Má tôi có 600m2 đất lúa, lâu nay vì bận buôn bán ở chợ nên giao cho người hàng xóm sản xuất và nhận mỗi năm 10 ang lúa để xay gạo ăn. Gần đây, việc bán buôn gặp nhiều trở ngại khiến má nản lòng rồi quyết định lấy lại ruộng làm. Hôm rồi, Tư tôi về thăm nhà, hỏi chuyện đồng áng thì má kể rằng, vụ đông xuân vừa qua gặt được 320kg lúa khô. Má hạch toán: “Với chừng ấy sản lượng, nếu bán lúa với giá 1kg là 5 nghìn đồng thì tổng giá trị thu về 1,6 triệu đồng. Trừ vốn đầu tư mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trả công cày bừa, dặm sạ, thu hoạch thì lãi ròng chỉ còn 650 nghìn đồng. Hơn 3 tháng trời cần mẫn chăm sóc nhưng chỉ lời ngần đó tiền là quá ít. Đúng là nhà nông mình vất vả thiệt. Làm ra đồng tiền chua như giấm nhưng chi phí lại quá lớn”.
Bữa cơm trưa dọn ra, khi cả nhà mới cầm đũa lên thì vị trưởng thôn xuất hiện, trên tay ông cầm một bì nhựa đựng mớ giấy tờ, biên lai. Ông đi thu phí. Má tôi đứng dậy lấy tiền nộp và nhận… xấp biên lai. Lướt xem, tôi thấy đủ loại phí, nào là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 54 nghìn đồng, quỹ tình thương 10 nghìn đồng, quỹ khuyến học 10 nghìn đồng, quỹ bảo trợ trẻ em 5 nghìn đồng, quỹ đền ơn đáp nghĩa 5 nghìn đồng… Vừa bưng chén cơm ăn, má tôi vừa thở dài: “Cách đây vài hôm, mấy ổng đã thu gần 140 nghìn đồng tiền công trổ nước và làm giao thông nội đồng, chừ lại tiếp tục thu. Không biết họ còn thu khoản chi nữa”. Sáng hôm sau, mẹ con đang ngồi tâm sự thì bác chi hội trưởng nông dân ghé nhà. Trên tay bác cũng cầm tập biên lai. Tôi nghĩ bụng, chắc lại thu phí. Đúng y chang, má tôi lật đật vào buồng lấy 10 nghìn đồng nộp cho bác về cái khoản quỹ hỗ trợ nông dân. Xế chiều, đến lượt cô tổ trưởng tổ phụ nữ kéo cửa cổng. Lần này, má tôi lại nộp 25 nghìn đồng quỹ hội. Má vừa xuống bếp thì ở nhà trên tôi nhận thêm cái phiếu thu hơn 16 nghìn đồng phí rác thải từ nhân viên công ty môi trường.
Tối sang nhà chú hàng xóm chơi, nhắc đến chuyện phí và lệ phí, chú liền lắc đầu: “Nói thiệt với cháu chứ hạt lúa cõng không nổi đủ loại phí ấy mô. Nhưng, đâu chỉ có phí, còn một thứ nữa mà mỗi lần nhận chú thấy lo, đó là cái giấy mời. Hết xã đến thôn, hễ tổ chức văn nghệ, đá banh, bóng chuyền là họ đánh giấy mời. Bao giờ cũng vậy, phần cuối của mấy cái giấy mời ấy thường ghi rằng, sự có mặt của quý vị là niềm cổ vũ, động viên to lớn đối với phong trào ở địa phương. Mà, cổ vũ, động viên thì hẳn nhiên phải cầm tiền đi ủng hộ chứ chẳng lẽ mang cái mạng cùi”. Chú hàng xóm kể, nhiều lần nhận giấy mời, chú muốn đi xem văn nghệ, đá banh, bóng chuyền lắm nhưng vì bí tiền ủng hộ nên chú đành chấp nhận ở nhà. Chú nói: “Cháu biết không, tới mấy chỗ đó, ban tổ chức cứ đọc đi đọc lại danh sách những tấm lòng vàng. Chú nghèo, không đóng góp được, đứng nghe thấy chột dạ lắm”. Hôm qua, nghe kể, anh Tám Nông Nghiệp chậc lưỡi: “Quê chú Tư đất đai màu mỡ, nước tưới chủ động, mùa màng luôn bội thu mà hạt lúa còn cõng không nổi những loại phí và giấy mời đó thì nhà nông ở các vùng khó khăn chắc sẽ kêu dữ lắm!”.
TƯ RUỘNG