(QNO) - Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 đã khởi động với nhiều tín hiệu vui, theo đó Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang cũng đã chính thức mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm, thử nghiệm từ 29.4 vừa qua. Đây là điểm check in mới, lạ, hấp dẫn tạo một cú hích cho du lịch vùng tây Quảng Nam.
Theo hồ sơ của huyện Đông Giang đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Dốc Gợp vào năm 2008, Dốc Gợp (Hang Gợp) nằm ở địa phận thôn Palanh (nay là thôn Asờ), xã MàCooih, huyện Bến Hiên (Đông Giang). Nơi đây có mỏm đá vôi thông, hai ngọn đồi với một khối đá lớn, nhiều cây cối, dây leo mọc rậm rạp; dốc núi cao, có nhiều gợp đá chất chồnglên nhau rất hiểm trở, lên xuống rất khó khăn. Phía dưới vòm đá to tạo thành vòng cung rộng khoảng 6m, người dân địa phương quen gọi là cổng trời.
Vào năm 1959, địch mở chiến dịch "Thượng du vận" truy tìm cán bộ nằm vùng, đẩy cán bộ ta ra khỏi buôn làng, lập chính quyền, dồn dân, ngăn chặn sự giao lưu giữa miền núi và miền xuôi. Đến giữa năm 1960, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam chủ trương mở đợt tấn công vào hệ thống phòng thủ, các đồn bốt chiếm đóng của đich ở các huyện miền núi và vùng giáp ranh. Dốc Gợp được chọn làm trận địa đánh địch. Lúc này, nhân dân Palanh và các vùng lân cận rất phấn khởi quyết đánh, quyết không sợ địch trả thù, khủng bố. Theo đó, những già làng, trưởng bản, chiến sĩ du kích bằng quan sát và kinh nghiệm vốn có của mình đã mô tả tỉ mỉ trận địa của địch, địa thế của Dốc Gợp, những chướng ngại vật phải vượt qua...; đồng thời giúp lực lượng vũ trang của ta xây dựng một trận địa chông thò liên hoàn để đánh địch.
Ngày 15.10.1960, đại đội địch ở đồn Hiên (nay là Đông Giang) chia thành 3 tốp, mỗi tốp một trung đội, mở đợt hành quân chi viện cho 4 đồn xung quanh. Khoảng 9 giờ sáng, trung đội địch đi đầu lọt vào trận địa chiến đấu của ta. Đồng chí Bhnươch Ríp - người chỉ huy trận đánh với biệt tài giả tiếng chim rừng, phát lên ba tiếng chim kêu. Lập tức, một mũi tên tẩm thuốc độc của ta bắn trúng ngay tên chỉ huy, đồng thời những chông thò bằng tre nứa của dân làng bay thẳng vào đội hình địch. Bọn địch hốt hoảng chạy toán loạn, dẫm đạp phải các hầm chông tre nhọn hoắt. Cả trung đội địch bị ta tiêu diệt gọn, 8 tên chết vì tên thuốc độc, 22 tên chết vì chông thò. Hai trung đội đi sau vừa tới thấy đồng bọn bị tiêu diệt liền hoảng sợ kéo nhau tháo chạy.
Chiến thắng tại Dốc Gợp đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 31.12.2008.
Còn theo truyện cổ của dân tộc Cơ Tu (Nguyễn Văn Bổn: Văn học dân gian, Truyện cổ các dân tộc miền núi, Sở VHTT Quảng Nam, 2004): Trong làng Pà-xưa thời rất xưa có một cậu bé mồ côi cha lẫn mẹ. Như bao kẻ mồ côi khác, cậu bé nghèo khổ và không có nương rẫy. Từ nhỏ, cậu bé phải đi làm thuê, ở đợ cho những gia đình có của trong bản làng. Càng lớn lên, cậu bé càng trở nên mạnh khỏe, có sức lực hơn người. Cậu có biệt tài bắn cung, bắn nỏ. Chính nhờ thế, tuổi mười tám, chàng trai đã nổi tiếng với tài săn bắn. Khắp bản làng không ai săn được nhiều những con thú to như chàng, không ai bắn được cả cọp như chàng.
Thế rồi, những cây nỏ cũ không còn thích hợp với sức vóc của chàng trai mồ côi tài giỏi kia nữa. Vì thế, một hôm chàng phải vào rừng sâu để tìm cho bằng được loại cây toong để làm nỏ. Đã ba ngày trời lang thang trong rừng rậm, cơm khô mang theo đã gần hết, mà chàng vẫn chưa tìm thấy cây toong. Thất vọng, chàng ngồi nghỉ chân bên một vách núi, rồi mơ màng thiếp đi lúc nào không hay…
Bỗng nhiên, trước mặt chàng hiện ra một khoảnh rừng có ánh nắng chói chang. Khi lần theo trảng cỏ xanh đi tới, chàng gặp một bà cụ thần sắc phi phàm, đôi tai lạ thường vì hai vành tai căng ra quá rộng cùng với mái tóc vàng óng dưới ánh nắng. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ ngọt ngào, bà cụ hỏi: Con đang tìm gì trong ba ngày qua trong khu rừng này?
- Dạ, con tìm một toong bền chắc – chàng trai lễ phép trả lời.
- Ta hiểu rồi! Con sẽ tìm thấy, và ta sẽ cho con tìm thấy một kho báu vô tận. Nhưng ta có lời dặn con, từ nay con phải ra sức giữ gìn kho báu này, và đừng bao giờ được tham lam vơ vét hết cái con tìm thấy. Thôi, con đi đi!. Rồi bỗng dưng trời đất tối sầm lại, và bà cụ cũng đã không còn ở trước mặt chàng nữa.
Chàng mở mắt ra, mơ màng không biết mình đang ở nơi đâu. Thì ra, chàng vẫn còn đang dựa lưng vào chỗ vách núi dưới bóng cây. Biết rằng đó chỉ là một giấc mơ, chàng đứng lên tiếp tục đi tìm cây toong.
Chỉ vừa mới bước thêm ba bước khỏi chỗ chàng vừa ngồi nghỉ, đã thấy một cây toong to tròn hiện ra. Vừa ngạc nhiên vừa vô cùng mừng rỡ, chàng vội dùng rựa bén mang theo để chặt cây toong quý báu mà chàng phải lặn lội tìm kiếm suốt ba ngày nay. Chẳng mấy lúc, cây toong ngã nhào, ngọn cây đập vào vách núi gây thành một tiếng ầm vang dội, tiếng vang ấy như dội vào những vách núi xanh, rồi cứ ngân nga hồi lâu mới dứt.
Chưa hết ngạc nhiên vì tiếng ngân lạ lùng kia thì ngay lập tức, chàng trai lại nghe tiếng gió ầm ào trên đầu, rồi ánh nắng như chợt tắt đi, trời tối hẳn lại. Lạ lùng thay, có hàng ngàn hàng vạn con dơi đang bay vần vụ trên đầu. Những đôi cánh của chúng dang ra che kín cả ánh mặt trời, và tiếng đập cánh của đàn dơi khổng lồ ấy tạo thành một thứ tiếng trầm đục, rào rào bất tận. Chàng trai cứ đứng ngẩn ra nhìn, thân thể như bất động trong nỗi bàng hoàng. Rất lâu sau, những âm thanh trầm đục kia bớt dần, rồi cuối cùng tắt hẳn. Đàn dơi đã thôi không còn giăng cánh chen kín ánh mặt trời. Hình như chúng lại đã trở vào trong hang, nghĩ thế, chàng trai lần theo vách núi bước từng bước thận trọng về phía trước, và chàng đã tìm ra Hang Dơi…
Chàng trai mồ côi về sau mang họ Bnướt, cùng với nàng Y Ron xinh đẹp sinh được nhiều con trai, con gái. Nhớ lời nữ Thần Dơi căn dặn, mỗi năm chỉ một lần chàng vào hang bắt dơi, vì theo lời chàng dặn lại con cháu về sau, con trăn thần canh giữ hang dơi mỗi năm chỉ ngủ có một ngày vào giữa tuần trăng của tháng thứ tám. Cũng từ đó, làng Pà-xưa có tên là làng Hang Dơi (nay là Dốc Gợp, Hang Gợp).
Câu chuyện về Hang Gợp và nhiều câu chuyện hay về con suối, con sông, về tên làng, tên họ, về văn hóa bản địa nơi đây sẽ là đề tài thú vị để nhà đầu tư nghiên cứu phục vụ cho việc thu hút du khách đến với cổng trời Đông Giang.
Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, có tổng diện tích hơn 120ha, do Tập đoàn FVG đầu tư, tổng vốn đầu tư lên đến 2.600 tỷ đồng, đảm bảo cho 100.000 khách lưu trú/năm. Nơi đây sẽ kết nối với các địa điểm di sản của miền Trung tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hướng đến trở thành một trong những khu du lịch lớn nhất của Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung trong tương lai.
Ông Trần Văn Hà, đại diện chủ đầu tư Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang cho biết: Tập đoàn FVG đã và đang tập trung đầu tư và xây dựng các công trình gồm: khối công trình hành chính dịch vụ, khu nghỉ dưỡng và giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên và khám phá thác nước, hang động, cùng các dịch vụ phụ trợ đi kèm như hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao, bán hàng lưu niệm và đặc sản địa phương cùng dịch vụ trải nghiệm ẩm thực và văn hóa Cơ Tu.
Trong giai đoạn 2, nhiều hạng mục vui chơi giải trí hấp dẫn sẽ được hình thành trên đỉnh 400 gồm: Tường thành kiến trúc cổ, ga cáp treo, sân khấu múa rối nước, đặc biệt là nhà trưng bày chủ đề Cơ Tu xây dựng theo mô hình làng Cơ Tu cổ. Ngoài ra, trong giai đoạn 3, chủ đầu tư tiếp tục triển khai nhiều khu vui chơi giải trí tại đỉnh 800 của dự án với các chủ đề: công viên theo chủ đề, hệ thống khách sạn lưu trú và hệ thống đài vọng cảnh cao 9-13 tầng.
Để phục vụ cho hoạt động khai trương, thử nghiệm và đi vào hoạt động chính thức sau này, Tập đoàn FVG đã tổ chức một đợt tuyển dụng với hơn 120 vị trí tuyển dụng, trong đó ưu tiên tuyển dụng gần 100 lao động là đồng bào Cơ Tu tại huyện Đông Giang.
Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp đã hoàn thành các hạng mục công trình (giai đoạn 1). Trong quá trình thi công giai đoạn 1 của dự án, do ảnh hưởng của đợt bão, lũ năm 2020, một số hạng mục của công trình đã bị hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính khoảng 18 tỷ đồng. Tiếp theo đó là những khó khăn tác động bởi đại dịch Covid-19.
Song với tình yêu thiên nhiên, sự tâm huyết và khát vọng vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc huyện Đông Giang, đồng thời với mong muốn có một điểm du lịch mới, ấn tượng ở vùng núi phía tây của Quảng Nam theo chủ trương của tỉnh Quảng Nam, góp phần thu hút du khách gần xa, giải quyết sinh kế, việc làm cho người dân địa phương, đồng thời gắn với phát huy bản sắc văn hóa bản địa, Tập đoàn FVG đã tiếp tục tập trung nguồn lực, nhân lực triển khai đầu tư các hạng mục, sản phẩm du lịch nơi Cổng Trời Đông Giang.
Ngày 29.4 vừa qua, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Theo tổng hợp từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, sau 5 ngày mở cửa đón khách (từ ngày 29.4 - 3.5), dù thời tiết không thuận lợi, nhưng đã có gần 10.000 lượt khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ. Đó là một tín hiệu đáng mừng, đối với du lịch Quảng Nam nói chung, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang nói riêng.
Kết quả bước đầu ở Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã làm nức lòng người dân địa phương.
Ông Alăng Á - người dân ở thôn Dốc Gợp, xã Kà Dăng bộc bạch: "Có khu du lịch tại cổng trời là niềm vui bao đời nay của đồng bào Cơ Tu chúng tôi. người dân có thêm việc làm và bán được hoa màu, cây trái; sắp tới còn được tham gia múa tung tung da dá phục vụ cho khách du lịch. Rứa là thích lắm rồi".
Chúng tôi đã gặp rất nhiều già làng, người dân khác tại địa phương và họ cũng đã có tiếng nói chung, đồng thuận, vui mừng khi Tập đoàn FVG đầu tư, phát triển khu Du lịch sinh thái Cổng Trời.
Trên cơ sở khảo sát nhanh dư luận xã hội bằng phiếu hỏi trong 100 người, là cán bộ, đảng viên công tác tại các cơ quan, ngành của huyện Đông Giang; các già làng và nhân dân xã Mà Cooih, Kà Dăng; một số nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo trên địa bàn tỉnh và du khách; đồng thời trên cơ sở trải nghiệm thực tế, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện Huyện ủy, UBND huyện, các ngành liên quan. Tại đây, các ý kiến đều cho rằng: Với những lợi thế về tiềm năng du lịch, nếu có cách làm bài bản, chuyên nghiệp, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang sẽ là một trong những điểm đến đặc sắc, độc đáo, kỳ thú như một kiệt tác giữa đại ngàn.
Quá trình đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đảm bảo cơ sở pháp lý, tuân thủ đúng trình tự, quy định về thủ tục đầu tư. Dự án triển khai đã được đại bộ phận nhân dân địa phương đồng thuận, phấn khởi và kỳ vọng sẽ giải quyết công ăn việc làm tạo sinh kế, thu nhập cho người dân. Một số hạng mục công trình được cứng hóa là thực sự cần thiết, nằm trong tỷ lệ cho phép, nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan của du khách; một số điểm được kè kiên cố để chống xói lở do mưa lũ gây ra là nhằm bảo vệ an toàn cho công trình và du khách, tránh những tác động tiêu cực từ những biến động khôn lường của thiên tai.
Hệ thống nhà hàng, khách sạn được xây dựng với sự đa dạng, phong phú về lối kiến trúc cũng là xu hướng để du khách có điều kiện tiếp cận, hội nhập văn hóa, nhằm phục vụ nhu cầu của mọi khách du lịch trong nước và quốc tế, chứ không chỉ phục vụ người địa phương.
Quá trình xây dựng, khai thác và sử dụng Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang không tác động làm ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, đồng thời nhà đầu tư cũng đã trồng thêm nhiều cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa đẹp. Các sản phẩm du lịch tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang vừa phát huy tốt bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Cơ Tu, vừa có điều kiện để người dân tiếp cận, giao lưu, hiểu biết thêm, hội nhập với văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và thế giới.
Một số hình ảnh tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (Ảnh: ĐĂNG KHOA):
Tuy nhiên, qua trao đổi, tìm hiểu của chúng tôi, người dân tại địa phương cũng như du khách cho rằng việc đặt tên một số hang động, cây cầu, con suối; hệ thống nhà hàng, khách sạn, một số màu sắc, họa tiết trang trí trên các sản phẩm du lịch; việc chạm trổ trên nhà gươl có một số chi tiết chưa thực sự hợp lý với truyền thống văn hóa người Cơ Tu. Được biết, những người có trách nhiệm của Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đã lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện các sản phẩm du lịch tại đây.
Du lịch là một nhu cầu rất quan trọng của mỗi người. PGS.TS Phan Huy Xu, một nhà nghiên cứu về du lịch, cho rằng: Ngày nay du lịch không chỉ còn "ngắm cảnh" hoặc "viếng thăm" mà du khách rất cần tìm hiểu sâu và thụ hưởng những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Trước đây, du lịch Việt Nam nặng về khai thác tài nguyên du lịch sẵn có nhưng trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, du lịch phải có bước "đột phá" về chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ du lịch...
Với những gì đã trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, chúng tôi có suy nghĩ rằng, cái mới luôn luôn đi liền với cái khó và luôn là thử thách để thành công.
Mong rằng khi đi vào hoạt động chính thức cũng như trong quá trình đầu tư các giai đoạn tiếp theo, Tập đoàn FVG cần bám sát mục tiêu phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Phải chú ý đến việc tiếp tục giữ rừng, trồng thêm rừng, trồng nhiều hoa, cây xanh và thảm cỏ; không làm ô nhiễm môi trường nước. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá bằng nhiều hình thức, đa phương tiện và từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh để phục vụ du khách. Chủ động hợp tác, liên kết phát triển du lịch; chú trọng tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch hướng đến chuyên nghiệp; đặc biệt quan tâm tạo điều kiện việc làm, sinh kế cho con em địa phương; có kế hoạch tiêu thụ hàng hóa nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ của bà con địa phương. Luôn cầu thị, lắng nghe những ý kiến khác nhau, nhất là tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, du lịch, nhà báo, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện để hoàn thiện các sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc, độc đáo của người Cơ Tu để Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang thực sự là địa chỉ đẹp, hấp dẫn, thân thiện, an toàn thu hút đông đảo du khách tìm về trải nghiệm.
Nào, còn chần chừ gì nữa, hãy xách ba lô lên và đi Cổng trời Đông Giang!