Hệ lụy nuôi tôm trên cát

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT 31/05/2017 08:17

Nhiều năm qua, việc nuôi tôm trên cát ven biển từ Núi Thành kéo ra Thăng Bình giống như canh bạc, người nuôi đặt cược vốn liếng và hy vọng nhưng thành công thì ít mà thua lỗ vụ sau cao hơn vụ trước, đặc biệt gây ô nhiễm nguồn nước ngầm nghiêm trọng.

THẤT BÁT

Tôm bệnh không kịp trở tay, chất lượng con giống khó kiểm soát, môi trường nước thay đổi bất thường... là những yếu tố chính dẫn đến năng suất thấp khi nuôi tôm trên cát nhiều vụ qua.

Nuôi tôm trên cát ở Quảng Nam ngày càng khó hơn.Ảnh:  N.Q.V
Nuôi tôm trên cát ở Quảng Nam ngày càng khó hơn.Ảnh: N.Q.V

Hiệu quả thấp dần

Từ đường Thanh niên ven biển, chúng tôi có mặt ở các đồng tôm trên cát vào những ngày nắng nóng tháng 5. Thời điểm này, tôm nuôi của gia đình anh Nguyễn Quốc Đông - hộ nuôi tôm trên cát ở Kỳ Trân gần 10 năm nay - được gần 2 tháng tuổi. Anh Đông chia sẻ, phải túc trực quanh ao nuôi tôm cả ngày lẫn đêm để chủ động kiểm soát nguồn nước, xử lý nhanh tình huống xấu nếu không may xảy đến. “Vụ vừa qua thất bại, gia đình chỉ vớt vát được một ít tôm nhỏ để bán, còn đa số chết hết. Nuôi tôm trên cát đầu tư nhiều, nếu trúng thì thu vài trăm triệu nhưng lỡ thua thì thiệt hại không dưới trăm triệu đồng” - anh Đông nói. Ở vụ này, anh Đông nuôi tôm trong 3 ao lót bạt có tổng diện tích 10 nghìn mét vuông với mật độ 200 con/m2. Tỷ lệ tôm hao hụt vào thời điểm này là 40%. Anh Đông nhẩm tính, nếu từ nay cho đến khi thu hoạch, tôm không “rớt” thêm thì sẽ bán được khoảng 500 triệu đồng, thu lợi gần 200 triệu đồng cho 5 tấn tôm thương phẩm. “Kỳ vọng ở mỗi vụ nuôi rất lớn nhưng thực tế thu được không đáng bao nhiêu. Tôi chờ đợi thu được 3 tấn tôm ở vụ này là quá “ngon” rồi” - anh Đông cho hay.  

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Nam, năm 2016, diện tích tôm nuôi bị bệnh là 140ha, trong đó có 13,76ha được phát hiện bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính; 3,35ha nhiễm vi rút đốm trắng, 2,89ha bị bệnh do vi bào tử trùng, bệnh do các yếu tố môi trường khoảng 120ha. Trong 5 tháng đầu năm 2017, diện tích tôm nuôi bị bệnh khoảng 90ha, chủ yếu là các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp. Đáng nói hơn, tôm nuôi trên cát vốn được đầu tư nuôi bằng hình thức lót bạt, khả năng khống chế tác hại từ bên ngoài vào ao nuôi vượt trội so với nuôi tôm ở vùng triều đã bị chết hàng loạt do dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Thụy (thôn Bình Phú, xã Tam Tiến, Núi Thành) - hộ nuôi tôm trên cát với 3 ao nuôi có tổng diện tích 6.000m2, các bệnh hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng nếu không may xảy đến rất khó trở tay. Ông Thụy cho biết, gia đình nuôi tôm trên cát từ năm 2013. Từ đó đến nay, sản lượng, năng suất và hiệu quả giảm dần. Trước đây, gia đình nuôi quanh năm thì nay chỉ dè dặt nuôi 2 vụ; năng suất giảm còn 15 tấn/ha/năm so với 30 - 40 tấn/ha/năm.

Bấp bênh con giống

Lo lắng lớn nhất của đại đa số người nuôi tôm trên cát vào thời điểm này là chất lượng tôm giống. Theo ông Nguyễn Công Phương, hộ nuôi tôm trên cát ở thôn Kỳ Trân (Bình Hải, Thăng Bình), việc mua tôm giống chủ yếu dựa vào niềm tin từ thương lái Bình Thuận. “Tôm giống đều được vận chuyển bằng xe đông lạnh để đảm bảo nhưng nhiều khi chúng tôi nhận tôm giống nhỏ lờ đờ vì đường sá quá xa xôi lại gập ghềnh nên tôm suy kiệt. Người nuôi tôm gặp khó ngay khi thả tôm giống vào ao nuôi” - ông Phương nói. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh khiến tôm chết trong thời gian qua. Đáng chú ý là chất lượng, nguồn gốc tôm giống được nuôi ở Quảng Nam vẫn chưa thể kiểm soát. Mặc dầu tất cả tôm giống nhập vào tỉnh đều có giấy chứng nhận kiểm dịch, tuy nhiên việc kiểm tra đánh giá thực sự chất lượng và nguồn gốc con giống chưa thực hiện được. Hiện tại, nuôi tôm trên cát ở Quảng Nam đang bước vào vụ thứ 2. Các nông hộ cho biết, rất khó đảm bảo môi trường nước ổn định để tôm nuôi sinh trưởng tốt. “Độ kiềm, độ pH, độ mặn thường biến động trong ao nuôi tôm. Các loại vi khuẩn, tảo cũng xuất hiện bất thường. Rất khó để tôm phát triển tốt trong điều kiện nuôi như vậy” - ông Nguyễn Khá (thôn Bình Phú, xã Tam Tiến, Núi Thành) cho biết. Để tạo thuận lợi cho tôm nuôi sinh trưởng, một số nông hộ đã dùng chuối, các loại men vi sinh, vitamin để bổ sung vào ao nuôi. Tuy nhiên, người nuôi tôm cho biết, bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào vì không thể kiểm soát hết các yếu tố trong môi trường nước.

Theo Bộ NN&PTNT, nuôi tôm trên cát ở dải ven biển miền Trung có tiềm năng rất lớn. Nếu người nuôi áp dụng đúng quy trình, hiệu quả nuôi tôm trên cát cao. Tuy nhiên, khu vực này tiềm ẩn nhiều thách thức, nắng nóng gay gắt, lạnh sâu, mưa lũ kéo dài, đột ngột, bão, gió lốc tàn phá vùng nuôi. Nguồn nước ngọt ở khu  vực này có nguy cơ cạn kiệt, nước ngầm bị ô nhiễm. Trong khi đó, nuôi tôm trên cát đòi hỏi phải đầu tư cao cho cơ sở hạ tầng mà nguồn lực nông hộ yếu, nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì rất khó đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Xuân Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, trong nhiều năm qua, nuôi tôm trên cát tại địa phương vẫn y nguyên phương thức cũ. Người nuôi tôm trên cát hầu như không cải tiến, thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong nuôi tôm. Chính quyền địa phương không thể cập nhật quy trình nuôi tôm hiện đại để tập huấn, phổ biến cho người nuôi tôm, qua đó ứng phó tốt hơn với các điều kiện nuôi tôm ngày càng khó khăn. “Do nguồn nước nuôi tôm chưa được xử lý tốt nên bệnh và dịch bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Rủi ro trong nuôi tôm ngày càng cao. Có không ít nông hộ trắng tay, nợ nần chồng chất” - ông Luận nói.

NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT

Nhiều giải pháp, kiến nghị đang được ngành thủy sản và các địa phương ven biển đưa ra, hướng nghề nuôi tôm trên cát đi vào nền nếp, ổn định, qua đó khắc phục ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến:

Hướng đến sản xuất bền vững

Muốn khắc phục bất cập, hệ lụy trong nuôi tôm trên cát buộc phải có vùng quy hoạch cụ thể. Vì người dân không đủ vốn để đầu tư hệ thống xử lý nước thải nên Nhà nước kiện toàn hạ tầng, xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, các hộ nuôi tôm trên cát sẽ đầu tư đường dẫn để gom chung các chất thải vào đó, xử lý triệt để trước khi đưa ra môi trường bên ngoài. Cũng trên cơ sở Nhà nước đầu tư hạ tầng kiên cố, người nuôi tôm sẽ hoàn chỉnh các yếu tố hạ tầng khác như thủy lợi, công trình ao nuôi, qua đó đầu tư bài bản, sử dụng tôm giống sạch, áp dụng quy trình nuôi tôm hiện đại, bài bản, chăm sóc tôm nuôi chu đáo, xử lý nhanh các phát sinh trong nuôi tôm.

Rất cần các giải pháp phù hợp để nuôi tôm trên cát bền vững tại Quảng Nam.
Rất cần các giải pháp phù hợp để nuôi tôm trên cát bền vững tại Quảng Nam.

Ngành thủy sản cần hướng dẫn, tập huấn, phổ biến các quy trình nuôi tôm thâm canh, an toàn, sạch bệnh để người nuôi tôm trên cát học tập, hướng đến sản xuất bền vững. Các ngành chức năng của tỉnh cần triển khai các kế hoạch phòng chống dịch bệnh và quan trắc môi trường cho nuôi tôm hiệu quả hơn nữa, giúp nông hộ yên tâm sản xuất. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra điều kiện sản xuất, kinh doanh vật tư nuôi tôm.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình:

Đề xuất nuôi tôm trên cát theo hình thức đầu tư công nghiệp

Nuôi tôm trên cát trên địa bàn huyện hầu hết là tự phát, người dân tự ý đào ao, khoan giếng, thả nuôi tôm mà không theo quy hoạch và không có kế hoạch phát triển cụ thể. Việc hệ thống ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải không được thiết kế, đầu tư hợp lý dẫn đến ô nhiễm môi trường, thiệt hại kinh tế, dịch bệnh thường xuyên, nông hộ thua lỗ, thâm nợ. Nhận thấy khu đất thôn Bình Trúc, xã Bình Sa nằm ven sông Trường Giang, chưa khai thác nhưng có các điều kiện rất phù hợp cho nuôi tôm lót bạt bằng hình thức công nghiệp, thâm canh để phát triển mạnh về kinh tế nên chúng tôi đề xuất các cấp xem xét, cho cơ chế hỗ trợ đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp tại thôn Bình Trúc nếu được thông qua, triển khai sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông hộ nuôi tôm. Huyện đã xây dựng chi tiết dự án, trong đó có đầy đủ các giải pháp để đồng bộ triển khai, hướng đến nuôi tôm bền vững, khắc phục hoàn toàn các điểm yếu trong nuôi tôm trên cát trong thời gian qua như ô nhiễm môi trường, biến động nguồn nước.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam:

Cần nuôi tôm theo chuỗi

Dòng chảy sông Trường Giang bị chi phối bởi thủy triều từ cửa An Hòa và Cửa Lở (Núi Thành) có biên độ triều thấp, dòng chảy yếu nên khả năng tự làm sạch nguồn nước không cao ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi tôm trên cát. Trên địa bàn tỉnh chưa có khu sản xuất công nghệ cao trong nuôi tôm trên cát, nuôi tôm lót bạt điển hình. Trung ương cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến và thương mại nuôi tôm theo chuỗi giá trị sản phẩm rõ ràng để triển khai tại các tỉnh, thành, trong đó có Quảng Nam được thuận lợi. Bao gồm: xây dựng các chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để gắn kết các nhà máy, cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu nuôi tôm thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ người nuôi tôm tiếp cận, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm. Cùng với đó là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thủy sản, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất, thu mua tôm thương phẩm để ổn định thị trường.  

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam:

Cần điều chỉnh cơ chế trong nuôi tôm nước lợ

Đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ điều chỉnh Quyết định 66/2015/QĐ-TTg ngày 25.12.2015 về Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng giảm quy mô diện tích đối với sản xuất tôm giống là 20ha, nuôi tôm thương phẩm là 200ha cho phù hợp với điều kiện sản xuất tại các tỉnh miền Trung. Đối với Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14.11.2016 của Bộ Tài chính về quy định khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, Chính phủ cũng nên giảm thu phí, lệ phí vì các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh thủy sản quá cao (500 nghìn đồng/1 chỉ tiêu cho xét nghiệm PCR), người nuôi tôm không thể thực hiện được. Bộ NN&PTNT nên tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điều kiện sản xuất, chất lượng các sản phẩm thức ăn, thức ăn bổ sung, hóa chất, thuốc thú y dùng trong nuôi tôm. Việc giám sát thực hiện tại nơi sản xuất và tăng hình thức xử phạt nếu không đảm bảo chất lượng.

BIẾN ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Nuôi tôm trên cát thiếu kiểm soát đã làm nhiễm mặn nguồn nước, ô nhiễm môi trường...

Nhiễm mặn

Thôn Kỳ Trân (Bình Hải) là một trong những khu vực nuôi tôm trên cát trọng điểm của huyện Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung. Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng biến động nguồn nước đã diễn ra gay gắt vào thời điểm này. Đang mùa nóng, nước ngầm khan hiếm, suy kiệt lại nhiễm mặn khiến cho sinh hoạt thường nhật rất khó khăn. “Cách đây khoảng 2 năm, khi chúng tôi hút nước ngầm thì nhận thấy có mùi hôi và có váng đục. Nay hiện tượng này ngày càng nặng, chúng tôi không thể giặt giũ, rửa ráy, phải xin nước ngọt nơi khác về sử dụng” - bà Châu Thị Tần ở thôn Kỳ Trân nói.

Nuôi tôm trên cát gây nên nhiều hệ lụy vào thời điểm này.
Nuôi tôm trên cát gây nên nhiều hệ lụy vào thời điểm này.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại các xã Bình Nam (Thăng Bình) Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành). Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, nuôi tôm trên cát ở các địa bàn của xã ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm nhiễm mặn nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, với khả năng của chính quyền cấp xã thì không thể lấy mẫu, phân tích các yếu tố trong nước để xác định rõ mức độ nhiễm mặn đến đâu. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, xã đã nhiều lần phối hợp với các ngành chức năng của huyện đi kiểm tra xung quanh các vùng nuôi tôm trên cát. Qua khảo sát thì nhận thấy nông hộ nuôi tôm còn nhỏ lẻ, tự phát, không đầu tư được hệ thống xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường. “Vấn đề căn cơ nhất là người dân thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư nuôi tôm đến đầu đến đũa. Dù đã được chính quyền nhắc nhở, khuyến cáo nhưng các hộ nuôi tôm vẫn lén xả nước thải ra ngoài mà rất khó xử phạt hành chính vì chúng tôi thiếu thẩm quyền” - ông Hùng nói.

Theo UBND xã Tam Tiến, nuôi tôm trên cát bộc lộ nhiều hệ lụy vào thời điểm này. Do số ít nông hộ mới chỉ đầu tư được ao chứa lắng, không đủ tiềm lực để đầu tư ao xử lý nước thải, gây nhiễm mặn nguồn nước ngầm. “Chúng tôi có biết người dân sinh sống trong các vùng nuôi tôm trên cát gặp khó về nguồn nước sinh hoạt do bị nhiễm mặn mà không thể lọc được. Thế nhưng, họ chỉ phản ánh bộc phát chứ chưa gửi đề xuất đến xã mong chấn chỉnh tình hình” - ông Nguyễn Xuân Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến nói.

Suy giảm nguồn nước

Theo Sở NN&PTNT, nước thải từ nuôi tôm trên cát xả trực tiếp ra sát biển hoặc thấm trực tiếp tại vùng nuôi, gây ô nhiễm môi trường và mặn hóa nước ngọt ngầm. Tình trạng chặt phá cây phi lao ven biển; chuyển đổi đất vườn, đất trồng cây sang đất nuôi trồng thủy sản để nuôi tôm trên cát xảy ra nhiều ở các địa phương ven biển. Thời gian qua, sở đã có hướng dẫn các hộ nuôi tôm trên cát áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng đến thời điểm này, thực trạng chưa cải thiện mấy. Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các địa phương ven biển chưa có đánh giá, báo cáo và đề xuất các giải pháp áp dụng cho nuôi tôm trên cát để hạn chế tác động xấu đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, tỉnh đã có quy hoạch tạm thời đối với nuôi tôm trên cát, áp dụng đến năm 2018. Trong thời gian đến sẽ đánh giá lại quá trình nuôi tôm trên cát để có các giải pháp thích hợp, khắc phục ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.

Tại những vùng nuôi tôm trên cát tập trung, nhu cầu sử dụng nguồn nước ngọt để dung hòa độ mặn được lấy trực tiếp từ biển vào là rất lớn, đến hàng chục triệu mét khối/năm. Hiện tại, ở Quảng Nam chưa có khảo sát, đánh giá tình trạng suy kiệt nguồn nước ngọt, nước ngầm như các phản ánh của người dân và chính quyền cơ sở. Do nuôi tôm trên cát sử dụng nguồn nước ngầm quá lớn nên đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy, ngoài nhiễm mặn và suy kiệt nguồn nước còn phải tính đến sụt lở địa tầng, biến động địa chất ở khu vực xung quanh. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân mà còn tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội khác. “Nuôi tôm trên cát là hoạt động kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của đại bộ phận dân cư trên địa bàn nên chính quyền chủ yếu tuyên truyền, vận động người nuôi tôm siết chặt các công đoạn tổ chức, hạn chế ảnh hưởng xấu đến bên ngoài. Môi trường bị biến động đã ảnh hưởng xấu trực tiếp khiến người nuôi tôm gặp khó đã đành còn phải tính toán đến các tác động xấu khác đến những người sống xung quanh”, ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến nói.

Có mặt tại các vùng nuôi tôm trên cát tập trung thuộc các xã Bình Hải, Bình Nam (Thăng Bình), Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải (Núi Thành), chúng tôi nhận thấy nước thải theo các con mương nhỏ chảy trực tiếp ra biển. Đi dọc theo các mương này nghe mùi hôi bốc lên nồng nặc. Trên bề mặt các mương nước, chất thải tù đọng, những vũng nước đen ngòm. Dọc theo những mương dẫn nước này, tình trạng xói lở cát xảy ra nghiêm trọng, nhiều nơi rừng phòng hộ bị chặt hạ. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, nuôi tôm trên cát tồn tại nhiều bất cập vào thời điểm này. Việc kiểm soát chất thải từ nuôi tôm lót bạt trên cát theo hình thức thâm canh, công nghiệp còn hạn chế. Nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng xả trực tiếp ra sông, biển, làm ô nhiễm môi trường nước.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hệ lụy nuôi tôm trên cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO