BÀI 2: KHÁT BÊN BIỂN NƯỚC
Nằm bên các hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 4 nhưng nghịch lý là người dân các làng tái định cư (TĐC) đã, đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn nước sạch và nước sản xuất.
|
Nằm sát hồ đập Sông Bung 4 nhưng cuộc sống người dân TĐC xã Tà Pơơ, Zuôih (Nam Giang) gặp khó khăn do thiếu nước sinh hoạt lẫn sản xuất. |
Ngán ngẩm với nước sạch
Đường ống dẫn nước nằm ngổn ngang giữa làng TĐC thôn 3, xã Trà Đốc (Bắc Trà My). Bà Hồ Thị Lợi (thôn 3, xã Trà Đốc) nói: “Giếng đóng không ra giọt nước nào. Dân làng phải đi bộ xuyên rừng hơn 2km đến công trình nước tự chảy mang nước về dùng nhưng rất ít ỏi. Ở làng này, đồng bào lo giọt nước đã vất vả rồi, nói chi đến hạt thóc, củ khoai”. Thị sát các điểm TĐC ở xã Trà Đốc, ngay cả đại diện lãnh đạo chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 cũng thừa nhận, nước sạch bỗng dưng khan hiếm một cách bất thường! Trước ngày tựu trường, các cô giáo dạy ở điểm trường thôn 3A, xã Trà Đốc (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nguyễn Thị Minh Khai) lo lắng thiếu nước sạch phục vụ ăn uống hàng ngày cho giáo viên và học trò. Theo Chủ tịch UBND xã Trà Đốc – Hồ Văn Lợi, từ ngày lập làng mới đã xây dựng một số bể chứa nước tự chảy tại các cụm dân cư trong khu TĐC. Tuy vậy, từ năm 2011 đến nay hệ thống nước sinh hoạt đều không sử dụng được do hư hỏng khu vực đầu nguồn, không có kinh phí khắc phục. Vì vậy, nhà máy thủy điện đầu tư một số giếng đóng nhưng nước vẫn bị nhiễm bẩn.
Đề xuất mua rẫy dân để giữ nguồn nước Khu vực đầu nguồn hệ thống nước sinh hoạt hư hỏng nhưng không có kinh phí khắc phục. Đất cát bồi lấp, nhiều chỗ nguồn nước bị khô cạn do người dân phát rẫy. UBND xã đề xuất giải pháp hỗ trợ mua lại khu rẫy của một số hộ dân để bảo vệ nguồn nước cho khu TĐC nhưng huyện không có kinh phí. (Chủ tịch UBND xã Trà Đốc Hồ Văn Lợi) |
Nằm sát “túi đựng nước” khổng lồ là lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (với công suất thiết kế hơn 700 triệu mét khối nước), người dân TĐC ở xã Trà Bui (Bắc Trà My) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ít nhất 5 công trình nước sinh hoạt ở các thôn trong xã mất nước hoàn toàn, không hoạt động thời gian dài, nằm ở các con đập Suối Léc, Suối Ri Sọc, đập Suối Co, Suối Ý, Suối Bể. Trong số 77 bể chứa nước sinh hoạt của xã hiện nay thì có hơn 55 bể trong tình trạng khô rốc nước. Chủ tịch UBND xã Trà Bui – Hồ Văn Tiến lý giải: “Xảy ra tình trạng trên là do hư hỏng đường ống dẫn, hỏng đập đầu mối, hỏng các van xả cát, xả khí, ống bị đứt gãy nhiều đoạn và đường ống trên đầu nguồn bị lũ cuốn trôi, mưa bão cây ngã đập nát, do thiết kế không đúng với địa hình bố trí TĐC”.
Khảo sát nhiều ngôi làng TĐC khác ở địa bàn huyện Phước Sơn, bức xúc phổ biến nhất của người dân là khan hiếm nước sạch. Nghịch lý chính là do không có kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên hệ thống nhanh hư hỏng. Một số công trình dù chủ đầu tư bàn giao cho địa phương nhưng chính quyền vẫn không biết cách giúp dân khắc phục trong trường hợp gặp sự cố. Tại xã Phước Hòa (Phước Sơn), theo người dân, đến bây giờ họ vẫn chưa được thông tin vị trí đặt đường ống dẫn nước sạch âm dưới lòng đất, nên khi xảy ra sự cố hư hỏng người dân không biết cách sửa chữa, trong khi đó chủ đầu tư thì nói bàn giao cho địa phương nên hết trách nhiệm.
Không nước tưới, bỏ hoang ruộng lúa
Gần 59 hộ dân di dời về làng TĐC thôn Pà Păng (xã Tà Pơơ) chủ yếu từ thôn 2 xã Zuôih cũ của huyện Nam Giang. Nằm biệt lập giữa rừng già Trường Sơn, thôn 2 - Pà Păng là ngôi làng có đất sản xuất thuận lợi hơn so với các vùng lân cận. Thế nhưng, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu đảo lộn khi thủy điện đã bố trí đất sản xuất trên đồi cao, không thể nào chủ động được nước tưới thủy lợi. Ông Bnướch A Chớp (dân Pà Păng) buồn bã nói: “Có được miếng đất bằng phẳng để canh tác trên này còn quý hơn vàng, thế mà nhà tôi và dân làng nơi đây đều bỏ hoang tất cả ruộng nước. Nhà máy thủy điện khai phá, bố trí đất sản xuất trên đồi cao thì làm sao mà đưa nước lên tưới tiêu được”. Theo ông, ngày trước, khi lấy ý kiến thiết kế vị trí ruộng, bản thân ông đã không ký về việc lựa chọn địa điểm sản xuất bởi chủ đầu tư nhà máy thủy điện không tìm hiểu kỹ về thói quen canh tác của đồng bào, đẩy cái khó về cho người dân. Hơn 45 hộ nhận ruộng chỉ trồng lúa được 2 vụ rồi bỏ đất hoang nhiều năm nay vì không có nước tưới tiêu. “Không kênh mương nội đồng, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên cả làng ngậm ngùi bỏ ruộng lúa” - Bnướch A Chớp xót xa. Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ – ông Tơ Ngôl Kía cho biết, vì khô hạn cục bộ nên ít nhất 10ha đất lúa của đồng bào trở thành … cánh đồng chết. Dự án có đầu tư hệ thống thủy lợi tưới tiêu nhưng dân bỏ hết ruộng lúa vì thiếu nước sản xuất. Lỗi chủ yếu do thiết kế đường ống dẫn nước không phù hợp.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh thu thập ý kiến từ người dân tái định cư ở Phước Hòa (Phước Sơn). |
Theo giải thích của chủ đầu tư các nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 4, thời gian đầu dự án thiết kế xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi, hạng mục công trình nước tự chảy phục vụ cho người dân. Công suất thiết kế đáp ứng được nhu cầu sử dụng, tuy nhiên mấy năm gần đây do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khu vực đầu nguồn nước trở nên cạn kiệt; mặt khác người dân sử dụng, vận hành, quản lý không hiệu quả dẫn đến thất thoát lớn nguồn nước. Ông Nguyễn Sơn – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung giải thích, chủ đầu tư đều tổ chức lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương về vị trí, địa điểm đầu tư hạng mục nước thủy lợi phục vụ tưới tiêu, song lỗi do thói quen sử dụng của người dân, mở nước tràn lan gây thất thoát tài nguyên nước và vận hành không hiệu quả, nên công trình không phát huy tác dụng. Khảo sát thực tế tại các làng TĐC Nam Giang, Bắc Trà My, Đoàn giám sát HĐND tỉnh nhận định, thiết kế hệ thống kênh mương thủy lợi, nước tự chảy trước đây đã lỗi thời, không phù hợp với thực tế ở vùng cao.
----------------------
Bài 3: Bế tắc với sinh kế
Trên giấy tờ, các ngôi làng TĐC thủy điện không thiếu đất sản xuất, nhưng thực chất là những “con số ảo” hoặc nương rẫy mà người dân không thể canh tác được.
TRẦN HỮU PHÚC