Hát kiến tại ở Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 22/10/2019 10:14

Những câu hát trình bày sau đây được chép lại từ ký ức của một số lão ông bà lão sống hồi giữa thế kỷ 20 ở vùng ven các nhánh sông ở Tam Kỳ. Chúng tôi chọn một số câu riêng biệt, tiêu biểu cho lối hát kiến tại từng phổ biến ở địa phương nói trên.

Sông Bàn Thạch (Tam Kỳ). Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Sông Bàn Thạch (Tam Kỳ). Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Lối hát xưa

Như ở nhiều vùng khác khắp Quảng Nam xưa, lối hát bộc bạch tình cảm hoặc tự sự, đặc biệt là hát đối đáp rất thịnh hành trong dân gian, được hình thành trong bối cảnh canh tác và sinh hoạt nghề nghiệp đặc thù của từng địa phương.

Ở vùng ven các nhánh sông Tam Kỳ, hoạt động sản xuất, thu hoạch quy tụ nhiều người tham gia là mùa cấy tháng mười, mùa thu hoạch đậu phụng tháng ba, mùa cào hến và mùa hái dâu trải dài từ cuối xuân đến hết hè… Vào mùa cấy lúa tháng mười để tháng ba thu hoạch, chủ ruộng ở các làng Vĩnh An, Tịch Đông, Phú Hưng, Tam Kỳ, Mỹ Thạch, Phương Hòa… phải nhờ thêm “nậu cấy” từ các làng ở vùng cát phía đông qua giúp cho kịp thời vụ. “Bọn nậu” ấy, từ tờ mờ sáng đã đi đò qua sông Quảng Phú, Bàn Thạch, Kỳ Phú… lên cấy thuê đến tối mịt mới về.

Để thêm vui trong công việc đều đều, nhiều cô trong bọn cấy đã gióng lên những câu hát thách đối được lưu truyền từ xưa. Đối lại họ, các câu hát đáp - cũng có từ xưa được cánh đàn ông nhổ mạ, hoặc cũng có thể là chính do các cô đang cấy ở các thửa ruộng gần đó họa lại. Cứ thế, xướng qua đối lại. Nhiều cô thông minh và tinh nghịch còn ứng tác thêm tại chỗ nhiều câu hóc hiểm khiến người hát đáp nát óc suy nghĩ làm sao tìm câu đối lại cho hay.

Cách hát đối kiến tại (kiến: đặt ra, tại: tại chỗ) ấy còn gặp ở những đêm tập trung rứt đậu (ngắt củ đậu phụng khỏi thân cây đậu) hoặc những buổi giã đậu ép dầu, những đêm cào hến hay ở những buổi sáng hái dâu trên những nà đất bồi ven sông… Kiến tại không chỉ thể hiện trong đối đáp, nhiều khi còn “tức cảnh sinh tình” để bày tỏ tâm sự, tình cảm riêng tư. Hát đối (còn gọi là hát nhơn ngãi) vận dụng lối kiến tại rất được ưa chuộng trong các buổi hát hội đêm trăng, khi “bọn hát đàn ông” đến đối đáp tại các sân rứt đậu, bộng giã dầu, bãi cào hến tập trung nhiều phụ nữ ở làng khác.

Mấy câu kiến tại còn truyền

Không phải câu xướng kiến tại nào cũng được ứng tác tức thời và được đáp lại ngay. Có khi câu xướng được nghĩ ra trước đó khá lâu và phải đến mấy buổi sau, khi tìm được các người giỏi chữ gà bài, mới có được câu đáp lại. Mấy câu hát còn truyền làm ví dụ sau đây chưa thấy có câu đáp lại:

- “Gặp bạn đây kiến hỏi bạn liền/ Bốn quan năm bằng sáu ang rưỡi lúa, hỏi mấy tiền một ang?/ Khuyên cùng ai tỏ lại cho rõ ràng/ Rồi đây em mới tính lập cái đàng dài lâu/ Sông Ngân: ô thước bắc cầu/ Rồi đây em hỡi (hãy) trao câu ân tình”.

- “Gặp bạn đây kiến hỏi vài câu/ Ai mà xe chỉ bắc cầu cho kiến đi/ Ai mà lên núi tìm kỳ/ Ai mà xuống biển tìm vi con cá hồng/ Ai mà đem mả chôn sông/ Ai mà nhổ lúa lên đồng phơi khô/ Ai mà cầm quạt quạt mồ/ Ai mà giữ một bầy dê trắng trên núi đơn cô một mình/ Ai qua bên ải đoạn tình/ Nói cho ta biết chung tình ngàn năm”.

- “Gặp bạn đây kiến hỏi bạn đây/ Nam kỳ lục tỉnh, Bắc kỳ lục tỉnh mất về (bọn) Tây mấy phần/ Huyện Hà Đông thượng chí hạ hà dân (có bao nhiêu dân -NV)/ Ông Thành Thái đâu mất bỏ ông Duy Tân một mình/ Trời ơi trời ở không minh/ Cha với con còn xa biệt huống chi hai đứa mình chẳng xa!”.

- “Con sướu (sáo) qua sông xù lông ướt cánh/ Ta đây chưa từng biển thánh rừng nho/ Gặp ba trò kiến hỏi ba trò/ Chìa hư khóa gãy ai phò mở rương/ Gặp người thương khiến hỏi người thương/ Ai mà đón ngựa ông Võ quân vương giữa đàng?”.

Cũng có những câu đối lẫn đáp đầy đủ, thú vị, đậm dấu ấn chữ nghĩa nhà Nho:

- Nữ: “Phu thê cang hề Phụ tử cang! Tam cang giả/ Qua chiếc đò đầy sóng tỏa vừa ba/ Thiếp hỏi chàng là cứu thiếp hay cứu mẹ, cứu cha hở chàng?”. Nam: “Quân sư phụ tiêu đầu nhứt lý/ Phụ sự quân mược ý lòng ta/ Liều mình đánh chiếc thuyền ba/ Trước vớt quân sư phụ sau ra cứu nường/ Cứu rồi đi khúc đường xa/ Xây lưng ngó lại phu đà gần thê/ May chi anh cứu đặng một bề/ Anh cứu không đặng ắt phu thê chết chìm”.

- Nữ: “Chữ chi mà chôn xuống đất/ Chữ chi mà cất lên trang/ Chữ chi mà mang không nổi/ Chữ chi gió thổi không bay/ Đố anh đối đặng ngửa tay em cho trầu!”. Nam: “Chữ đề bia đem chôn xuống đất/ Chữ liễn thẻ đem cất trên trang/ Chữ cữu (cối) là mang không nổi/ Chữ thạch (đá) gió thổi không bay/ Đây anh đà đối đặng thì em phải về ngay với anh liền!”.

Lại có những câu đậm chất dân dã, thô mộc, tinh nghịch và đầy tính trào lộng:

- Nam: “Em đừng có trau tria cái lỗ miệng cho vuông tròn/ Dạ như con ốc nổi (ốc đã chết - NV) vỏ còn ruột không”. Nữ: “Đít đây hút thử một con/ Kẻo mà bạn nói vỏ còn ruột không!”.

- Nữ (khoe khoang chọc tức): “Nhà tui thức ăn dùng mâm son bát sứ, đôi đũa ngự bịt mun/ Lấy lồng bàn đậy lại, hỏi con ruồi chun chỗ nào?”. Nam (độc địa, sâu cay): “Ruồi bước đi nó cậy muỗi mấy con/ Để con muỗi vô trước, con ruồi lòn rúc vô/ Những đồ châu báu các cô ít nhiều/ Nó ăn nó phá cho tiêu/ Để coi châu báu ít nhiều chừng mô/ Ăn rồi nó xây đít địt vô/ Để sinh con dòi bằng cán rựa/ Cho các cô hết (nói) tài”.

Đặc điểm hát kiến tại ở Tam Kỳ xưa

Ở vùng này, khá nhiều câu hát kiến tại có kết cấu âm vận không theo lối thông thường: Nhiều chỗ đáng ra phải hát bằng vần bằng thì lại chuyển sang vần trắc đột ngột hoặc ngược lại. Nhiều câu hát lục bát, hoặc lục bát có chen các hư từ làm đậm thêm ngữ điệu đã không tuân theo nhịp 6/8 thông thường mà lại biến thể. Nhiều chỗ gieo vần ở vị trí trái với quy định. Xin trích một đoạn trong một bài hát nổi tiếng ở vùng ven các con sông Tam Kỳ và Bầu Bầu làm ví dụ:

“Hai tay cầm bốn trái bòng/ Mượn dao không được trong lòng sững sờ/ Làm chi kẻ phỉnh người phờ/ Thò tay vô lờ đó dại một khi/ Đó dại một lần/ Khoai lang củ sượng củ sần/ Là anh củ từ/ Anh thương em đặng tám tháng dư/ Ai xui trong dạ trả dư bốn tiền/ Gặp mặt nhau liên, gặp mặt nhau hoài/ Ai về nhắn với kẹo đai/ Có thương đậu phộng gởi hai tô đàng (đường)/ Xôi vò trong vịm ngoài vang/ Đến mai ra làng lận lấy bộ đồ/ Anh về chẻ tre đan bồ/ Đựng lấy đậu mèo/ Trồng trầu thả ngọn cheo leo/ Có thương thì đứng dưới, đừng có leo mà oằn/ Lít xít lăng xăng, lịt xịt lằng xằng/ Cha thấy cha la mẹ thấy mẹ rầy/ Trăng lu vì bởi chòm mây/ Hai đứa ta trắc trở vì dây cò ke/ Tay cầm đôi đũa so le/ Muốn so đôi nữa sợ e hai đôi/ Bậu có dại, bậu lăn xuống giếng bậu chết cho rồi/ Bậu chết mược bậu ta ngồi ta ngó/ Gió đưa trăng thời trăng đưa gió/ Quạt nọ đưa đèn, đèn có đưa ai/ Ống quyển dài khen ai khéo thổi/ Khéo bỏ giọng trầm nhiều nỗi trúc trắc/ Có thương thì thương cho chắc/ Đừng nói dục dặc qua nghe qua ghét…”.

Lý giải về điểm đặc sắc này, trong cuốn “Tam Kỳ qua sóng phế hưng” (NXB Văn Học, Hà Nội tháng 1.2012, tr. 283-284) ông Nguyễn Q.Thắng - một trong những người đầu tiên sưu tập hát đối ở vùng Tam Kỳ hồi đầu thập niên 1960 đã viết: “Các câu hát này không phải theo một lề luật nào nhất định mà theo nhu cầu của câu hát và sự cảm hứng, cũng như trong lúc bắt bẻ, nói chuyện với nhau để biểu hiện tâm hồn của họ. Điệu hát cũng có lúc lên trầm xuống bổng thấy được sự cương quyết của vấn đề họ muốn thổ lộ. Nhiều khi cả đoạn hát có giọng bình nhưng đến khi để bộc lộ một cái gì rắn rỏi, cương quyết thì họ bỏ ngay câu hát xuống giọng trắc để cho người nghe thấy được ý tình của mình một cách rõ ràng”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hát kiến tại ở Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO