Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du, Báo Quảng Nam giới thiệu đến độc giả những nét chính về thân thế, sự nghiệp của ông; cung cấp một cái nhìn khái quát về Nguyễn Du - bậc kỳ tài văn chương với một tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Nguyễn Du sinh năm 1765, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội). Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708 - 1776), quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc - Bắc Ninh.
Năm 13 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 1783, Nguyễn Du thi đậu Tam trường, được tập ấm một chức quan võ của người cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Sau đó, Nguyễn Du lấy vợ là bà Đoàn Thị Huệ, người làng An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay là Thái Bình), con gái của tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thục. Năm Mậu Thân (1788), khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, Nguyễn Du lánh về nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn tại Thái Bình.
Mười năm ở quê vợ là quãng “mười năm gió bụi”, bao cảnh bần hàn, cơ cực đã đến với Nguyễn Du. Khi bố vợ là Đoàn Nguyễn Thục mất, người con trai lớn mất, Nguyễn Du cùng người con trai nhỏ Nguyễn Tứ về quê cũ ở xã Tiên Điền. Trở lại quê, dinh cơ của cha đã tan hoang, anh em đôi ngả, Nguyễn Du thốt lên “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” (trở về Hồng Lĩnh, gia đình không còn, anh em lưu tán). Nguyễn Du được bà con họ tộc chia cho mảnh đất tại thôn Thuận Mỹ làm nhà để ở. Và cũng từ đây, Nguyễn Du có biệt hiệu Hồng Sơn liệp hộ (người đi săn ở núi Hồng) và Nam Hải điếu đồ (người câu cá ở bể Nam).
Năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung (phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam); tháng 11 làm Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (tỉnh Hà Tây). Năm Quý Hợi (1803), được cử cùng phái bộ nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang sắc phong cho vua Gia Long. Mùa thu năm Giáp Tý (1804), Nguyễn Du cáo bệnh về quê. Năm Ất Sửu (1805), được thăng Đông Các Đại học sĩ, tước Du Đức hầu (hàm ngũ phẩm). Tháng 9 năm Đinh Mão (1807) giữ chức giám khảo thi Hương ở Hải Dương, sau xin về quê. Năm Kỷ Tỵ (1809), ông giữ chức Cai Bạ tỉnh Quảng Bình. Tháng 9 năm Nhâm Tuất (1812), Nguyễn Du xin nghỉ về quê 2 tháng để xây mộ cho anh là Nguyễn Nễ. Tháng 2 năm Quý Dậu (1813) ông được triệu về kinh, thăng Cần Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế cống Chánh sứ. Tháng 4 năm Giáp Tuất (1814), Nguyễn Du trở về nước, có tập thơ “Bắc Hành tạp lục” và được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ (hàm tam phẩm). Mùa thu năm Kỷ Mão (1819), được cử làm Đề điệu trường thi Quảng Nam, ông dâng biểu từ chối, được chuẩn y. Tháng 8 năm Canh Thìn (1820) vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong. Tuy nhiên, chưa kịp đi sứ thì Nguyễn Du bị cảm bệnh và mất tại kinh thành Huế ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16.9.1820) ở tuổi 55.
Nói đến cụ Nguyễn Du, là nói tới bậc thi nhân đa tài mà đa đoan. Cụ đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ với nhiều tác phẩm văn chương bất hủ bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó Truyện Kiều là kiệt tác hội tụ nhiều giá trị tiêu biểu, chứa đựng những giá trị nhân đạo sâu sắc. Nguyễn Du cũng đã sáng tác các tập thơ: Thanh Hiên thi tập (còn gọi là Thanh Hiên tiền hậu tập), Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục và một số câu đối bằng chữ Hán.
Thanh Hiên thi tập là tập thơ Nguyễn Du viết khi ở Thái Bình, Hà Tĩnh và làm quan ở Bắc Hà trong giai đoạn 1786 - 1804. Tập thơ gồm 78 bài chứa đựng những tâm sự đau buồn của Nguyễn Du. Nỗi đau trong tập thơ là nỗi đau vì mình, cho mình, nhiều hơn là nỗi đau nhân tình thế thái. Nhiều bài thơ như Dạ hành, Lam giang… Nguyễn Du đã thể hiện phẩm tiết và ý thức giữ gìn phẩm hạnh. Nói một cách khách quan, Nguyễn Du trong tập thơ này bộc lộ nhiều tư tưởng bi quan, yếm thế. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực trong tư tưởng đã giữ cho ông đứng vững trước cuộc đời và từ đó có các tác phẩm tiêu biểu hơn.
Nam trung tạp ngâm có 40 bài, được sáng tác trong giai đoạn 1805 - 1812, khi Nguyễn Du được phong hàm Đông Các Đại học sĩ, vào Huế làm quan. Ở tập thơ này, Nguyễn Du đã chú ý nhiều hơn đến khách thể. Đó là những người lao động nghèo khổ thể hiện trong các bài thơ: Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành (Sáng sớm trên đường qua núi Phượng Hoàng), Đại tác cửu thú tư quy (Làm thay người đi thú lâu năm mong về)... Tư tưởng nổi bật của tập thơ là mối quan tâm của tác giả đến người dân nghèo khổ là nạn nhân của thiên tai, chiến tranh phong kiến phi nghĩa, đồng thời bộc lộ tâm sự u buồn trong những trạng thái nhất định.
Bắc hành tạp lục gồm 131 bài, được sáng tác trong giai đoạn 1813 - 1814 (cũng có giả thuyết cho rằng, nhiều bài thơ ông sáng tác trong thời gian 10 năm gió bụi). Tập thơ này, Nguyễn Du không dừng lại ở việc soi ngắm cái tôi của mình mà đã quan tâm nhiều đến xung quanh. Nhiều hình tượng mới đã xuất hiện như trung thần nghĩa sĩ, thi sĩ, danh nhân lỗi lạc, những người vì nước, những hôn quân bạo chúa, những gian thần trong lịch sử Trung Hoa. Đặc biệt, Nguyễn Du quan tâm nhiều tới những con người tài sắc, bất hạnh trong: Long thành cầm giả ca, Sở kiến hành, Dương Phi cố lý, Kỳ Lân mộ…
Ấn tượng trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du chính là nỗi buồn sâu đậm. Lúc sinh thời đã từng ngậm ngùi cho mình: “Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Sống trong lòng chế độ xã hội phong kiến, cảnh đời thật nhiễu nhương, cái buồn của Nguyễn Du rõ ràng không thể tách khỏi những ưu tư về thời thế. Đồng thời bên cạnh nỗi xót xa tự thân, cái buồn của ông còn hướng đến tình người nói chung, là sự tương liên với người khác. Điều đó được thể hiện rõ nét trong tập thơ Bắc hành tạp lục với những cái nhìn về người nông dân Trung Quốc gặp thiên tai, đói kém. Chưa dừng lại ở đó, nỗi buồn của cụ Nguyễn còn chất chứa trong lòng, thành niềm tâm sự riêng: “Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ/ Hồng sơn sơn hạ Quế giang thâm” (Ta có một chút tâm sự không biết tỏ cùng ai/ Dưới chân núi Hồng, sông Quế sâu thẳm).
Ở thể loại viết bằng chữ Nôm, bên cạnh Truyện Kiều, cụ Nguyễn còn sáng tác Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn chiêu hồn). Văn chiêu hồn là bài văn tế viết theo yêu cầu của một vị sư để đọc vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch, nhằm cúng tế các vong hồn. Nổi bật ở văn chiêu hồn là tấm lòng thương yêu con người có tính chất phi giai cấp. Bài văn tế là bức tranh tổng kết về những nỗi đau khổ, bất hạnh của con người trong xã hội phong kiến suy tàn.
(Còn nữa)
LÊ MAI