Hạt gạo trên sàng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 21/11/2019 15:38

Báo chí tuần qua loan một tin vui: gạo ST25 của Việt Nam vừa được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức. Giải thưởng này đúng là “hạt gạo trên sàng”, bởi sàng lọc rất kỹ trong nhiều sản phẩm được đem đến dự thi tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 ở Manila, Philippines từ ngày 10 đến 13.11.

Được biết các giống lúa ST, như ST3, ST5, ST10, ST20, ST24, ST25... có xuất xứ từ Sóc Trăng, nhưng đã phổ biến rộng; riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long đã trồng hàng trăm ngàn héc ta, mỗi năm cung ứng một lượng lớn gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Hành trình lai tạo ra loại lúa thơm này gắn liền với tên tuổi của Kỹ sư Hồ Quang Cua, một nhà khoa học tâm huyết của ngành nông nghiệp Sóc Trăng. “Tên người như cuộc đời”, ông Cua đã “bò” ngang dọc suốt mấy chục năm trên đồng bằng ấy, chân dính đầy phèn để lặn lội với cây lúa, tìm cách lai tạo, nhân giống, cho hạt gạo có chất lượng cao. Nhiều loại gạo ST đã giành được các giải thưởng, như mới đây gạo ST24 đoạt giải Nhất cuộc thi gạo ngon Việt Nam lần đầu tiên do Hiệp hội Thực phẩm Việt Nam tổ chức. Cho nên, để có hạt gạo trên sàng vượt lên trên các sản phẩm của những vương quốc lúa gạo như Thái Lan, Campuchia, phải có những người tài năng và tâm huyết như Kỹ sư Hồ Quang Cua.

Từ câu chuyện của hạt gạo và ông kỹ sư tạo ra nó, sẽ khiến nhiều người nghĩ lại việc tạo môi trường cho nhân tài lao động sáng tạo và cống hiến, làm nên thương hiệu Việt. Người tài cũng như hạt gạo trên sàng, cần có con mắt tinh đời để phát hiện, động viên, khuyến khích. Phương Nam rộng rãi và hào phóng đã nuôi dưỡng tài năng, tâm hồn của Kỹ sư Hồ Quang Cua để ông tận hiến công sức, rồi được ghi nhận và khuyến khích từ giới nghiên cứu lúa gạo. Đặc biệt, như GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã phải bày tỏ sự thán phục khi Kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo thành công giống ST3, rằng: “Trong khi chúng tôi còn đang nghiên cứu lai tạo giống lúa cho gạo hạt vàng để tăng hàm lượng caroten, thì anh Cua và các cộng sự Sóc Trăng đã phóng thích giống ST3 đỏ giàu dinh dưỡng và chất sắt, phải nói đây là giống gạo thơm, ngon trong số những loại gạo ngon trên thế giới mà tôi đã được ăn. Anh Cua và các anh em ở Sóc Trăng đã đi trước chúng tôi một bước rồi!”. Rõ ràng chỉ nơi nào người tài không bị ganh ghét và được ghi nhận thì mới có môi trường tốt để sáng tạo.

Làm sao để những hạt gạo trên sàng ngày một nhiều hơn? Vừa rồi, Quốc hội đã có nhiều ý kiến tranh luận về chuyện dùng người tài, nhân tài và chính sách thu hút, nhưng xem ra vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, nhiều người tài thực sự vẫn ngày đêm cần mẫn lao động sáng tạo, cũng chẳng đòi hỏi đãi ngộ gì nhiều ngoài việc tạo môi trường tốt cho họ cống hiến ngay trên mảnh đất quê hương. Tình yêu quê hương là điều có thực nên mới có thêm tin vui khi những người tài giỏi quay về nước, có người từ giã chỗ làm có mức lương mấy chục ngàn đô la, rời các trung tâm công nghệ như “thung lũng silicon”, không phải môi trường ở đó không tốt mà vì họ muốn về sống trong bầu khí quyển của Tổ quốc, trực tiếp tạo nên sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.

Thiển nghĩ, người tài của Việt Nam không thiếu, đã hiện diện nhiều nơi trên thế giới, đủ sức lên sàn cạnh tranh trí tuệ với người nước ngoài. Vấn đề là phải thực lòng, thực tâm cầu hiền tài và trọng dụng thì những người tài mới có đất dụng võ. Nói rõ ra là cần có người biết dùng người tài thì người tài mới hội tụ, chung tay góp sức xây dựng và phát triển đất nước, làm nên thương hiệu Việt. Nếu quan trí thấp, lại tham nhũng, chỉ chạy chức, chạy quyền thì có cầu người tài cũng không đến đâu, làm sao có nhiều hạt gạo trên sàng?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạt gạo trên sàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO