Kết nối, chia sẻ nguồn năng lượng dồi dào từ các không gian hậu phương chính là cách để phố giảm tải đi những áp lực, tổn thương để phát triển bền vững.
Chỉ dấu từ quá khứ
Không phải cho đến lúc quá trình bùng nổ đô thị hóa, phố mới nhận ra tầm quan trọng của việc sở hữu một điểm tựa vững chắc từ hậu phương. Hội An là minh chứng rõ nét cho điều đó trong khoảng thế kỷ 16 - 18.
Câu chuyện thương nhân đến Hội An thời điểm đó muốn mua gì cũng có, sầm uất hơn cả kinh đô đã cho thấy vùng nguyên liệu dồi dào chính là yếu tố then chốt duy trì sự hưng thịnh của một đô thị truyền thống.
Những sản vật từ nơi heo hút Trà My, Tiên Phước, Tý, Sé, Dùi Chiêng… và cả vùng đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ qua các nẻo đường lặng lẽ gom góp thổi bùng nên sự náo nhiệt một thời cho thương cảng Hội An và một số thị tứ khác trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, có nhiều yếu tố góp phần hình thành nên thời vàng son của thương cảng Hội An và để lại một di sản quý giá đến ngày nay.
Trong đó, nếu không có hương liệu, thổ sản quý từ miền non ngàn để phục vụ cho dòng chảy giao thương quốc tế trong nhiều thế kỷ thì chắc chắn sẽ không thể hình thành nên thương cảng Hội An đầy sức sống trong quá khứ.
Thăng trầm thời gian khiến nhiều sự kết nối giữa phố thị với hậu phương trên địa bàn Quảng Nam trở nên rời rạc. Nhưng nó vẫn là chỉ dấu để phát lộ con đường phát triển cho vùng đất này.
Bằng chứng là hầu hết “hành lang” liên vùng trong quy hoạch tỉnh, theo chia sẻ của Sở KH-ĐT là vẫn phác thảo cơ bản dựa trên nền tảng từ quá khứ bởi ít nhiều “bộ khung” của tiến trình phát triển xứ sở đã định hình bằng các trục kết nối này.
Ngày nay, nguyên liệu ở vùng đại ngàn để thúc đẩy vị thế của phố không gói gọn với các sản vật mà còn là không gian, tài nguyên… cực kỳ giá trị chưa khai phá nhiều hoặc chưa đúng cách. Kể cả bản thân các đô thị trên hành lang này cũng có thể là hậu phương cho nhau nếu có sự tương tác và phân vai hợp lý để song hành phát triển.
Phía sau bóng phố
Tại một hội thảo phát triển đô thị biển tổ chức ở Quảng Nam, PGS-TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ngoài việc lựa chọn “tọa độ” cho đô thị biển thì một trong những vấn đề hết sức quan trọng tác động sống còn đến việc phát triển đô thị đó là phải có hậu phương mạnh. Và nhất thiết phải có hạ tầng kết nối, nhất là hạ tầng giao thông hiện đại kết nối đô thị và hậu phương nếu muốn đưa đô thị nào đó trở thành trung tâm lan tỏa, dẫn dắt.
Với Quảng Nam, những nhà quản lý cũng đã nhìn thấy hạn chế này và đang có nhiều động thái tích cực để tốc lực nâng cấp hạ tầng chiến lược theo trục đông - tây trong thời gian gần đây.
Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, mọi đô thị nhất là đô thị biển đều rất cần hậu phương thì mới có thể phát triển bền vững. Ở khu vực duyên hải miền Trung, kinh tế biển phát triển rất mạnh giúp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở phía đông, từ đó giúp thu nhập xã hội rất khá còn đi về phía đồi núi thì vẫn trầm lắng.
Vì vậy, cần phải xem trọng hơn nữa khu vực phía tây của đô thị. Đây là khu vực lý tưởng có thể phát triển các hạng mục phụ trợ, song hành để nâng tầm đô thị thay vì bỏ ngỏ như hiện nay.
Không chỉ gói gọn trong vấn đề giao thương, khi sự kết nối giữa phố thị và hậu phương gặp trục trặc, những biến động dù cách xa vời vợi nhưng cũng vẫn đủ sức khiến phố hứng chịu nhiều tổn thương.
Lượng khoáng sản vơi đi hay lớp phù sa bị lắng lại phía thượng lưu Vu Gia - Thu Bồn nhưng vẫn khiến chuỗi đô thị dọc theo hạ lưu hệ thống sông này nhất là Hội An lao đao, trong đó vật lộn với các hình thái xói lở là một minh chứng rõ nét. Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện quản lý “từ trên nguồn xuống biển” được xới lên ở nhiều lĩnh vực thay vì chỉ giới hạn trong ranh giới địa lý hành chính như lâu nay.
Phải chăng, những tính toán cho hậu phương của phố với miền ngoại ô là chưa đủ. Tiềm lực và năng lượng phát triển của phố sẽ dồi dào gấp bội nếu định vị đúng để khai phá và chăm chút đúng mức cho điểm tựa rộng lớn phía sau.