Hậu tái định cư thủy điện: Gánh nặng cho miền núi (bài 4)

TRẦN HỮU PHÚC 13/09/2018 02:40

BÀI 4: "ĐEM CON BỎ CHỢ"

Sau khi đưa dân về miền đất mới, rồi bàn giao lại cho địa phương quản lý, chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện gần như chỉ để lại... những lời hứa suông. Hệ lụy là người dân tái định cư (TĐC) phải gánh chịu nhiều thua thiệt về phục hồi kế sinh nhai.

Tin liên quan

  • Hậu tái định cư thủy điện: Gánh nặng cho miền núi (bài 3)
  • Hậu tái định cư thủy điện: Gánh nặng cho miền núi (bài 2)
  • Hậu tái định cư thủy điện: Gánh nặng cho miền núi (bài 1)
Đường vào khu tái định cư xã Tà Pơơ (Nam Giang). Ảnh: TRẦN HỮU
Đường vào khu tái định cư xã Tà Pơơ (Nam Giang). Ảnh: TRẦN HỮU

“Nợ” khó đòi

Những năm đầu khi thủy điện mới hình thành, do chính sách pháp luật về đất đai lỏng lẻo nên quá trình thực hiện nảy sinh nhiều bất cập. Địa phương vận dụng cơ chế “đất đổi đất” mà quên bù lại những mất mát khác của người bị thu hồi đất khiến nhiều nơi người dân lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Chúng ta đã xáo trộn văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số. Dân hết tiền, mất đất sản xuất, không trình độ nghề nghiệp ổn định, trong khi không ai đứng ra tổ chức cho họ làm ăn, chẳng khác nào đẩy họ vào đường cùng. Kiểu TĐC đem con bỏ chợ nếu không giải quyết căn cơ, không loại trừ sẽ tái diễn tình trạng xấu như các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua.
(Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh)

Nhường toàn bộ đất sản xuất cho dự án thủy điện Đắc Mi 4C, hơn 40 hộ dân xã Phước Hòa (Phước Sơn) chấp nhận về TĐC tập trung ở thôn 2 của xã. Nhà máy thủy điện vẫn bố trí đủ diện tích đất nương rẫy cho người dân, nhưng nghịch lý ở chỗ lòng hồ thủy điện đã cô lập vùng sản xuất với khu dân cư sinh sống. Nông sản, lâm sản làm ra khó tiêu thụ vì nằm cách biệt, giao thông chia cắt. Mỗi héc ta keo thu hoạch sau chu kỳ 5 năm, ở mặt bằng miền núi bán ít nhất 50 triệu đồng, nhưng ở đây giá keo giảm hơn một nửa do chi phí vận chuyển cao. Muốn đến vùng sản xuất, dân phải đi vòng xuống địa bàn xã Phước Hiệp xa gấp hàng chục lần. Theo ông Đinh Mạnh Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, lẽ ra trước đây Nhà nước phải tính toán bồi thường, hỗ trợ đến yếu tố bố trí vùng sản xuất xa khu dân cư; bởi vậy mong ước của địa phương là chủ đầu tư thủy điện cần hỗ trợ xây dựng cây cầu bắc qua sông, để dân đi lại canh tác thuận lợi như trước đây. Cũng tại địa bàn xã Phước Hòa, nhà máy thủy điện Đắc Mi 4C khi thiết kế đã không tính chính xác cao trình, độ ngập nên đã để 19 hộ dân nằm sát lòng hồ có nguy cơ ngập nước trong mùa mưa. Chính quyền và người dân nhiều lần đề nghị sơ tán lên địa điểm an toàn, song đến nay giữa các bên vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm. Tương tự, tại xã Trà Bui (Bắc Trà My), một số hộ dân thắc thỏm âu lo vì bố trí TĐC trên vùng sạt lở. Như điểm TĐC 1b - xã Trà Bui có 8 hộ đối mặt với nguy cơ sạt lở, đã nhiều lần địa phương kiến nghị với chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 có phương án di dời nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Chủ tịch UBND xã Trà Bui Hồ Văn Tiến nói: “Nhân dân và chính quyền địa phương đã đề xuất nhiều lần nhưng lãnh đạo nhà máy thủy điện vẫn không bồi thường đất liền kề, với mực nước lòng hồ như thế này thì không thể sản xuất được. Trong khi đó, từ khu TĐC đến nơi ở cũ không có đường giao thông, khoảng cách quá xa nên nhân dân không thể sản xuất trên phần đất còn lại”.

Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 trước đây cũng “quên” luôn quy hoạch các công trình xử lý rác thải; quy hoạch xây dựng khu nghĩa địa như điểm TĐC ở xã Trà Giác. Tại các điểm TĐC ở xã Zuôih (Nam Giang), việc cấp đất nghèo dinh dưỡng, đất rẫy bị thoái hóa hay đất đụng đến “rừng ma”, cử tri nhiều lần phản ánh nhưng chủ đầu tư thủy điện chỉ trả lời đã bàn giao cho địa phương nên hết trách nhiệm. Chủ tịch UBND xã Zuôih - Pơ Loong Diệu nói: “Theo quy hoạch, các điểm TĐC có đầu tư làm ruộng nước, giao thông thủy lợi, ao hồ; xây dựng khu vui chơi giải trí, thể thao nhưng đến nay vẫn chưa thấy xây dựng”.

Thu hồi nhiều, cấp lại ít

Ông Hồ Văn Dũng (thôn 2, xã Trà Bui) trước khi ra TĐC không có đất sản xuất, nhưng chuyển đến vùng đất mới đã tự khai hoang và có được một ít diện tích đất canh tác. Theo quy định, những hộ dân không có đất sản xuất nơi ở cũ khi di chuyển đến nơi ở mới TĐC vẫn được hỗ trợ 1,2 - 1,8ha (tùy theo số nhân khẩu) nhưng đến nay quyền lợi của họ vẫn treo lơ lửng. Thống kê sơ bộ cho thấy, tại xã Trà Bui có ít nhất 6 hộ hoàn cảnh tương tự ông Dũng. Đánh vào tâm lý đồng bào thích nhận tiền bồi thường hơn nhận đất sản xuất, chủ đầu tư thủy điện đã nhanh chóng hoàn tất chi trả tiền hợp lệ. Điều này lý giải vì sao một thời đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở Bắc Trà My dễ dàng “ném tiền qua cửa sổ” bằng việc tiêu xài cá nhân, phung phí trong mua sắm tài sản đắt tiền. Tiền hết, lười làm việc thế là nghèo khó lại bủa vây. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư thủy điện trong khi không có quy hoạch quỹ đất dự phòng cho các trường hợp tách hộ, tăng dân số, giãn dân thì lại không sòng phẳng trong cơ chế “đất đổi đất”. Chẳng hạn, tại xã Phước Xuân (Phước Sơn), dự án thủy điện Đắc Mi 4C thu hồi của dân 105ha đất sản xuất, đến nay chỉ cấp lại chưa được 25ha. Chủ tịch UBND xã Phước Xuân - Nguyễn Tấn Sâm cho biết, dự án thủy điện chỉ mới tập trung đầu tư hạ tầng, công trình dân sinh mà thiếu quan tâm xây dựng phương án sản xuất, tính toán quy hoạch quỹ đất canh tác dự trữ. “Chỗ sản xuất mới thua xa nơi cũ, thủy điện không chỉ giao đất thiếu so với diện tích đất thu hồi mà còn bố trí nơi sản xuất không thuận lợi đi lại, chất lượng đất quá xấu” - ông Sâm nói.

Đồng bào tái định cư ở Phước Xuân (Phước Sơn) khó phục hồi sinh kế sau khi ra làng mới định cư. Ảnh: TRẦN HỮU
Đồng bào tái định cư ở Phước Xuân (Phước Sơn) khó phục hồi sinh kế sau khi ra làng mới định cư. Ảnh: TRẦN HỮU

Hàng chục nghìn héc ta đất nông nghiệp và lâm nghiệp mất đi để nhường cho dự án thủy điện. Đây là quỹ đất gắn liền với sinh kế, văn hóa truyền thống lâu đời của lao động nông nghiệp. “Dân mất tư liệu sản xuất, nhưng chuyện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho họ lại làm theo kiểu hình thức. Có nơi dân TĐC được đào tạo nghề lái xe ô tô, dệt thổ cẩm truyền thống, sửa xe máy nhưng học xong là… thất nghiệp” - bà Trần Thị Bích Thu, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, nêu tính phi thực tế trong đào tạo nghề cho dân TĐC ở Nam Giang. Theo bà Thu, ở miền núi nhiều bà con TĐC học nghề lái xe ô tô không biết để làm gì; bất hợp lý là đào tạo nghề tràn lan nhưng không tính nhu cầu thực tế để giải quyết công ăn việc làm. Hàng loạt mô hình kinh tế cho dù đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhiều lần cho bà con nhưng đến thời điểm này cơ bản thất bại. Ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh lo lắng: “Chúng ta đã xáo trộn văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số. Dân hết tiền, mất đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, trong khi không ai đứng ra tổ chức cho họ làm ăn, chẳng khác nào đẩy họ vào đường cùng. Kiểu TĐC đem con bỏ chợ nếu không giải quyết căn cơ, không loại trừ sẽ tái diễn tình trạng xấu như các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua”.

Sửa sai lầm, chính quyền các huyện Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang nỗ lực tìm quỹ đất mở rộng vùng sản xuất cho người dân TĐC, song nhiều năm vẫn triển khai rất chậm chạp vì vướng nhiều về cơ chế, chính sách pháp luật đất đai hiện hành cũng như hạn chế về nguồn lực đầu tư.

----------
Bài 5: Trách nhiệm của ai?

Miền núi hứng chịu “gánh nợ nần” từ TĐC thủy điện. Vì vậy, chính quyền địa phương lẫn chủ đầu tư nhà máy thủy điện phải nghiêm túc nhận phần trách nhiệm để khắc phục hậu quả.

TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hậu tái định cư thủy điện: Gánh nặng cho miền núi (bài 4)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO