Tài hoa rất mực, nhưng sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ khiêm tốn nhận là người hát rong đi qua miền đất này “để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”.
Đêm nhạc lần thứ 5 tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tổ chức tại hồ Bán Nguyệt (Q.7, TP.HCM), với chủ đề Nối vòng tay lớn. Ảnh: Internet |
Cũng có lúc, cao hứng hơn một tí, ông muốn làm một hành giả đi qua cuộc đời này để tấu lên những ca khúc nói được những điều hư thực của cuộc sống, những buồn vui hạnh phúc và bất hạnh của đời người. Và trong tùy bút “Nỗi lòng của tên tuyệt vọng”, Trịnh Công Sơn viết: “Chúng ta đã đấu tranh. Ðang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi nguồn từ khước tước hiệu đó”.
Đã đành Trịnh Công Sơn khiêm tốn dường ấy rồi, nhưng khi vĩnh biệt một người tài hoa khác – Bùi Giáng – chúng tôi vẫn còn nhớ nhạc sĩ họ Trịnh lại tiếp tục… hạ thấp mình trước Trung niên thi sĩ trong một bài viết ngắn đăng tải trên báo. Bài viết ấy có đoạn ví Bùi Giáng như một hiền giả, còn nhạc sĩ chỉ là hòn đá cuội. “Anh đã mắng chửi tôi suốt một đời như một hiền giả đi qua cuộc đời này mắng chửi một hòn đá cuội”, Trịnh Công Sơn đã hé lộ tâm sự lớn chứ không chỉ dừng ở một dòng ai điếu đơn thuần khi hay tin Bùi Giáng tiên sinh qua đời, chuyện xảy ra hồi năm 1998.
Rất nhiều người viết về Trịnh Công Sơn, nhưng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường xem ra là người được độc giả tin cậy hơn hết vì ngoài yếu tố tài hoa, họ Hoàng Phủ còn gắn bó với họ Trịnh ở tình thân và sự gần gũi. Trong cuốn “Người ham chơi” của mình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết những dòng không thể tha thiết hơn về Trịnh Công Sơn: “Năm tháng trôi đi, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân những cây cầu những người yêu nhau đã đi qua. Những Người Đẹp một thời đã thành thiếu phụ, và những cô bé đã lớn lên thành thiếu nữ. Và tất cả vẫn hát Trịnh Công Sơn như là Tình Ca của hôm nay, vẫn nhìn thấy ở Trịnh Công Sơn một gương mặt Hoàng tử sầu muộn và dịu dàng không hề xa lạ”.
Tự nhận là người hát rong, là hòn đá cuội vô danh, nên dù được bạn bè “tấn phong” “hoàng tử sầu muộn và dịu dàng” hay vô số mỹ từ khác nữa suốt mấy mươi năm nay thì rốt cuộc người yêu nhạc vẫn đóng khung một Trịnh Công Sơn lẫy lừng trong khép nép, tài hoa trong độ lượng. Ông giống như lối hình dung của người Nhật về bông lúa, càng nặng hạt thì càng cúi thấp.
Hẳn nhiên có nhiều bậc thức giả tài năng và đức hạnh nữa, chứ không chỉ riêng Trịnh Công Sơn. Nhưng chúng tôi nhắc họ Trịnh vì có chút liên quan đến giới văn nghệ sau những ồn ào đang dấy lên kể từ giữa cuối tháng 8 này. Ấy là tấm bằng lạ gán thêm danh hiệu “Giáo sư âm nhạc” mà ca sĩ Ngọc Sơn nhận lãnh rồi khoe khoang, được “phong tặng” bởi Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam. Người đặt bút ký tặng, tiến sĩ Lê Ngọc Dũng (chủ tịch hội) khi trả lời báo chí lại cho rằng lỗi do phía ca sĩ Ngọc Sơn, khai gì thì được cấp nấy… càng khiến dư luận thêm ý kiến vào ra.
Trong giới nghệ sĩ, mọi danh hiệu chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Cần, vì từ ghi nhận của công chúng hay giới chuyên môn, danh hiệu sẽ giúp nghệ sĩ thêm cơ hội bay cao bay xa. Đủ, vì chừng đó chưa làm nên vóc dáng một tài năng mà còn phải được kiểm chứng qua thực tế. Đó là chưa kể đến khả năng danh xưng ấy thiếu thực chất, có dấu hiệu “chạy chọt” hoặc PR quá lố. “Giáo sư âm nhạc” dành cho một ca sĩ, vì thế, đã trở thành câu chuyện đàm tiếu mấy ngày nay, và là một sự thất bại dành cho những ai chuộng hư danh.
Từng có nhà thơ gây ồn ào vì lập “kỷ lục” viết 3 tập thơ dày cộm trong một thời gian rất ngắn ở Yên Tử. Từng có tô hủ tiếu “kỷ lục” Việt Nam (to nhất) công nhận xong đã phải vội… đổ bỏ ở một hội hoa xuân Đồng Tháp, vì không ăn được. Con người ta một khi cứ phải chạy theo những danh hiệu, thì rất dễ bỏ rơi giá trị thực và bỏ rơi cả chính mình. Nhớ lại, nhà văn Nguyễn Quang Lập từng có nhân vật ấn tượng (viết theo lối tả thực về bạn bè ngoài đời) vì luôn giữ vẻ mặt “mệt mỏi trước hư danh”. Nhưng đó là vẻ mệt mỏi giả tạo, vì nhân vật này không biết một nốt nhạc bẻ đôi vẫn dám tổ chức đêm nhạc riêng. Các “tác phẩm” có được đều do… móc tiền ra thuê các nhạc sĩ khác viết.
Nghệ sĩ vốn dĩ được trời cho chút tài năng, ai biết cách rèn luyện và cống hiến thì tỏa sáng. Nhưng ở thời buổi công nghệ giải trí bây giờ, thi thoảng lại thấy vài “chiêu trò” được tung ra để đánh bóng tên tuổi. Nhưng để rồi xem, những hào nhoáng ấy cũng chẳng khác ánh đèn màu trên sân khấu, chỉ lung linh trong đêm tối. Hà cớ gì không chọn vị thế của một người hát rong để điềm nhiên đi qua cõi đời này, và cứ để người xem người nghe bình phẩm lấy? Chẳng phải trong quá khứ, nhân loại đã từng nghe người hát rong truyền thuyết Homer cất cao giọng, để rồi sau đó Iliad cùng với Odyssey trở thành những bản anh hùng ca bất tử đó sao?
HỨA XUYÊN HUỲNH