Hậu flycam sẽ là gì?

PHÚC NGUYÊN 30/06/2019 20:17

Năm 2004, Jonathan Caoutte, một tay làm phim tài liệu nghiệp dư, không chút kinh nghiệm nào về làm phim, không hãng nào tài trợ, chỉ với 218USD trong túi, tự dựng bằng phần mềm IMovie, anh đã làm nên một cú hit phòng vé với 600 ngàn lượt người đến xem bộ phim tài liệu Tarnation. Phim được chọn chiếu ở các liên hoan phim danh giá nhất: Cannes, Sundance, Toronto, New York, Chicago và đoạt giải thưởng phim hay nhất LHP Los Angeles.

 

Vì sao một bộ phim tài liệu không kỹ xảo đặc biệt, không sử dụng công nghệ quay phim hiện đại, không flycam, timelapse, thậm chí dựng phim bằng phần mềm nghiệp dư vẫn hút người xem đến vậy? Câu trả lời rất đơn giản, vì nó chạm được đến trái tim khán giả theo một cách rất riêng, không giống bộ phim nào trước đó.

Khác biệt

Từ 20 năm trước, Caoutte đã bắt đầu tự quay những đoạn phim về gia đình mình, đặc biệt về bản thân mình và mẹ của anh, chỉ như một cách để lưu lại kỷ niệm, không hề nghĩ đến một ngày các tư liệu này sẽ biến thành một bộ phim. Những đoạn phim lưu trữ bằng các công nghệ khác nhau, từ băng H8, VHS, máy ảnh cơ, máy ảnh số, phim âm bản…đến máy quay kỹ thuật số cầm tay được Caoutte sử dụng để kể về bản thân mình từ một cậu bé nhút nhát, khép kín trở thành người đàn ông thực thụ. Người xem cũng thấy được cả một thế hệ thiếu niên được định hình như thế nào từ văn hóa đại chúng, bị ảnh hưởng như thế nào từ truyền thông.

Poster phim và một cảnh trong phim.
Poster phim và một cảnh trong phim.

Bộ phim bắt đầu từ khi Caoutte đang là một thiếu niên bối rối với các vấn đề giới tính của mình, cuộc sống trong một gia đình không hạnh phúc, với người mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt, ông bà ngoại là những người lập dị. Lúc ấy, chiếc máy ảnh và sau này là máy quay là nơi để Caoutte trút vào đó tất cả  cảm xúc trong cuộc sống ngột ngạt đó. Anh trò chuyện với chiếc camera, “diễn” trước ống kính vai của chính mình, ghi chép bằng hình ảnh như ghi nhật ký, và sau đó là câu chuyện của những thành viên khác trong gia đình. Mối quan hệ đau đớn giữa Caoutte và người mẹ trải qua những xung đột triền miên trong nhiều năm, đầy những bất ổn tâm lý và tổn thương, nhưng đồng thời phim cũng cho người xem thấy được quá trình chữa lành vết thương quá khứ. Trong khi Caoutte làm phim, và đến cuối phim, những vết sẹo từ thời thơ ấu trong tâm hồn anh đã được xóa mờ. Đây cũng chính là ý nghĩa của tên phim Tarnation- Nhạt phai. Sự tha thứ và tình yêu thương của một Caoutte trưởng thành đem lại cho bộ phim một cái kết cảm động.

Hai thập kỷ qua điện ảnh thế giới chứng kiến sự bùng nổ của các bộ phim tài liệu, vì công nghệ hiện nay cho phép bất cứ ai có mong muốn đều có thể làm một bộ phim. Chúng ta đang bước vào thời kỳ mà công nghệ sẵn sàng đến tận giường ngủ, và mỗi người đều có thể trở thành một người làm phim nếu có ý thức ghi chép lại cuộc sống mỗi ngày. Điện ảnh sẽ có được những bộ phim với góc nhìn ngày càng độc đáo bởi độ tuổi tiếp cận với công nghệ ngày càng trẻ. Nhưng điều làm nên sự khác biệt giữa Caoutte và hàng triệu nhà làm phim trẻ khác, là Caoutte hiểu được sức mạnh của những tư liệu anh có để kết hợp thành một câu chuyện vừa đầy cảm xúc riêng tư, lại vừa đầy tính xã hội mà khán giả đều tìm thấy mình trong đó.

Bội thực flycam

Sự thành công của Tarnation đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ khắp thế giới, những người đang tham gia cuộc cách mạng kỹ thuật số, làm phim tài liệu để kể chuyện theo cách của mình, như một hành trình khám phá cuộc sống, khám phá bản thân. Xu hướng này ngược hẳn với một xu hướng của nhiều bạn trẻ ở Việt Nam, đó là lạm dụng công nghệ trong làm phim.

Từ ngày flycam ra đời và ngày càng trở nên phổ biến, những video clip và phim quay bằng flycam bùng nổ trên mạng xã hội và tràn ngập sóng truyền hình, gây bội thực cho khán giả. Thậm chí có nhà phê bình điện ảnh còn hài hước: “Phim Việt Nam chia làm hai thời kỳ: trước khi có flycam và sau khi có flycam.” Không chỉ ở Việt Nam mà truyền hình ở các nước đang phát triển cũng vậy, flycam, timelapse, âm nhạc hoành tráng đang lấn sóng khắp nơi.

Những phong cảnh đẹp đẽ nhìn từ trên cao cùng với các phần mềm nhuộm màu lung linh ảo diệu gây choáng ngợp cho khán giả lúc đầu, nhưng rồi sự phấn khích nào cũng nhanh chóng qua đi bởi vẻ đẹp kiểu postcard không cứu vãn nổi một bộ phim nếu câu chuyện nghèo nàn, nhân vật nhạt nhẽo. Nghĩ cho cùng, nghệ thuật và phim tài liệu nói riêng, dù thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, cũng phải là những tiếng nói mạnh mẽ xuất phát từ sâu thẳm trong mỗi cá nhân thì mới mong gặp được sự đồng cảm của khán giả. Đó cũng là lý do chúng ta khóc cười cùng số phận của những nhân vật xa lạ từ những nền văn hóa hoàn toàn xa lạ trên màn ảnh, trong tiểu thuyết... Bởi vì đã là con người, chúng ta đều có những cảm xúc giống nhau, ngôn ngữ của nghệ thuật không có biên giới là vì vậy.

Công nghệ không thể tự mang khán giả đến gần nhân vật để lắng nghe, để đồng cảm và để truyền cảm xúc đó sang khán giả, mà chỉ có người làm phim, với vốn sống, vốn nghề của mình mới làm được điều đó. Lạm dụng công nghệ khi chúng ta luôn đi sau thế giới, đó là xu hướng không khôn ngoan. Vậy phim tài liệu Việt Nam, hậu flycam sẽ là gì?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hậu flycam sẽ là gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO