Hạt gạo, trong những cơn chao đảo...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 20/08/2023 06:49

Hàng nghìn năm trôi, con đường lúa gạo hình thành không chỉ mang trong mình dòng chảy văn hóa mà còn gắn liền với chiến lược an ninh lương thực của nhiều vùng, quốc gia, châu lục. Mỗi khi có lục đục chiến tranh xung đột hay thiên tai dịch bệnh, hạt gạo càng có vai trò quan trọng trong đảm bảo sự sinh tồn tối thiểu cho con người. 

Ngày nay, dù có nhiều loại thực phẩm thay thế, nhưng thị trường lúa gạo vẫn là mối quan tâm của hai phần ba dân số thế giới. Bởi vậy, không dưng khi Ấn Độ, quốc gia đông dân hàng đầu và là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu gạo tẻ thường để “bảo đảm có đủ gạo trong nước với giá hợp lý”, thì lập tức đẩy giá gạo trên thị trường toàn cầu tăng cao.

Ấn Độ có lệnh cấm như vậy là vì lo ngại tình trạng khô hạn làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng, ảnh hưởng việc dự trữ lúa gạo. Trong khi đó, một quốc gia đông dân khác là Trung Quốc đã và đang hứng chịu bão lũ khốc liệt, nên dự báo nhu cầu lúa gạo sẽ tăng mạnh. 

Là nước xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu, nhưng Việt Nam vừa xem đây là cơ hội để mở rộng thị trường gạo, vừa lo lắng với ẩn họa thiên tai nên buộc phải có kế sách đảm bảo an ninh lương thực.

Vì thế Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững; trong đó có đặt ra mục tiêu sản xuất hơn 43 triệu tấn lúa/năm.

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nói về việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, ông tỏ bày rằng “mỗi tin tức về giá cả, dự báo đều gắn với nỗi thấp thỏm, lo âu hay niềm vui của bà con dày công làm nên hạt lúa, hạt gạo”.

Rõ ràng khi thị trường gạo thế giới biến động nguồn cung thì nhu cầu tăng, là thời cơ cho Việt Nam xuất khẩu gạo, nhưng ta cũng cần thực hiện cam kết có trách nhiệm với nền an ninh lương thực chung, góp phần bình ổn thị trường cả nội địa và quốc tế.

Có thể hiểu là dù đẩy mạnh xuất khẩu nhưng sản lượng gạo vẫn có giới hạn nhất định trong cán cân giữa thương mại và dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực. Theo dự báo của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, sản lượng cao nhất Việt Nam có thể xuất khẩu trong năm 2023 ở mức khoảng 8 triệu tấn gạo, thu được khoảng 4,2-4,4 tỷ USD (kỷ lục cao nhất từ trước đến nay). 

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, thì quan trọng không kém là phải quan tâm các vấn đề để phát triển bền vững. Đó là nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo, để thương hiệu giá trị gia tăng nhiều hơn.

Đó là giữ vững diện tích trồng lúa trước biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt với hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa bão và khô hạn trái mùa, xâm nhập mặn sâu ở các vựa lúa lớn. Đó là điều chỉnh quy hoạch sao cho đô thị hóa không làm mất diện tích đất màu mỡ cần phải có cho sản xuất nông nghiệp, đất lúa. Đó là khắc phục tình trạng bỏ hoang hóa nhiều vùng “bờ xôi ruộng mật”…

Quảng Nam tuy không phải là tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, nhưng việc đảm bảo an ninh lương thực cũng phải quan tâm. Trong điều kiện bình thường thì cân đối chung của dự trữ quốc gia và thị trường sẽ không đến nỗi gây thiếu hụt cho tiêu dùng, nhưng khi dịch bệnh, thiên tai địch họa, địa bàn bị chia cắt, thì sẽ phải cần đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Vậy nên một diện tích trồng lúa nhất định cần được giữ trong quỹ đất sản xuất.

Hơn nữa, tập quán ẩm thực của người dân xứ Quảng với những giống lúa gạo làm nên thương hiệu trong các đặc sản bản địa cũng cần duy trì và phát triển, như là một phần hồn cốt không thể thiếu của vùng đất.

Kinh nghiệm qua các cuộc khủng hoảng thiếu lương thực, từ dịch COVID-19, đến sự tác động gay gắt do biến đổi khí hậu và thiên tai, rồi chao đảo của thị trường, nên cần giữ trụ đỡ nông nghiệp, hãy quý hạt gạo như là hạt ngọc của trời và của đời!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạt gạo, trong những cơn chao đảo...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO