Hạt gạo từ cánh đồng Chuôr

Phương Giang 12/02/2013 15:40

Trên độ cao 1.260m so với mực nước biển, cánh đồng Chuôr ở xã A Xan, Tây Giang hút mắt khách phương xa với màu xanh ngăn ngắt, đẹp lạ lùng giữa đồi núi trập trùng. Hạt gạo được làm ra trên một nơi được mệnh danh là “cổng trời” này đã cho người Cơ Tu  ấm no thêm cái bụng.

Cánh đồng Chuôr được người Cơ Tu miệt mài tạo lập cả trăm năm, giờ đây trải dài giữa thung lũng Arầng, bao bọc con sông Koo’l như dải lụa mềm vắt quanh những thửa ruộng bậc thang. Già làng Bling Lấp (thôn Arầng 1, xã A Xan) kể lại: “Từ đời cha, đời ông của già đã có cái ruộng này rồi. Cái ruộng này nuôi dân bản từ bao đời nay, chiến tranh thì nuôi bộ đội đánh giặc, hòa bình thì nuôi dân bản ấm no, không còn lo cái đói nữa”.

Vẻ đẹp của ruộng bậc thang Chuôr ở xã A Xan, Tây Giang. Ảnh: Phương Giang
Vẻ đẹp của ruộng bậc thang Chuôr ở xã A Xan, Tây Giang. Ảnh: Phương Giang

Thêm những mùa vàng

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã A Xan Pơloong Anhiết, chúng tôi  men theo những chân ruộng bậc thang. Lúa, mạ lên xanh rì những khoảnh ruộng. Chuôr là cánh đồng lúa nước rộng nhất ở Tây Giang, với hơn 80ha trong tổng số hơn 100ha tổng diện tích lúa nước ở toàn xã. Trong những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng 649, diện tích và năng suất lúa nước không ngừng được tăng lên. Không chỉ được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm bón, nhiều cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng còn xuống tận nơi giúp dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, phát triển diện tích lúa nước. Mới đầu chỉ 1 vụ/năm, rồi tiến đến  làm 2 vụ, năng suất đạt trung bình 3, 4 tấn/ha. Mỗi mùa vàng, hạt lúa được gánh về phơi ở sân gươl, phơi khắp trong làng, xua tan nỗi lo mùa giáp hạt ở vùng cao. Chị Zơrâm Thị Mứu (xã A Xan), phấn khởi : “Nhà mình mỗi vụ gieo 3 ang lúa giống ba trăng, thu về hơn gần 300 ang thóc. Một năm hai vụ, đủ cho cả nhà ăn, đất rẫy chỉ trồng nếp và bắp là chủ yếu. Dư lúa bán để mua sách vở cho con đi học, rồi để nuôi con heo, con gà nữa” .

Cánh đồng Chuôr trở thành biểu tượng của sự ấm no, của vẻ đẹp vùng biên, niềm tự hào của bà con Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang. Ngày 24.12.2010, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã ký quyết định (số 4334/QĐ-UBND) xếp hạng ruộng bậc thang Chuôr, thôn Arầng, xã A Xan, huyện Tây Giang, là danh thắng cấp tỉnh.

Anh Đoàn Việt Anh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng 649, chia sẻ: “Lúc đầu, bà con còn làm lúa nước theo phương pháp truyền thống, không chăm sóc kỹ, lại chỉ làm một vụ, năng suất không cao, hay bị sâu bệnh. Cán bộ đồn phải xuống thôn, xuống bản vận động, nhưng khi phát phân bón, phát thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc thì bà con nhất định không dùng vì ngại…“bẩn lúa, bẩn gạo, không ăn được”. Thuyết phục, vận động, rồi đứng ra làm thí điểm cho vài hộ, người dân mới tin, mới nghe theo, làm theo.”

“Sướng cái bụng!”

A Xan giờ đã có đường ô tô lên xã, nên xe chở hàng hóa, thực phẩm có thể lên phục vụ cho bà con. Những bản làng chuyển về khu tái định cư tập trung, trông xa như những chiếc mâm xôi khổng lồ với nhiều nóc nhà quây tròn quanh gươl. Thôn Agrí’h là một trong những “chiếc mâm” được hình thành sớm nhất, với những ngôi nhà gỗ khang trang, mái lợp tôn kiên cố. Có khách lạ, ông Pơloong Tuấn, người dân trong thôn vồn vã mời khách ghé thăm nhà, hứng khởi khoe: “Hồi trước ở nhà lợp tranh thôi, cũ lắm. Sau nhờ có đồn biên phòng hỗ trợ, bà con trong bản giúp đỡ làm cái nhà ni để ở”. Chúng tôi hỏi “Có năm nào đói, thiếu ăn không”, ông Tuấn xua tay, cười: “Dư gạo, dư thóc, bán cho đồn biên phòng”.

Chuyện bà con thôn Agrí’h làm lúa nước dư ăn, dư để, còn có thể mang bán cho Đồn Biên phòng đã trở thành niềm tự hào của A Xan trong mấy năm trở lại đây. Thượng tá Dương Phúc Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng 649 cho biết: “Có được điều đó là rất nhiều công sức của bà con dân bản, của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng suốt nhiều năm sát cánh với dân. Những ngày đầu, đồn phải đi “xin” từng mảnh ruộng để làm “trình diễn” cho dân. Còn bây giờ, giữa thung lũng là những ruộng bậc thang xanh bạt ngàn”. Dư ăn, dư để, bà con mang bán cho Đồn Biên phòng, có thêm tiền mua sắm đồ đạc trong nhà, mua sách vở cho con cái, vừa giúp Đồn Biên phòng đỡ phải vận chuyển gạo suốt mấy chục cây số từ trung tâm huyện. Già làng Zơra, thôn Agrí’h, vui mừng kể: “Dân làng Agrí’h  giờ có cái nhà chắc chắn, đẹp đẽ để ở, có cái làng sạch sẽ, rộng rãi để dựng gươl, có cơm gạo ăn quanh năm mà không sợ đói”.

Chỉ tay về phía mảnh ruộng của nhà mình, anh Zơrâm Cung, một “mối gạo” quen của Đồn Biên phòng bộc bạch: “Hồi đầu chỗ ruộng nhà mình toàn ụ đất, ụ mối, nhìn cũng ngán. Cán bộ biên phòng xuống giúp mình làm ruộng, rồi còn cho giống, cho phân bón, bày cho cách trồng và chăm sóc lúa mới có cái ruộng xanh quanh năm. Lúa gạo dư ăn, còn chất trong kho kìa. Khi nào cần việc gì, cứ đem lúa, đem gạo ra bán cho Đồn Biên phòng, khỏe lắm, sướng cái bụng!”.

Giữa vùng biên yên bình, những mảnh ruộng bậc thang vắt quanh hai bên con đường ngoằn ngoèo cứ thế trải dài. “Sắp tới, xã A Xan sẽ ký cam kết không nhận gạo cứu đói của Nhà nước. Gạo làm dư ăn, mang bán, có đói đâu mà xin cứu đói. Đất Tây Giang, người Tây Giang sống bằng hạt gạo vàng Tây Giang” - ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang tự hào nói với chúng tôi trên hành trình trở về từ cánh đồng Chuôr xanh màu no ấm.

Phương Giang

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạt gạo từ cánh đồng Chuôr
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO