Người điều khiển phương tiện chủ quan, thiếu tập trung, không tuân thủ các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông... là những nguyên nhân thường xuyên dẫn đến gây tai nạn. Hãy vì sự an toàn của chính mình và bạn đồng hành mà lưu thông có “trách nhiệm” hơn.
Cái giá của chủ quan
Vào giữa buổi chiều tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Chí Thanh (TP.Tam Kỳ), thưa vắng xe cộ qua lại. Nhưng bất thình lình, một xe máy chạy trên đường Trần Hưng Đạo theo hướng Nam Bắc tông ngang vào xe máy khác chạy trên đường Nguyễn Chí Thanh theo hướng Đông sang Tây.
Tuy không gây tử vong, song vụ tai nạn khiến một người bị đa chấn thương. Nguyên nhân do người đi xe máy trên đường Trần Hưng Đạo chủ quan đường vắng nên không giảm tốc khi qua đoạn giao nhau.
Theo ông Phan Đức Tiễn - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, người tham gia giao thông hãy đi có trách nhiệm, đừng vì chủ quan sẽ gây nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng.
“Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” năm 2022 cũng là dịp để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trật tự ATGT.
Mọi người hãy nhớ các nội dung tuyên truyền về ATGT: “Đã uống rượu bia - không lái xe”, “Không phóng nhanh, vượt ẩu”, “Thắt dây an toàn trên ô tô”, “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”, “Đi đúng phần đường, làn đường”, “Giữ khoảng cách an toàn”...
Một vụ tai nạn khác, mới đây, ông N.V.S (trú tại Ái Nghĩa, Đại Lộc) đã chếnh choáng hơn men, cho rằng mình chạy xe máy khoảng cách gần nên không cần đội mũ bảo hiểm. Nhưng vì chạy nhanh, tay lái mất kiểm soát đã tông vào ô tô tải nhẹ khiến ông bị chấn thương sọ não, tử vong vài ngày sau đó. Hay trường hợp anh N.V.M (xã Bình Quý, Thăng Bình) đã 2 lần “đo đường” cùng với chiếc xe tay ga của mình từ đầu năm 2022 đến nay.
Hậu quả là anh M. bị gãy xương khớp vai, còn tay chân chi chít vết thương. Nguyên nhân của hai vụ tai nạn là chạy xe quá nhanh và không kiểm tra an toàn kỹ thuật của xe.
Tình trạng tài xế điều khiển phương tiện liên tục nhiều giờ nên mệt mỏi, ngủ gật, chạy quá tốc độ, lấn làn, lấn đường đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng.
Còn nhớ vào khoảng 2 giờ 10 phút ngày 30/7/2018, trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn), lái xe ô tô khách loại 16 chỗ ngồi lưu hành theo hướng Bắc - Nam đã tông trực diện vào ô tô tải đầu kéo đi hướng ngược lại.
Vụ TNGT thảm khốc khiến 13 người chết và 4 người bị thương. Lực lượng chức năng nhận định tài xế ô tô khách buồn ngủ, mất tay lái dẫn tới lấn làn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đủ kiểu chủ quan
Theo ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu gây ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Những lỗi thường gặp nhất là cố gắng lái xe trong khi người đang mệt mỏi, buồn ngủ; vừa điều khiển phương tiện vừa nói chuyện điện thoại. Khi cầm lái, họ thường thao tác theo bản năng, tin vào kinh nghiệm lái xe của mình mà lơ là mất cảnh giác, gây TNGT.
Ông Trương Khuê - nguyên Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh chia sẻ, có cả tai nạn bất ngờ do lái xe nhầm lẫn chân ga, chân phanh. Người lái xe không kiểm tra, bảo dưỡng xe theo định kỳ, vì vậy an toàn kỹ thuật không đảm bảo.
Ông L.V.T ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) kể, ông có người thân đang điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại di động. Do không tập trung quan sát, ông T. va vào phương tiện đang chạy bên cạnh, khiến cả hai đều bị thương tích.
Điều này cho thấy, người tham gia giao thông hiện nay dường như bị “phụ thuộc” quá nhiều vào điện thoại, các thiết bị di động mà quên nguy hiểm rình rập. Theo thống kê của lực lượng chức năng, lỗi không chú ý quan sát chiếm tỷ lệ cao nhất trong các lỗi gây TNGT. Bởi, từ không chú ý quan sát đã dẫn đến hàng loạt lỗi khác như đi sai phần đường, tránh vượt sai làn và chạy quá tốc độ…
Một hành động chủ quan khác là ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn. Nếu không thắt dây an toàn, khi phương tiện đang lưu thông mà bị tai nạn, người ngồi trên xe rất dễ bị đa chấn thương, thậm chí tử vong.
Để dễ hình dung về nguy cơ chấn thương, nhà chuyên môn so sánh mức năng lượng tác động lên hành khách khi ô tô đâm va với việc rơi từ nhà cao tầng xuống. Chẳng hạn, ô tô đang chạy với vận tốc 30 km/h thì khi đâm va sẽ tương ứng với độ cao 3,5m, tức là rơi từ tầng 2; tốc độ 70km/h tương ứng với độ cao 19,3m, tức là rơi từ tầng 7; 100 km/h tương ứng với độ cao 39,3m, tức là rơi từ tầng 14.
Nhà chuyên môn cũng nhận định, nếu những người ngồi trong ô tô khách vụ xảy ra sáng 30/7/2018, trên quốc lộ 1 đoạn qua Điện Bàn mà thắt dây an toàn, thiệt hại về nhân mạng sẽ giảm đáng kể.