Cộng hòa Pháp chính thức công nhận “Những người lính thợ Đông Dương” có công khai sáng nền văn minh lúa nước, biến vùng Camargue nghèo nàn trở nên giàu có. Một tượng đài tưởng niệm đã được khánh thành tại Salin-de-Giraud, nhưng dường như vẫn còn đó nỗi khoắc khoải, day dứt khôn nguôi của con cháu người nhập cư về cố hương…
Vùng lúa Camargue
Thành phố Arles hiện ra trong nắng vàng ươm miền Nam nước Pháp sau bốn giờ tàu tốc hành TGV từ Paris đến. Sự khác biệt của thủ phủ Camargue không chỉ là gió mistral luồn lách, cuộn lên những đám lá khô xào xạc qua những con phố nhỏ đầy nhà cổ một chiều ngoằn ngoèo hay con đường im lìm đến mức nghe cả tiếng bồ câu gù nhau bên cửa sổ mà các tỉnh lộ nối Saintes-Maries de-la-Mer, Salin-de-Giraud chạy giữa những cánh đồng muối trắng và lúa xanh rì.
Cánh đồng Camargue. |
Dân địa phương nói Camargue nổi tiếng nhờ lúa gạo, nhưng không mấy ai biết được ngọn nguồn của sự trù phú này. Lễ hội lúa gạo hàng năm vào tháng 9 cũng không ai nhắc tới vai trò của người Việt. Mãi đến năm 2009, khi Actes Sud xuất bản cuốn Immigrés de force – Les travailleurs indochinois en France (1939 – 1952) (Cưỡng bức nhập cư – Những người lính thợ Đông Dương tại Pháp) của nhà báo tự do Pierre Daum và chính quyền Arles tổ chức lễ tôn vinh 9 người lính thợ còn sống, người ta mới biết đến một sự thật đã được chôn giấu suốt 70 năm qua. Cuốn sách mô tả một số người đã từng thử trồng lúa ăn được nhưng chẳng mấy chốc đã bỏ cuộc và không còn mảnh đất nào được gieo trồng ở Camargue kể từ năm 1939. Cây lúa chỉ thực sự xuất hiện từ mùa thu năm 1941, khi những phân đội “lính thợ” trong số 20.000 người bị cưỡng bức nhập cư được gửi tới 20 thôn trang vùng Camargue trồng lúa và muối. Kinh nghiệm truyền thống cha ông đã giúp những người lao động Đông Dương thành công ngay vụ lúa đầu tiên. Vào tháng 9.1942 đã có 800 tấn lúa chất lượng cao chính thức được thu hoạch. Vùng Camargue đã mở rộng từ 400ha lên 32.000ha ruộng lúa năm 1950. Lúa gạo đã giúp nước Pháp trải qua giai đoạn khó khăn thiếu lương thực trong Thế chiến thứ II. Nhiều người dân Camargue đã trở thành điền chủ giàu có từ vài mẫu ruộng khi hạt gạo thời ấy là vàng (1kg gạo đổi được 50kg xi măng). Ngày nay, vùng này có đến 20.000ha với sản lượng 110.000 tấn lúa, cung cấp 75.000 tấn gạo trắng mỗi năm.
Hậu duệ những người lính thợ chụp ảnh lưu niệm với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp nhân năm Việt Nam - Pháp 2014. |
Camargue hiện lưu giữ một bảo tàng lúa ở khu Rizerie du Petit Manusclat 13200 Arles với dòng chữ ngay từ cửa vào: “Không có lúa, không có vùng Camargue ngày nay”. Trên đường nối Arles tới Salin-de-Giraud còn có một bảo tàng tư nhân lập năm 2000 trong một nhà kho lớn trên thôn trang Sambuc nhắc nhớ vai trò của người Việt trong vụ lúa Camargue khi chú thích dưới bức ảnh những người đang cấy lúa: “Những người nông dân Việt Nam đã vui sướng lập lại những cử chỉ truyền thống và mang lại kinh nghiệm thành công do ông cha để lại cho ruộng lúa Camargue”.
Một tượng đài kỷ niệm những người lính thợ Đông Dương bằng thép cao 1,8m, đặt trên bục đá cao 1m, bia khắc song ngữ Pháp - Việt do họa sĩ, cựu lính thợ Lê Bá Đảng thiết kế hiện đại và sống động vừa khánh thành tại Salin-de-Giraud ngày 5.10.2014. Công lao khai sinh vùng lúa nước Camargue của những người lính thợ Đông Dương đã được Cộng hòa Pháp ghi nhận. Thị trưởng thành phố Arles Hervé Schiavetti – một đảng viên cộng sản xác nhận những người lao động Đông Dương đã đem đến cho nước Pháp kỹ thuật trồng lúa nước của người Việt. Ông nói trước khi trao huy chương cho 9 người lính thợ còn sống tại Pháp ở buổi lễ tôn vinh ngày 10.12.2009: “Các ông đã đem lại cho vùng đất này sự giàu có. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn vì điều đó. Đây là sự thừa nhận dù chậm trễ nhưng thật lòng và đích thực”. Bộ trưởng cựu chiến binh Pháp Kader Arif nói: “Sự hiện diện của họ đã tạc hình lãnh thổ nước ta. Họ đã để lại đó một phần linh hồn của họ. Đặc biệt đó là trường hợp của tỉnh Bouches-du-Rhône và vùng Camargue, nơi những người lao động này đã thúc đẩy và truyền đạt kỹ thuật trồng lúa”.
Tượng đài kỷ niệm lính thợ Đông Dương được khánh thành tại Salin-de-Giraud (Camargue) ngày 5.10.2014. |
Vọng cố hương
Claude quyết định rời thành phố Lyon về Salin-de-Giraud dựng nhà. Nhiều người không hiểu điều gì đã đưa đẩy anh bỏ thành phố giàu có này để đến định cư tại vùng đất đầm lầy nước mặn vốn còn nhiều khó khăn và hẻo lánh như Salin-de-Giraud. Một mối quan hệ khắng khít nào đó với con người hay kỷ niệm? Không phân tích hay biện giải, đơn giản với Claude, nơi ấy anh em ông đã được sinh ra và cha ông là người duy nhất (trong số 1.000 người ở lại Pháp) chọn Salin-de-Giraud để sống.
Không phải ai cũng có được cái may mắn như anh em nhà Claude gặp được cố hương về một xứ Lang Châu, tổng Mậu Hòa, Quảng Nam cũ, dù chỉ để đặt chân lên mảnh đất ngày xưa cha ông đã sống. Hầu hết con cháu của 1.000 người lính thợ ở lại Pháp đã không được cha ông họ kể về chuyến ly hương và những năm tháng đầu tiên sống trong các trại tập trung ở chính quốc. Ngày chính quyền Arles tuyên dương công trạng cho những người lính thợ, rất nhiều người mang theo tư liệu hoặc những tấm ảnh ngày xưa còn sót lại, không chỉ để chia vui và còn tìm hiểu gốc gác cha mình. Cái câu hỏi ta đến từ đâu trong ngờ ngợ con mắt lạ, còn lửng lơ trên những cánh đồng, ngả đường nước Pháp. Họ chỉ biết cái quê xứ Đông Dương xa xôi ấy đã phập phù trên môi những người cha trong cuộc chuyện trò trên xứ người. Đời này qua đời khác, tên những người trong dòng tộc, tên làng, tên xứ đã mai một, rơi rớt dần, liệu có còn ai biết được? Có còn chỗ cho họ tìm về quê nội, cố hương và có được thừa nhận là một người Việt Nam xa xứ, khi trong huyết quản họ có đến 50% dòng máu Việt đang chảy? Hay các thế hệ sau này vẫn còn mang trong khai sinh mình những họ Việt như Lê, Nguyễn, Trịnh, Phạm…
Cộng hòa Pháp đã vinh danh. Quốc kỳ Pháp và Việt Nam cùng tung bay trong gió trong ngày khánh thành tượng đài cấp quốc gia (5.10.2014), tôn vinh lính thợ trước sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao nước Cộng hòa Pháp và đại diện Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã như là sự công khai thừa nhận từ hai quốc gia rằng những con người ấy thực sự là nạn nhân của chế độ thực dân thuộc địa trong quá khứ. Giờ đây, nhiều người đã kịp vứt hết những nỗi buồn xuống dòng sông nước Pháp để vĩnh viễn ra đi. Ngay cả tượng đài kỷ niệm cũng thể hiện góc nhìn hết sức nhân văn khi chọn biểu tượng người nông dân vác cuốc ra đồng trong tư thế tươi vui như ở quê hương, không phải là tư thế cùng khổ, nô lệ trên xứ người. Một hiệp hội tưởng niệm người lao động Đông Dương kết nối con cháu lính thợ ra đời với nỗi day dứt làm thế nào để tập hợp con cháu những người lao động Đông Dương!
Lịch sử Việt Nam dễ nhận ra những cuộc di dân, di cư, di tản – dù bất kỳ lý do gì, quy mô nào, không chỉ xa lìa mà còn có những mang theo. Bỏ qua những góc nhìn xã hội, chính trị, đằng sau những nổi trôi theo dòng đời lịch sử, thời gian, hình ảnh những hạt giống nhập cư ấy lại mang thêm những giá trị khác biệt và trở thành cầu nối, phương tiện hòa bình ngày càng rõ hơn trên thế giới như một ngôi làng toàn cầu...
TRỊNH DŨNG