Hạt giống gieo từ cơ sở

HÀN GIANG 01/09/2015 08:49

Dù mới bước đầu tiếp cận công việc, nhiều học viên đề án Tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (Đề án 500) của tỉnh đã phát huy tốt trình độ chuyên môn, năng lực công tác. Đến nay, Ban điều hành Đề án 500 đã tổ chức xét tuyển 4 khóa với tổng số 520 học viên. Kết thúc 3 khóa đào tạo, có 100% học viên tốt nghiệp, trong đó có 171 học viên đạt loại giỏi, 241 học viên đạt loại khá. Kết quả đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 51 cán bộ diện Đề án 500 trúng cử vào ban chấp hành; có 1 người trúng cử vào ban thường vụ; 5 người được bố trí giữ chức danh phó chủ tịch UBND xã... Nhân hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án 500 giai đoạn 2011 - 2016 do UBND tỉnh vừa tổ chức, Báo Quảng Nam có các cuộc trao đổi với những người có liên quan nhìn nhận rõ hơn hiệu quả của đề án.

Ông Lê Tấn Vĩnh - Trưởng phòng Nội vụ TP.Tam Kỳ:

“Ý thức trách nhiệm cao với nhiệm vụ được giao”

Thực hiện Đề án 500, TP.Tam Kỳ đã tuyển chọn 29 ứng viên (khóa 1 có 17 học viên, khóa 2 có 12 học viên). Sau khi kết thúc các khóa đào tạo, UBND thành phố đã tiếp nhận, bố trí và phân công 29 học viên về công tác tại 13 xã, phường. Trong đó, bố trí chức danh cán bộ chuyên trách đối với 4 học viên (gồm: chủ tịch ủy ban mặt trận, chủ tịch phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên); bố trí chức danh công chức đối với 15 học viên, phân công chức danh không chuyên trách đối với 10 học viên. Riêng đối với các chức danh không chuyên trách, để các học viên yên tâm công tác và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời thực hiện đảm bảo chế độ chính sách theo quy định, UBND thành phố đã hợp đồng lao động tại các phòng ban chuyên môn của thành phố sau đó phân công về công tác tại các xã, phường.

Ban điều hành Đề án 500 của tỉnh tổ chức sát hạch lựa chọn ứng cử viên cho khóa IV vào tháng 5.2015.  Ảnh: HÀN GIANG
Ban điều hành Đề án 500 của tỉnh tổ chức sát hạch lựa chọn ứng cử viên cho khóa IV vào tháng 5.2015. Ảnh: HÀN GIANG

Nhìn chung, học viên Đề án 500 về công tác tại các địa phương thời gian qua có tinh thần nghiêm túc trong công việc và giao tiếp, ứng xử với nhân dân; ý thức trách nhiệm cao với nhiệm vụ được giao. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 17 cán bộ diện Đề án 500 được đưa vào quy hoạch dự nguồn chức danh chủ chốt tại các địa phương. Tại đại hội đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 7 cán bộ từ đề án được bầu vào cấp ủy; 2 trường hợp được giới thiệu nhân sự bầu bổ sung vào ủy viên ban thường vụ đảng ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 và phó chủ tịch UBND nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ông Trịnh Ngọc Hòa - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Đại Lộc:

“Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cơ sở”

Thời gian qua, Đại Lộc xác định triển khai thực hiện tốt Đề án 500 là bước đệm quan trọng trong tạo nguồn cán bộ trẻ để quy hoạch, bổ sung vào các chức danh chủ chốt cho Đảng, chính quyền của 18 xã, thị trấn và của huyện. Vì vậy, công tác xét tuyển được thực hiện nghiêm túc, đã tuyển chọn 36 chỉ tiêu được giao và được tỉnh thống nhất bổ sung thêm 2 chỉ tiêu. Sau đào tạo, được bố trí về công tác tại địa phương, các học viên đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, khắc phục khó khăn, làm quen với công việc được phân công và bước đầu đã có những đóng góp nhất định. Hầu hết học viên về công tác phát huy được trình độ chuyên môn và kỹ năng được bồi dưỡng, hoàn thành tốt công việc được giao. Một số công chức tiếp cận nhanh và đảm đương được nhiệm vụ, tạo ra hướng chuyển biến tích cực so với cách làm việc trước đây, thúc đẩy phong trào của địa phương phát triển, góp một phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức năm 2014, có 100% số công chức là học viên Đề án 500 khóa I, khóa II được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Học viên Nguyễn Thành Đạt (xã bình dương, Thăng Bình):

“Vận dụng tốt kiến thức đã học vào thực tiễn công tác”

Sau khi được UBND huyện Thăng Bình phân công về nhận công tác tại UBND xã Bình Dương, tôi được bố trí vào chức danh công chức mảng văn hóa - xã hội, phụ trách công tác LĐ-TB&XH. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do còn mới mẻ, chưa nắm vững các văn bản quy định trong lĩnh vực được phân công nên bước đầu còn lúng túng. Nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng của bản thân, sự giúp đỡ nhiệt tình các anh chị đồng nghiệp đi trước, tôi từng bước làm quen với công việc, vận dụng tốt các kiến thức đã học vào thực tiễn công tác tại địa phương, hoàn thành tốt công việc được giao. Vào tháng 9.2014, tôi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã. Là thủ lĩnh thanh niên, tôi luôn ý thức về trách nhiệm được giao, phấn đấu học hỏi, nghiên cứu các văn bản, chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác đoàn. Đồng thời luôn tranh thủ ý kiến các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn cấp trên và phối hợp tốt với mặt trận, các đoàn thể ở địa phương nhằm xây dựng tổ chức đoàn ngày càng vững mạnh. Tháng 5.2015, tôi được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Học viên Nguyễn Ngọc Kim Cương (xã Sông Trà, Hiệp Đức):

“Phấn đấu khắc phục các mặt còn hạn chế”

Tốt nghiệp khóa học, tôi được phân công công tác tại UBND xã Sông Trà, phụ trách lĩnh vực văn phòng và cải cách hành chính. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, tôi đã từng bước tiếp cận tốt công việc. Khi tôi mới về nhận công tác thì việc lưu hồ sơ của UBND xã còn thô sơ, chủ yếu lưu trong kẹp ba dây, còn lộn xộn và thiếu khoa học. Cơ chế “một cửa” chưa được triển khai. Dưới sự hướng dẫn của Phòng Nội vụ huyện Hiệp Đức, tôi mạnh dạn tham mưu cho UBND xã chỉ đạo sắp xếp lại hồ sơ lưu theo từng loại, từng năm, lập danh mục hồ sơ và lưu trong hộp đựng hồ sơ đúng theo quy định.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang:
“Nguồn cán bộ kế cận có tính lâu dài của tỉnh”

Khác với Đề án 600 của Bộ Nội vụ, Đề án 500 của tỉnh đặt ra mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực, giỏi chuyên môn cho cơ sở. Vì vậy, người cán bộ được đào tạo từ đề án luôn sẵn sàng tâm thế gắn bó lâu dài với các địa phương để cống hiến. Qua đánh giá cho thấy các học viên sau khi được đào tạo, bố trí về địa phương công tác, đã phát huy được năng lực, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; nhiều trường hợp được tín nhiệm bầu vào cấp ủy, đảm nhiệm các vị trí chủ chốt tại địa phương… Các học viên thuộc Đề án 500 là nguồn cán bộ kế cận có tính lâu dài của tỉnh. Đây là những hạt giống ưu tú đã được gieo trồng trên mảnh đất cơ sở, vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần chú trọng quan tâm “nuôi dưỡng”, tạo điều kiện cho cán bộ diện Đề án 500 cống hiến, rèn luyện, trưởng thành.

Từ công tác tham mưu, lãnh đạo UBND xã đã tạo điều kiện bố trí phòng làm việc của bộ phận “một cửa”, bố trí nơi tiếp công dân, từ đó công dân đến liên hệ công việc được dễ dàng hơn. Qua gần 3 năm công tác, kết quả đánh giá học viên Đề án 500 vào tháng 4.2014 tôi được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, cùng với những nhận xét chân thành, thẳng thắn của đồng nghiệp, tôi nhận thấy bản thân vẫn còn một số hạn chế và phấn đấu khắc phục trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Học viên Đinh Thị Hồng Hà (xã Trà Giáp, Bắc Trà My):

“Tập trung làm tốt công tác tham mưu”

Trong 2 năm qua, tôi được phân công công tác ở lĩnh vực địa chính - xây dựng - nông nghiệp - môi trường, và phụ giúp một số công tác khác theo sự phân công của lãnh đạo UBND xã. Ngày đầu nhận nhiệm vụ, là cán bộ nữ nên tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác. Được sự quan tâm chỉ đạo của đảng ủy, UBND xã, sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp huyện và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, tôi đã phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Do địa hình vùng núi cao phức tạp, người dân sống rải rác ở các nóc, phần lớn nhân dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với thực tiễn đó, tôi xác định phải tập trung tham mưu và thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, bảo đảm người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Tôi phối hợp với đồng nghiệp thực hiện đo đạc, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, đơn vị theo đúng quy định, đạt chỉ tiêu huyện giao. Đồng thời hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp liên quan đến nguồn gốc đất. Trong lĩnh vực quản lý môi trường, tôi đã mạnh dạn tham mưu lập kế hoạch tổ chức tuyên truyền và phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường và đất đai tại các thôn...

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạt giống gieo từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO