Hậu tết, nói chữ lì xì

THỤY BẤT NHI 11/02/2023 09:04

Xã hội hiện nay dù đã tiến bộ hơn và nhiều thay đổi, nhưng có thể nói, tập tục ngỏ lời cảm ơn, sẻ chia tình cảm từ hành động trao phong bì lì xì mừng tuổi trẻ con, người già của người Việt, là đáng quý và nên được giữ gìn dịp xuân.

Người lớn trao bì lì xì mừng tuổi trẻ con trong dịp tết. (Ảnh minh họa).
Người lớn trao bì lì xì mừng tuổi trẻ con trong dịp tết. (Ảnh minh họa).

Các tự điển, sách vở phong tục văn hóa đều nêu rõ, tục lì xì mừng tuổi, mừng tết khá phổ biến ở các nước Á Đông từ nhiều năm trước. Phong tục này tại Việt Nam, có lẽ bắt nguồn từ tập tục tặng phong bao cầu phúc, chúc phúc của người Trung Quốc, ở tiếng Quan Thoại gọi là hồng bao (紅包), song phổ biến là ảnh hưởng người Quảng Đông làm ăn, sinh sống ở miền Nam Việt Nam từ xưa, nên gọi là lì xì.

Trong tiếng Quảng Đông, lì xì là âm đọc của hai từ “lợi thị”, với ba từ đồng âm nhưng có nghĩa hơi khác nhau.

Thứ nhất là lợi thị (利市) với chữ lợi là hoa lợi, phần dư ra từ kinh doanh, buôn bán, giá trị hàng hóa…; chữ thị là chợ, thị trường. Lì xì theo nghĩa này là hoa hồng có được do mua bán mà ra, là phần lãi, phần lợi nhuận của người buôn bán.

Nghĩa này gắn với tập tục nhiều người làm ăn khi hợp tác với nhau, sau khi bán xong hàng hóa, có phần lãi phát sinh cho người hùn hạp, kẻ giúp việc…, được chủ hàng hóa cho vào phong bì đỏ và trao cho người nhận. Chữ lì xì trong bối cảnh này, là tiền hoa hồng được trích ra từ lợi nhuận bán hàng.

Thứ hai là lợi sự (利事) với chữ lợi cũng có nghĩa hoa lợi, tiền có được, và chữ sự là sự việc, đọc cùng âm thị (shi); nghĩa là tiền có được từ việc nào đó, tức tiền cho, tiền mừng, tiền thưởng công…

Nghĩa này gắn với tập tục nhiều người khi nhờ người khác giúp đỡ việc nhà, việc riêng của mình, sau khi việc xong ngỏ ý cảm ơn. Tiền lì xì này cũng được bỏ vào phong bì đỏ và được trao cho người nhận đi kèm lời cảm tạ của gia chủ, người chủ sự việc. Phổ biến dễ thấy nhất của tiền lì xì này là ở các đám cưới, đám tiệc, cô dâu chú rể hay chủ hôn sự, chủ tiệc có chút tiền cảm ơn những người đến phụ giúp việc.

Thứ ba là lợi thị (利是) với chữ lợi cũng có nghĩa là tiền có được, tiền mừng, và chữ thị có nghĩa là đích xác, như thế. Nghĩa của từ lì xì này, là tiền cho, tiền mừng, đúng nghĩa với việc người lớn cho trẻ con tiền mừng tuổi, tiền chúc may mắn cho năm mới.

Nghĩa lì xì này, cũng có thể xuất hiện ở các đám tiệc tùng, do người đến dự tiệc gởi tặng chủ nhà, chủ sự việc nhằm chúc mừng cho việc lễ, chúc may mắn cho người tổ chức, như khánh thành công trình, khai trương làm ăn, mở cửa hàng…

Tiền lì xì cho trẻ con, người trẻ tuổi trong dịp Tết Nguyên đán, có thể nói chính là tiền lợi thị theo nghĩa thứ ba, tức là tiền mừng, tiền chúc may mắn, do người gởi cho đi kèm lời chúc tốt đẹp chứ không đi kèm mục đích nào khác. Tiền này, theo đó được dịch nghĩa tiếng Anh là lucky money.

Như thế, việc lì xì theo phong tục truyền thống Á Đông của người Việt Nam, là hình ảnh văn hóa tốt đẹp, tỏ tình cảm, thái độ chia sẻ, yêu thương quý mến giữa người trao và người nhận, là người lớn và trẻ con, hoặc giữa người trẻ tuổi với người cao niên.

Tất cả xuất phát từ tình cảm tự nguyện và không nên có sự so sánh bình phẩm ít nhiều nào trong việc cho và nhận ấy. Bên cạnh đó, những đánh giá, bài xích hình ảnh phong bao tiền lì xì mừng tuổi, chúc năm mới là không hợp lý và là nhìn nhận tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hậu tết, nói chữ lì xì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO