BÀI 5:TRÁCH NHIỆM CỦA AI?
Miền núi hứng chịu “gánh nợ nần” do dự án tái định cư (TĐC) thủy điện tồn tại nhiều bất cập. Vì vậy, chính quyền địa phương các cấp lẫn chủ đầu tư nhà máy thủy điện cần phải vào cuộc thật sự để khắc phục hậu quả.
|
Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại xã Phước Xuân (Phước Sơn) để mổ xẻ trách nhiệm giữa các bên liên quan. |
Lỗ hổng quản lý sau đầu tư
Trong cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát HĐND tỉnh với Công ty Thủy điện Sông Bung và lãnh đạo huyện Nam Giang về giám sát chuyên đề dự án TĐC thủy điện diễn ra đầu tháng 9, ông Tơ Ngôl Kía – Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ (Nam Giang) dẫn chứng một ví dụ thất bại điển hình về quản lý nguồn nước sạch tại địa bàn. Để tránh việc dùng nước lãng phí, nhà máy thủy điện triển khai lắp đặt đồng hồ trong dân. Tuy vậy, người dân phá hết thiết bị này vì muốn giữ thói quen sử dụng nước tự nhiên.
Đề cập việc không phù hợp đặt thiết kế hạng mục cung cấp nước phục vụ tưới tiêu, khiến 10ha đất ruộng của dân bỏ hoang tại điểm TĐC xã Tà Pơơ, ông Nguyễn Sơn - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cho rằng, lỗi hoàn toàn do dân sử dụng, vận hành không theo nguyên tắc. Trước khi đầu tư, công ty đều lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và chính quyền sở tại. Trên thực tế, nước sạch không đến mức thiếu cục bộ nhưng dân mở van nước làm thất thoát tràn lan, sử dụng từ 1 - 2 mùa vụ hư hỏng không vận hành được. Tuy vậy, ông Sơn cũng thừa nhận, để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân phải mất thêm thời gian dài nữa. Về việc chủ đầu tư bố trí đất rẫy xấu, bạc màu, theo bà Phạm Thị Như – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, trước hết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư thủy điện lẫn các ngành chức năng của địa phương do phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu khoa học nên cần phải chung tay sửa lỗi.
Về chậm khắc phục công trình TĐC hư hỏng, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà nói: “Sự xuống cấp về hạ tầng cơ sở, các công trình dân sinh ở ngôi làng TĐC chính quyền nắm rất rõ, nhiều lần đề xuất với chủ đầu tư thủy điện (Công ty CP Thủy điện Đắc Mi), nhưng họ vẫn thoái thác trách nhiệm. Vì công ty này đã cổ phần, nên cũng không thể ràng buộc trách nhiệm họ”. Một số nhà máy thủy điện trước đây chưa hoàn thành nghĩa vụ xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhưng về nguyên tắc họ đã bàn giao tất cả quyền quản lý, sử dụng về cho địa phương nên rất khó trói buộc trách nhiệm. Hiện nay, 9 điểm TĐC trên địa bàn huyện đều chưa có hạ tầng khu xử lý rác thải; xã Trà Giác không có khu nghĩa địa dành cho làng TĐC. UBND huyện Bắc Trà My thì trông chờ vào sự hỗ trợ nguồn vốn của thủy điện, trong khi thủy điện bảo thẩm quyền giải quyết thuộc về địa phương. Điều này đã làm kéo dài thời gian khắc phục sửa chữa các công trình dân sinh bị hư hỏng. Công bằng mà nói, công trình nước sạch dẫn vào khu dân cư lỗi thuộc về người dân. Việc tắc nghẽn nguồn nước do dân sử dụng mà ra. Trách nhiệm của chính quyền xã, huyện là chưa hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động dân bảo quản, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên công trình mà mình trực tiếp hưởng lợi.
Nhà tái định cư ở Pache Palanh. |
Mỗi nơi mỗi kiểu
Xoay xở để thoát nghèo Trước đây, khu tái định cư (TĐC) Pache Palanh và Cut Chrun (xã Ma Cooih, Đông Giang) nhìn chẳng khác gì một thành phố giữa thung sâu. Làng nằm giữa lưng chừng đồi núi, rừng cây bị biến mất. Nhưng giờ cả Pache Palanh lẫn Cut Chrun rợp bóng màu xanh của cây ăn trái. Chuối, cam, bưởi... đã vào mùa ra quả và đồng bào Cơ Tu có vẻ bận rộn hơn bên ngôi nhà của mình. Năm 2017, hộ cận nghèo - Hốih Non (thôn A Đên) đăng ký thoát nghèo bền vững. Sau khi được ngân hàng cho vay vốn 50 triệu đồng, ông để vợ ở nhà mua thêm heo gà, bò mở rộng chăn nuôi; còn Hốih Non thì ra tận Đà Nẵng làm thợ hồ, rồi về lại quê nhận làm công lao động cho các hộ đã thu hoạch cây keo; rảnh rỗi thì vào rừng khai thác măng, mây, mật ong... Sau hơn 1 năm tính toán làm ăn đến nay gia đình của Hốih Non thoát khỏi hộ nghèo. |
Đường giao thông, nhà ở, công trình dân sinh ở các làng TĐC… hư hỏng nặng, nhưng chia sẻ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án thủy điện mỗi nơi khác nhau. Trước sự xuống cấp hạ tầng, năm 2017, Công ty CP Thủy điện Đắc Mi (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đắc Mi 4 và Đắc Mi 4C) đã dành kinh phí 700 triệu đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện, nước, mái tôn, các điểm trường học và xử lý 41 nhà cửa bị nứt tại làng TĐC thủy điện xã Phước Hòa (Phước Sơn). Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắc Mi Đinh Hữu Tấn cho biết: “Công ty sẵn sàng phối hợp với địa phương trong hỗ trợ đời sống người dân tại khu TĐC”. Tại xã Trà Bui (Bắc Trà My), chính quyền nhiều năm bức xúc về đời sống hậu TĐC. Chủ tịch UBND xã Trà Bui – Hồ Văn Tiến khẳng định: “Đến nay dự án thủy điện vẫn chưa thực hiện việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, chưa thực hiện việc cấp đất sản xuất cho nhân dân theo quy định”.
Tháng 4.2013, khu TĐC dự án thủy điện Sông Bung 4 hình thành. Những tưởng ra đời sau, Sông Bung 4 sẽ khắc phục được tồn tại mà các dự án TĐC trước đây mắc phải, không ngờ ở đây lại theo “vết xe đổ” phá rừng làm rẫy. Sợ tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh vùng biên giới về lâu dài, mới đây UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ kinh phí 53 tỷ đồng trong tổng số 66,8 tỷ đồng thực hiện quy hoạch mở rộng đất sản xuất, nâng cấp sửa chữa một số công trình bị hư hỏng trong khu TĐC. Nguồn vốn chủ yếu dành cho việc hỗ trợ khai hoang, cải tạo ruộng đất mỗi hộ thêm 1ha, đầu tư cầu, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt thôn Pà Rum B (xã Zuôih). Tuy nhiên, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho rằng, dự án thủy điện Sông Bung 4 đưa vào vận hành từ năm 2014 và đã hoàn thành công tác quyết toán công trình. Công tác di dân TĐC được ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á - PV ) thuê tư vấn độc lập đánh giá tốt. “Việc UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện quy hoạch mở rộng đất sản xuất, nâng cấp sửa chữa một số công trình bị hư hỏng trong khu TĐC thủy điện Sông Bung 4 là cần thiết nhằm ổn định sản xuất sau TĐC. Tuy nhiên, EVN không đủ cơ sở pháp lý để hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình trên theo quy định” – ông Thành khẳng định. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Nguyễn Nhuần cho biết, hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống gặp nhiều khó khăn do chưa có chính sách đặc thù với các hộ dân bị ảnh hưởng công trình thủy điện Sông Tranh. Địa phương xây dựng đề án phát triển sản xuất tại các xã Trà Bui, Trà Tân, Trà Đốc và Trà Giác nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt.
--------------
BÀI CUỐI: TÌM LỐI THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG
Các địa phương miền núi đã có một số quyết sách tháo gỡ bất cập dự án TĐC thủy điện, trong đó ưu tiên mở rộng vùng sản xuất và dần phục hồi không gian sống ở vùng cao.
TRẦN HỮU PHÚC