BÀI 3: BẾ TẮC VỚI SINH KẾ
Trên giấy tờ, các ngôi làng tái định cư (TĐC) thủy điện không thiếu đất sản xuất, nhưng thực chất đó là những “con số ảo” hoặc diện tích đất mà người dân không thể canh tác được vì cằn cỗi. Từ ngày ra làng mới an cư, cuộc tìm kiếm sinh kế của đồng bào nhọc nhằn hơn.
|
Người dân tái định cư thủy điện phần lớn đều rơi vào đối tượng hộ nghèo.Ảnh: H.P |
Bỏ đất vì đụng rừng thiêng
Con đường xuyên rừng chỉ vừa đủ một làn xe ô tô vào tận trung tâm xã Zuôih (Nam Giang). Chỉ khi nhà máy thủy điện Sông Bung 4 cho phép mở rào chắn rẽ tắt quanh lòng hồ thì mới rút ngắn khoảng cách đường đi. Qua cây cầu treo đung đưa, chúng tôi lọt thỏm vào làng Pà Rum B (xã Zuôih). Làng như giấu trong dãy rừng già Trường Sơn. Phụ nữ, trẻ em tụm lại ngồi “tám chuyện”. Những ánh mắt buồn hắt ra từ nóc nhà cũ kỹ. Bà A lăng Thị Pích, người của làng Pà Rum B đang địu con bên hông, chỉ tay vào khu rừng khộp, đôi mắt đượm buồn nói: “Chỗ đất rẫy ấy thủy điện bố trí cho gia đình nghe nói rộng lắm nhưng tôi bỏ hoang gần 5 năm nay vì đụng đến rẫy rừng ma. Đất rừng có chôn người chết dù cho đầy bồ thóc trong nhà nhưng người Cơ Tu đều lánh xa. Tôi đã nhiều lần yêu cầu cán bộ đổi lại chỗ khác nhưng chờ mỏi mòn con mắt vẫn không thấy”.
Đưa dân ra TĐC ở Pà Rum B, chủ đầu tư Công ty Thủy điện Sông Bung và chính quyền huyện Nam Giang đã cấp cho mỗi hộ 1.000m2 đất gồm đất ở và vườn, 1,5ha đất sản xuất rẫy và 1 sào đất lúa nước. Thôn này trước đây có 65 hộ dân TĐC vào sinh sống, nhưng giờ tăng lên hơn 80 hộ. Ông Bnướch Tia, một hộ nghèo 5 năm liền của thôn, thật thà bảo hầu hết đất sản xuất cho dân TĐC đều bố trí trên núi cao chót vót, đất đỏ pha trộn sỏi đá không thể nào trồng lúa được. Trong số 1,5ha đất rẫy, may mắn lắm dân mới sản xuất được vài sào nhưng tất cả đều phụ thuộc vào nước trời. Ở Pà Rum B có hơn 10 hộ dân TĐC thuộc diện hộ nghèo đều bỏ hoang đất sản xuất đã cấp vì nằm trong lâm phận của “rừng ma”. Trưởng thôn Pà Rum B - bà Chơ Rum Nhạt cho biết, làng TĐC có tổng cộng 39 hộ nghèo, hầu hết những hộ này được bố trí đất xấu, có độ dốc lớn không sản xuất được hoặc canh tác bấp bênh vì cho năng suất rất thấp; có trường hợp có đất nhưng bỏ hoang hóa vì quan niệm của đồng bào kiêng cử rừng thiêng. “Trước đây khi thủy điện chưa vào xây dựng, ruộng rẫy sản xuất của đồng bào không bao giờ thiếu thóc lúa, ngô khoai; rảnh rỗi dân đem vài tấm lưới thả dưới sông suối, hay dùng máng mót vàng sa khoáng là có thể cải thiện đời sống qua ngày. Tuy nhiên, bây giờ đất đai, sông suối đã ngập hết xuống lòng hồ, dân chật vật kiếm cái ăn cái mặc” - bà Chơ Rum Nhạt nói.
Báo cáo của UBND xã Zuôih cho thấy, xã có 163 hộ được bố trí ở 3 điểm TĐC thuộc 3 thôn Pà Rum A, Pà Rum B và Pà Đhí. Các điểm TĐC cách nhau quá xa, khó khăn trong trao đổi hàng hóa. Quy hoạch địa điểm TĐC lại không đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Thêm nữa là trước đây dự án hứa hẹn đầu tư ruộng nước, thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất trồng trọt nhưng đến nay chỉ nằm trên giấy!
Thất bại phục hồi sinh kế
Không gian làng thôn 2 – Pà Păng của xã Tà Pơơ (Nam Giang) ngay từ khi đặt chân đến tôi tưởng nơi đây có sức sống tràn trề. Những ngôi nhà gỗ dựng lên khá tươm tất và khang trang. Tường rào cổng ngõ bao bọc vườn tược xanh um; vào bên trong nhà vệ sinh gắn liền với bếp rất sạch sẽ. “Sinh sau đẻ muộn”, đồng thời dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nên hình mẫu nhà ở đều do đồng bào Cơ Tu lựa chọn, quyết định. Tuy nhiên, đối lập với cái vẻ ngoài giàu có từ “căn nhà bạc tỷ”, Pà Păng trầy trật với cuộc mưu sinh thường ngày. Thu nhập chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chủ yếu là nương rẫy, song ruộng lúa thì bỏ hoang hóa nhiều năm do tình trạng khô khát. Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ - ông Tơ Ngool Kía thông tin, quả dứa, chuối làm ra tư thương nơi khác đến mua ép giá thấp thê thảm. Mỗi héc ta keo theo chu kỳ 5 năm thu hoạch bán trên dưới 20 triệu đồng, nhưng do đường rừng xa xôi tốn kém chi phí vận chuyển nên chẳng có lãi. Vì vậy, trên này trồng keo chỉ để bán lấy củi. Từ năm 2015 đến nay, thu nhập từ nghề truyền thống (lấy măng, mật ong trong rừng) của dân ít ỏi dần.
Cái nghèo bủa vây đồng bào tái định cư thủy điện. |
Hộ gia đình ông Bnướch Han (thôn 2, xã Tà Pơơ) có 8 nhâu khẩu, được Nhà nước cấp 1,5ha đất canh tác và 500m2 đất ở, trước đây nhận tiền bồi thường được 1,5 tỷ đồng. Thực tế, sau khi TĐC gia đình ông được tiếp cận các điều kiện tốt hơn như được sử dụng lưới điện quốc gia, có bảo hiểm y tế, đường sá đi lại thuận lợi, gần trường học. Tuy nhiên, gia đình Bnướch Han đã chi phí 600 triệu đồng xây nhà mới; số tiền còn lại tiêu xài vào việc mua xe máy, ti vi, tủ lạnh, đồ dùng nội thất trong nhà. Trước đây dự án cấp heo giống cho gia đình để tạo sinh kế nhưng bây giờ chuồng nuôi cũng bỏ hoang. “Mỗi ngày tôi đi hái ươi và mỗi tuần thả lưới đánh bắt cá 2 ngày, thu nhập cộng lại cũng không thể nuôi đủ các miệng ăn, thế là tái nghèo” - Bnướch Han thật thà. Nhiều trường hợp khác ở thôn Pà Rum B (xã Tà Pơơ), khi nhận tiền bồi thường xây nhà xong, tiêu xài hết, thậm chí đâm ra lười biếng lao động, suốt ngày uống rượu. Dự án cải thiện sinh kế cấp heo giống, thay vì nuôi phát triển đàn heo thì lại làm thịt ăn cho “đỡ thèm”. Ở nơi như các xã Tà Pơơ, xã Zuôih (Nam Giang) nằm trong dự án thủy điện Sông Bung 4, ADB đã giám sát rất chặt chẽ quá trình triển khai TĐC, khảo sát kỹ càng để thực hiện thí điểm các mô hình phục hồi sinh kế sau TĐC nhưng vẫn trong tình trạng nhiều hộ dân tái nghèo và hầu như không có lối thoát với sinh kế bền vững. ADB đánh giá, nguyên nhân của sự thất bại trong phục hồi sinh kế sau TĐC chủ yếu là người dân không biết quản lý tiền đúng cách và lười lao động, luôn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ngôi làng TĐC Nước Lang, xã Phước Xuân (Phước Sơn) hình thành từ năm 2007 đến nay vẫn loay hoay tìm đất rẫy cho đồng bào Giẻ Triêng. Nhiều năm qua, chủ đầu tư thủy điện nỗ lực khai hoang 5ha lúa nước cho người dân sản xuất nhưng bất lực vì địa hình toàn sỏi đá, dân không thể sản xuất bằng hình thức cơ giới hóa. Bà Y Nở - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nước Lang nói: “Thiếu đất sản xuất, khó kiếm việc gì khác ngoài rừng, đời sống bấp bênh khiến đói nghèo triền miên. Mỗi hộ chỉ 3 - 4 sào đất lúa, 8.000m2 đất nương rẫy làm sao mà khá lên được. Ba năm nay chưa có một hộ TĐC nào thoát nghèo bền vững sau khi đã đăng ký”. Vì chưa tìm kiếm được nghề nghiệp thay thế sau khi bị mất tư liệu sản xuất nên cuộc sống của đồng bào vẫn triền miên trong nghèo khó. Càng xót xa hơn, trong số 44 hộ dân TĐC tập trung và tại chỗ ở thôn 2 (xã Phước Hòa, Phước Sơn) hơn 10 năm nay chỉ có 4 hộ thoát nghèo và hầu hết rơi vào đối tượng cán bộ và hộ gia đình có vay ưu đãi ngân hàng.
_______
Bài 4: “Đem con bỏ chợ”
Sau khi đưa dân về miền đất mới, rồi bàn giao lại cho địa phương quản lý, chủ đầu tư dự án thủy điện gần như chỉ để lại... những lời hứa suông.
TRẦN HỮU PHÚC