Hãy nuôi con bằng sữa mẹ

CHIÊU THỤC ANH 16/08/2013 08:13

Với sự hỗ trợ của dự án Alive & Thrive (Nuôi dưỡng và Phát triển), cùng với 5 tỉnh, thành  khác, Quảng Nam vừa tổ chức ngày hội “Nuôi con bằng sữa mẹ”. Trao đổi với PV Báo Quảng Nam về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Nha - Giám đốc Trung tâm Truyền thông sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết:

Nuôi con bằng sữa mẹ là một phương pháp nuôi dưỡng an toàn và rất hiệu quả đối với trẻ nhỏ. Vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ và không có loại thức ăn nào có thể thay thế được. Các bà mẹ cần hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Trẻ bú sữa mẹ trực tiếp nên đảm bảo vô khuẩn. Đồng thời sữa mẹ có chứa các chất kháng khuẩn và chống dị ứng nên trẻ bú sữa mẹ ít bị nhiễm khuẩn, dị ứng và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với trẻ được nuôi bằng sữa nhân tạo. Trong sữa mẹ còn có chất bổ dưỡng trợ giúp, kiến tạo não bộ và thần kinh, đó là đặc trưng cao cấp của con người mà sữa động vật, sữa nhân tạo không có được.

Các bà mẹ trong ngày hội “Nuôi con bằng sữa mẹ” tổ chức tại Quảng Nam.
Các bà mẹ trong ngày hội “Nuôi con bằng sữa mẹ” tổ chức tại Quảng Nam.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ hữu ích với em bé mà với cả người mẹ. Việc cho con bú sữa mẹ sẽ gắn kết tình cảm mẹ con cao hơn. Cho con bú, giúp bà mẹ ngăn ngừa chứng viêm nội mạc tử cung, phòng bệnh tiểu đường, chống ung thư, sớm phục hồi hình dáng, đẩy lùi stress…

- PV: Vậy đâu là cách cho trẻ bú có hiệu quả cao, thưa bà?

Bà mẹ nên cho trẻ bú ngay sau sinh, chậm nhất là 30 phút. Điều này khác với truyền thống, nhưng chúng ta phải cố gắng ứng dụng, vì trẻ đói sẽ để lại hậu quả không tốt cho não bộ và một số cơ quan chức năng sau này. Bà mẹ nên cho trẻ bú liên tục trong 6 tháng đầu với khẩu hiệu: “Khát cho bú bằng sữa, đói cho bú bằng sữa”. Có chút khác biệt giữa khoa học và truyền thống. Xưa nay, thường sau khi cho bú, các bà mẹ hay cho bé uống nước, như vậy vô tình làm loãng sữa mẹ trong bao tử em bé, gây khó tiêu, chưa kể nước không vô trùng, gây nguy cơ nhiễm bệnh. Điều cần lưu ý là bà mẹ phải cho bé bú theo nhu cầu. Khi cho bú cạn bầu sữa một bên rồi mới tiếp bên kia, để cơ thể tiếp tục sản xuất sữa. Khi em bé bệnh, mẹ bệnh, càng phải cho bé bú, trừ những trường hợp chống chỉ định tuyệt đối (mẹ mắc những bệnh lây lan, ung thư hoặc uống nhiều thuốc điều trị, ảnh hưởng cho em bé).

Alive & Thrive là một sáng kiến thực hiện trong 5 năm (2009 - 2013) nhằm cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ thông qua việc tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và cải thiện thực hành dinh dưỡng bổ sung. Giai đoạn từ lúc lọt lòng đến 24 tháng tuổi là cơ hội hết sức quan trọng tác động đến sức khỏe và sự phát triển lâu dài của trẻ. Alive & Thrive hướng đến hơn 16 triệu trẻ em dưới hai tuổi ở Bangladesh, Ethiopia và Việt Nam, từ đó tạo ra các mô hình kiểu mẫu để nhân rộng trên thế giới. Tại Việt Nam, Quảng Nam là một trong 15 tỉnh, thành phố được hưởng lợi từ dự án.

Chương trình hiện do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ được triển khai ở Việt Nam bởi một nhóm các tổ chức, bao gồm Viện Phát triển giáo dục (AED), Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC), Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), Đại học California - Davis và GMMB.

Khi cho em bé bú, bà mẹ nên ẵm bồng và cho bé ngậm vú đúng cách. Mẹ đang trong giai đoạn cho con bú phải bổ sung dinh dưỡng bao gồm cả nguồn nước thực phẩm, ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh phù hợp. Em bé được ăn bổ sung vào tháng thứ 6, theo nguyên tắc từ lỏng tới đặc và chú trọng “tô màu bát bột”. Thời gian duy trì cho bú tốt nhất hiện nay từ 18 - 24 tháng.

- PV: Bà đánh giá thế nào về thực tế nuôi con bằng sữa mẹ hiện nay ở Quảng Nam?

Tại Quảng Nam, ở nông thôn tỷ lệ trẻ bú mẹ cao, có nơi đạt 80% nhưng phần lớn bà mẹ không thực hành đúng tiêu chuẩn khoa học. Với những trường hợp mổ đẻ hay thai kỳ bị bệnh lý, các bà mẹ sử dụng nhiều thuốc nên họ ngại cho con bú. Còn đối tượng công chức viên chức, tuy biết nhiều kiến thức nhưng do quỹ thời gian hạn chế, áp lực công việc, nên bé không được bú đúng, bú đủ, mà phần lớn các bà mẹ chọn sữa nhân tạo để bổ sung cho con. Theo điều tra giám sát dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2011, tại Quảng Nam mới có 71,4% bà mẹ cho trẻ bú sớm sau sinh; 29,4% cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và 22,4% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng.

Truyền thông thay đổi hành vi về việc nuôi con bằng sữa mẹ qua phương tiện truyền thông đại chúng thời gian qua ở tỉnh đạt 30%. Qua kênh truyền thông của ngành y tế, có 40  - 50% bà mẹ đã thay đổi nhận thức. Trong đó, có vai trò lớn của cộng tác viên y tế thôn bảng, khu phố theo cách “đến từng ngõ, gõ từng nhà, trực tiếp tư vấn, rà từng đối tượng”. Tuy nhiên, công tác viên y tế thôn hưởng phụ cấp rất thấp (0,2 - 0,5% lương cơ bản), không có bảo hiểm y tế… nên khó động viên họ nhiệt tình hơn trong công tác tuyên truyền.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hãy nuôi con bằng sữa mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO