường. Rất ít khi người lớn tham gia “hát cho vui” trong dịp này!

Sau này, ở các đám cưới sang trọng người ta mời cả ca sĩ với cát sê “không hề nhẹ” đến hát mừng cho đôi tân hôn. Nếu gia chủ kỹ tính thì thường “sắp xếp” luôn các tiết mục văn nghệ sẽ trình bày trong đám cưới cùng với MC. Cũng khá nhiều người “ủy quyền” tất tần tật cho MC. Từ đây phát sinh ra lắm chuyện bi hài! Đôi khi lọt cả những bài hát không nên hát trong đám cưới kiểu như Áo em chưa mặc một lần, Sao em nỡ vội lấy chồng, Chia tay hoàng hôn... Hoặc quá tin vào những lời giới thiệu trong các tờ giấy gửi lên từ các bàn tiệc mà nội dung lại trò thành trò cười cho đám đông!

Nhiều đám cưới chỉ thấy toàn bạn bè của cha mẹ hai bên chiếm sân khấu từ đầu đến cuối chẳng thấy bạn bè của con cái đến nỗi nhiều khi có cảm giác như ba mẹ cô dâu/ chú rể đang tổ chức đám cưới... cho mình! Hoặc vài người có thói quen “không hát không chịu được” nên không hát được thì “kiên quyết không về”! Nên, gì thì gì, gặp các ca kiểu này thì các MC phải tìm mọi cách để “ca sĩ” được toại nguyện! Bởi, cũng đã xảy ra tình cảnh dở khóc dở cười vì gây gổ đánh nhau, có khi phải chở nhau đi bệnh viện, giữa MC và khách mời bởi... mi chê dở hay sao mà không giới thiệu tau lên hát?  Riết, có khi lại có cảm giác hình như người hát... nhiều hơn người nghe thì phải! Cho nên nhiều khi lo đám cưới không sợ thiếu tiền chỉ sợ... dư người hát!

Thời bây giờ, hát cho vui, quả thật không đơn giản chút nào!

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hát cho vui...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO