Hệ lụy phát triển nóng cây cao su

TRƯƠNG TÂM THƯ (thực hiện) 13/01/2018 09:36

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích trồng cao su ở Quảng Nam lên đến hơn 30.428ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017 các doanh nghiệp toàn tỉnh mới trồng chưa đầy 10.000ha cao su. Nhiều diện tích quy hoạch, giao cho các doanh nghiệp trồng cao su nhưng bị bỏ hoang hóa hoặc suy giảm thâm canh, trong khi người dân thiếu đất sản xuất, gây bức xúc tại địa phương và lãng phí đất. Để giải quyết thực trạng này, UBND tỉnh đang có những bước giảm diện tích quy hoạch để giao đất về cho dân sản xuất, đồng thời rà soát và sẽ thu hồi những diện tích mà các doanh nghiệp cao su để lãng phí.

Khai thác mủ cao su. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khai thác mủ cao su. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI

Một thời ngành nông nghiệp “tùy hứng” trong quy hoạch diện tích trồng cây cao su; chính quyền “ưu ái” cho doanh nghiệp, nhưng lại lỏng lẻo với cơ chế giám sát, kiểm soát khiến nguồn lực đất đai miền núi bị lãng phí rất lớn.

Kéo dài tình trạng hoang hóa

Vì khát khao giảm nghèo nhanh nên cây “vàng trắng” được chính quyền chủ trương khuyến khích phát triển, dành cơ chế hỗ trợ đặc biệt. Thế nhưng, sau các cơn bão càn quét và giá mủ tụt dốc trong thời gian dài khiến một số địa phương bừng tỉnh, cân nhắc được – mất khi trồng. Thời ăn nên làm ra, nhiều nơi chấp nhận chịu mất đất nương rẫy nhường cho cây cao su. Bén rễ muộn trên vùng đất Bắc Trà My, “bánh vẽ” quy hoạch cho loại cây này chiếm dụng nhiều diện tích đất. Tại xã Trà Đốc, theo Giám đốc Nông trường Cao su Bắc Trà My Nguyễn Văn Phương, từ năm 2013 đã quy hoạch 1.400ha cho cao su, nhưng thực tế chỉ thực hiện gần 40ha. Ở xã Trà Nú, quy hoạch diện tích hơn 1.000ha nhưng cũng chỉ thực hiện hơn 500ha. Bà Trần Thị Hồng Thúy - Chủ tịch UBND xã Trà Nú ngán ngẩm: “Nhiều năm nay, hầu như doanh nghiệp không thực hiện mở rộng diện tích mới, phần đất còn lại bỏ hoang rất phí. Chính quyền từng đề xuất giao lại cho đồng bào Co phần đất chưa triển khai trồng nhưng vẫn chưa được chấp thuận”. Tại Bắc Trà My, có hai doanh nghiệp trồng cao su là Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam và Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang. Tổng diện tích trồng cao su của huyện hơn 2.000ha. Không thực hiện đúng lộ trình cam kết, có nơi quy hoạch “treo” trồng cao su vì thế đất nương rẫy cũng trong tình trạng hoang hóa.

Việc doanh nghiệp không thực hiện trồng cao su khiến đất đai bỏ hoang rất lãng phí. Ảnh: H.P
Việc doanh nghiệp không thực hiện trồng cao su khiến đất đai bỏ hoang rất lãng phí. Ảnh: H.P

Thời gian qua, tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai với quy mô lớn tập trung ở các xã vùng cao của huyện Đông Giang. Hơn 10 năm trước, doanh nghiệp tư nhân từng mong muốn thâu tóm “đất vàng” nương rẫy để trồng cao su. Thời điểm 2007 - 2008, chỉ có mỗi Công ty CP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn triển khai trồng cao su tại các xã Ba, Tư, A Ting. Doanh nghiệp này đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Hiện nay, Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam tham gia trồng cây cao su tại Đông Giang. Trước đây, người dân địa phương sẵn sàng nhận tiền bồi thường đất với giá rẻ để cho doanh nghiệp phủ xanh cao su. Ấy vậy mà, doanh nghiệp vẫn bỏ hoang đất kéo dài năm này qua năm khác. Do đất đai quy hoạch trồng cao su không liền vùng, liền thửa nên việc quản lý rất khó khăn, đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm để trồng keo. Nghịch lý ở xã Ba là doanh nghiệp nhiều năm trời bỏ đất hoang, trong khi bà con lại không có đất sản xuất. Mặt khác do doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo, một số đồng bào Cơ Tu trở lại nương rẫy trước đây từng canh tác để gieo trồng. Thống kê của chính quyền xã Ba, diện tích bỏ hoang trên địa bàn hơn 200ha, cây cao su phát triển kém. Còn tại xã A Ting, hiện trạng “đất chết” trở thành mối quan tâm hàng đầu của địa phương. Chủ tịch UBND xã A Ting - ông Pơloong Nhong thông tin, gần 8 năm qua, dân đã bàn giao đất trên thực địa, nhưng phía chủ đầu tư trồng cao su vẫn bỏ hoang hóa ít nhất 64ha.

Xung đột quyền lợi

Ông Đinh Xuân Bin, người dân ở xã Ba nói: “Bây giờ bà con tôi chỉ mong muốn công ty cao su trả lại diện tích đất không đầu tư. Dân muốn trả tiền lại cho công ty đã bồi thường mỗi héc ta 12 triệu đồng”. Theo người dân ở xã Ba, trước đây họ sẵn sàng nhường đất sản xuất vì nghĩ sẽ được công ty giải quyết công ăn việc làm, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Thế nhưng, ngoài chuyện thất nghiệp, lại mất tư liệu sản xuất nên nhiều người lâm vào cảnh chật vật thoát nghèo. Trước việc doanh nghiệp thừa quỹ đất, dân thiếu diện tích sản xuất, huyện Đông Giang đề xuất UBND tỉnh thu hồi gần 323ha diện tích đã giao cho Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam nhưng chưa triển khai dự án. Doanh nghiệp này hiện tại chỉ chăm sóc số diện tích đã trồng (hơn 588ha), còn hơn 900ha mà UBND tỉnh giao trồng mới vẫn chưa đả động gì. Được biết, công ty này thuê chủ yếu là đất dự án trồng rừng 327 mà trước đây đã giao cho các hộ dân quản lý. Thế nhưng khi được giao đất, công ty lại không thực hiện đúng cam kết nên chính quyền địa phương và người dân rất bức xúc. Vì xung đột giữa người dân và doanh nghiệp, dân chiếm đất cao su trồng keo nên chính quyền huyện Đông Giang đã có kiến nghị với UBND tỉnh cương quyết tạm dừng việc mở rộng diện tích trồng mới cây cao su đối với công ty. Rà soát, thu hồi số diện tích bỏ hoang để giao cho dân quản lý, sử dụng.

Bí thư Huyện ủy Đông Giang Đỗ Tài cho rằng, nếu không chấn chỉnh kịp thời về tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất của người dân, thu hồi đất bỏ hoang ở công ty cao su, thì sẽ gây lãng phí nguồn lực đất đai lớn ở miền núi. “Cần chế tài xử lý thật cương quyết, bàn giao đất cho địa phương quản lý, giao lại cho dân sản xuất thì mới có cơ may giảm nghèo bền vững” - ông Tài nói. Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Nguyễn Viễn khẳng định, quy hoạch vùng trồng thuộc chức năng của Sở NN&PTNT. Một thời do chủ trương phát triển mạnh loại cây này, giao đất ồ ạt cho nhà đầu tư mà để lại nhiều khoảng trống trong quản lý.

CHÁN CHÊ LÀM CÔNG CAO SU

Giá mủ cao su “chạm đáy” thời gian dài, cả doanh nghiệp lẫn người dân gặp khó. Để cầm cự sản xuất, các nông trường đã cắt giảm nhiều chi phí đầu tư, trong đó gây áp lực cho người lao động tự bỏ việc.

Vườn ươm giống cây cao su tại xã Trà Nú. Ảnh: H.P
Vườn ươm giống cây cao su tại xã Trà Nú. Ảnh: H.P

Nhân công rẻ mạt

Cánh rừng cao su ở xã Trà Nú (Bắc Trà My) hơn 5 năm tuổi đang giai đoạn  kiến thiết cơ bản nhưng không khí buồn hiu hắt, vắng vẻ lao động. Chẳng một bóng người, chỉ thấy cây gỗ chắn ngang con đường dẫn vào rừng cao su. Từng là công nhân của Nông trường Cao su Bắc Trà My, nhưng giờ bỏ việc, ông Nguyễn Văn V.,  đồng bào  dân tộc Co thôn 2 (xã Trà Nú) bảo, 2 năm 2013 - 2014 khi cao su bắt đầu bén rễ, không khí làm đất, tưới cây, dọn cỏ luôn rộn rã một góc rừng. Nhiều nhóm hộ còn “giành” nhau nhận khoán, chăm sóc cây bởi được trả tiền công kha khá. Thế nhưng, vài năm nay khi giá “vàng trắng” tụt dốc không phanh, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhiều chi phí đầu tư, kéo theo giá nhân công lao động thua xa các việc làm phổ thông khác nên đồng bào Co lần lượt rời nông trường. Nhiều đồng bào Co bộc bạch, ngày trước giao đất cho nông trường trồng cao su cảm giác hớn hở bao nhiêu thì nay lại thất vọng bấy nhiêu. Bỏ sức ra nhưng đồng bào không nuôi nổi miệng ăn gia đình nên đành bỏ bê luôn vườn cao su.  Ông Hồ Văn Tùng (thôn 5, xã Trà Tân, Bắc Trà My) góp 3ha đất trồng cao su đã ngừng chăm sóc vườn cao su hơn 4 năm tuổi. Theo ông, thực hiện chủ trương chung của địa phương, từ năm 2012, người dân đã thỏa thuận với doanh nghiệp về quyền lợi ăn chia khi khai thác mủ cao su thiên nhiên. Phần lớn diện tích đất trồng cao su nguyên thủy trước đây là nương rẫy, đất đồi trồng rừng của người dân. Sở dĩ, đồng bào mạnh dạn góp đất vì tin vào những lời hứa của doanh nghiệp rằng sẽ sử dụng lao động thường xuyên, với chi phí chăm sóc vườn cây hợp lý, song thực tế hoàn toàn ngược lại. Tại huyện Bắc Trà My người trồng từng đề xuất chặt bỏ cây cao su để trồng thay thế các loại cây khác, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tại xã Trà Nú, tìm hiểu được biết, trước đây Nông trường Cao su Bắc Trà My ra định mức cho nhóm hộ nhận khoán mỗi héc ta là 12 công. Tuy vậy, từ năm 2016 đến nay, chỉ giao khoán mỗi héc ta là 3 công (cắt giảm 4 lần). Chính vì lao động quá nặng, tiền công lại rẻ mạt nên lần lượt người dân bỏ chăm sóc cây. Doanh nghiệp và nông dân hợp tác trồng cao su với tỷ lệ ăn chia, sau khi bán sản phẩm doanh nghiệp hưởng 60% còn lại là người dân góp đất.  

Giảm công chăm sóc bằng… thuốc diệt cỏ

Điều đáng nói, là thời gian qua, nhằm giảm chi phí thuê nhân công chăm sóc cao su, doanh nghiệp đã tùy tiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người lao động, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Ông D. - người dân thôn 2, xã Trà Nú tiết lộ: “Trước đây vào mùa nắng nóng, nông trường sử dụng hóa chất độc hại để phun vào gốc cây, dưới khu vực rừng cao su lên xanh để diệt tận gốc cỏ, dây leo bụi rậm. Khoảnh rừng nào phun thuốc thì ở đó gần như không có lao động trực tiếp dọn cỏ”. Lặn lội dưới một tán rừng cao su ở đây, chúng tôi quan sát thấy, có khu vực không một cây cỏ nào ngoi lên nổi. Việc trâu bò thả rông không còn xuất hiện ở vựa cao su. Tình trạng phun hóa chất độc hại ở cánh rừng cao su diễn ra thời gian dài, gây bức xúc cho người dân lẫn chính quyền. Trưởng Công an xã Trà Nú Hồ Văn Bé khẳng định, nông trường đã dùng thuốc lưu dẫn cho chăm sóc vườn cao su. Do vậy, công an địa bàn đã phát hiện, tịch thu một số dụng cụ phun, kể cả máy nổ. “Nơi nào phun thuốc diệt cỏ, nghe mùi khét rất khó chịu. Nếu sử dụng hóa chất độc hại thường xuyên, lâu ngày ngấm xuống đất, tràn chảy ra sông suối, khu dân cư thì rất nguy hiểm” - ông Bé cảnh báo. Còn Chủ tịch UBND xã Trà Nú Trần Thị Hồng Thúy cho biết, sau khi người dân phản ánh, chính quyền đã vào cuộc. Sở NN&PTNT và UBND huyện Bắc Trà My trực tiếp làm việc với Nông trường Cao su Bắc Trà My, theo đó bắt buộc doanh nghiệp cam kết không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh từng lo lắng, không chỉ ở các dự án thủy điện trồng rừng thay thế mà ở các cánh rừng cao su của huyện Bắc Trà My còn có tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ tùy tiện.  

Sử dụng hóa chất bảo vệ vườn cao su là chuyện không mới ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng vì sao lại tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ với người dân? Theo giải thích của chính quyền xã Trà Nú, ngoài hệ lụy nhiễm độc môi trường, doanh nghiệp phun thuốc diệt cỏ đồng nghĩa với cắt bỏ nguồn lao động thủ công. Người dân thiếu việc làm, từ đây phát sinh hệ lụy xã hội. Ông Nguyễn Văn Phương – Giám đốc Nông trường Cao su Bắc Trà My thừa nhận, do lao động thủ công chăm sóc cao su không đảm bảo; ngày công, định mức giao khoán thấp trong khi dùng thuốc diệt cỏ nhanh, hiệu quả hơn sẽ giảm một phần chi phí đầu tư. “Chính quyền huyện, xã hiện nay cấm hẳn việc dùng thuốc diệt cỏ dưới tán rừng cao su nên nông trường cũng không còn sử dụng nữa” - ông Phương nói. (TRẦN HỮU)

ĐỂ LÃNG PHÍ ĐẤT THÌ SẼ THU HỒI

Đó là ý kiến của ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về chủ trương xử lý tình trạng các doanh nghiệp chiếm dụng và bỏ hoang cả nghìn héc ta đất trồng cao su ở các huyện trung du, miền núi, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh cho biết:

Đối với cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, khi mới xuất hiện và trong thời gian khá dài đã giải quyết cơ bản vấn đề phát triển kinh tế xã hội ở miền núi. Rất nhiều diện tích đất trống, trồng rừng kém hiệu quả đã chuyển sang trồng cao su, và giá cao su lúc đó khá cao, đạt đến mức kỷ lục. Vì vậy cao su được xem như “vàng trắng”, đem lại thu nhập rất cao cho người dân ở vùng trung du, miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2017 không chặt bỏ cây cao su

Với giá mủ cao su dạng nước dao động 11 nghìn đồng/kg thì hiện nay sản xuất cao su rất ít có lãi. Nhiều gia đình trồng cao su tiểu điền ở Hiệp Đức vẫn đang duy trì khai thác. Mỗi héc ta khai thác cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí, thì người trồng cao su chỉ… lấy công làm lời. Hai năm nay, huyện Hiệp Đức khuyến khích người dân duy trì chăm sóc và khai thác diện tích hiện có, không còn áp dụng cơ chế hỗ trợ khuyến khích người dân phát triển cao su tiều điền. Đến nay, Hiệp Đức trồng 2.489ha cao su đại điền và 1.710ha cao su tiểu điền. Ông Huỳnh Đức Viên -Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức khẳng định, năm 2016 có gần 10ha cây cao su tiểu điền bị người dân chặt phá, nhưng năm 2017 không xảy ra tình trạng này.

Chính vì vậy mà UBND tỉnh đã có Quyết định 2462 năm 2013 quy hoạch diện tích trồng cao su khoảng 29.000ha, sau đó điều chỉnh bổ sung thêm, đến hơn 30.000ha để phát triển cao su. Được giao đất trồng cao su đại điền trên địa bàn tỉnh chủ yếu là 2 doanh nghiệp: Công ty Cao su Quảng Nam và Công ty Cao su Nam Giang, đều thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Còn một doanh nghiệp tư nhân nữa tham gia trồng cao su đại điền là Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam. Còn cao su tiểu điền thì người dân cũng có tham gia trồng nhưng diện tích không lớn.

Tuy nhiên do tình hình biến động kinh tế, thị trường và các vấn đề khác có liên quan, làm giá mủ cao su xuống thấp và tiếp tục kéo dài, dù đôi lúc có phục hồi nhưng chỉ mang tính thời điểm, cục bộ chứ tính bền vững không cao. Vì vậy, nên các doanh nghiệp trồng cao su không đúng với quy hoạch và kế họach đã đăng ký với tỉnh. Qua rà soát cho thấy từ năm 2011 đến nay, diện tích trồng tăng thêm chỉ khoảng hơn 8.500ha, chưa kể diện tích trồng bổ sung.  

Thưa Phó Chủ tịch, tỉnh đã có những động thái gì để giải quyết thực trạng này?

UBND tỉnh đã có điều chỉnh quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng theo hướng đưa khoảng 43.000ha ra khỏi quy hoạch đất rừng sản xuất để trồng cao su. Trong 43.000ha này, thì diện tích đã trồng cao su chiếm khoảng 9.500ha. Tại Quyết định số 120 năm 2017 về điều chỉnh Quyết định 2462 năm 2013 của UBND tỉnh, thì diện tích quy hoạch trồng cao su đã giảm đi theo hướng: Đối với những khu vực khe, suối, địa hình hiểm trở, xa xôi mà doanh nghiệp không có điều kiện, khả năng để trồng cao su, thì bây giờ loại ra. Còn với những khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển rừng sản xuất giao cho dân trồng; mặc dù đã đưa vào quy hoạch nhưng doanh nghiệp chậm tiến độ, thì cũng đưa ra khỏi quy hoạch.

Hiện tổng diện tích cao su cả tỉnh có khoảng 13.000ha, dự kiến phát triển thêm đến 2020 chỉ khoảng 2.000ha nữa. Tức là giới hạn diện tích cao su ở khoảng 15.000ha, tương đương với hơn 20.000ha đất tự nhiên. Đối với cao su tiểu điền thì vận động người dân cố gắng duy trì diện tích hiện nay, chứ không phát triển thêm. Tỉnh cũng đã giao cho thanh tra thực hiện thanh tra việc sử dụng đất của các doanh nghiệp trồng cao su ở tỉnh. Đến nay thì thanh tra cũng đã sắp có kết quả để báo cáo tỉnh.   

Quan điểm xử lý của tỉnh như thế nào?

Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là thu hồi đối với những diện tích để lãng phí kéo dài. Việc này sẽ làm rất rõ ràng, theo quy định của Luật Đất đai, nếu doanh nghiệp chậm tiến độ quá 12 tháng, hoặc không sử dụng đất trong vòng 24 tháng thì đều có thể xem xét thu hồi. Dựa trên cơ sở kết luận thanh tra, tỉnh sẽ có quyết định cụ thể.

Phải tiến hành xử lý thực trạng này để giải quyết 2 việc: Diện tích nào có thể giao về cho địa phương để địa phương giao lại cho dân chuyển đổi sang trồng các loại cây sản xuất khác, thì tiến hành chuyển giao. Diện tích nào thấy cần phải để lại để chuyển sang trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn theo hướng trồng tập trung quy mô lớn để phục vụ cho liên kết chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp, thì để lại, báo cáo UBND tỉnh. Hiện nay tỉnh đã cho chủ trương hình thành các cụm liên kết chuỗi giữa các nhà máy công nghiệp chế biến gỗ lớn mà chủ yếu là gỗ keo, đường kính thân phải từ 30cm trở lên và thời gian trồng, khai thác phải 11 - 12 năm.

Việc các doanh nghiệp không tiến hành trồng cao su và để hoang hóa một diện tích đất lớn, có thể nói là rất lãng phí?

Tất nhiên là lãng phí rồi. Việc doanh nghiệp để thời gian kéo dài không trồng, suy giảm thâm canh thì gây lãng phí đất, tốn chi phí quản lý chăm sóc và không đem lại thu nhập cho người dân - do người dân được chi trả công lao động thấp đi. Điều đó gây thiệt hại rất nhiều, phải tính toán điều chỉnh lại cho phù hợp.

Ngoài ra, khi giao diện tích trồng cây cao su thì đồng thời tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp phải tổ chức chế biến sâu, cho ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chứ không phải là sản xuất và bán nguyên liệu thô. Nhưng đến nay các doanh nghiệp cũng chỉ mới dừng ở một bước sơ chế, có nhà máy ép mủ, bán, chứ chưa phải là tinh chế và ra các sản phẩm có xuất xứ từ cao su tự nhiên.

Quan điểm tỉnh là chia sẻ với doanh nghiệp, song cũng phải tính toán để phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội miền núi. Các doanh nghiệp phải đảm bảo đời sống, thu nhập cho nông dân, công nhân ở các lâm trường cao su. Doanh nghiệp cũng phải tính đến hình thức liên kết với các doanh nghiệp khác, để sản xuất cao su phụ trợ cho các ngành đó. Ví dụ như công nghiệp ô tô ở Quảng Nam, họ cần rất nhiều phụ kiện bằng cao su, thì các doanh nghiệp cao su phải vận động, liên kết với họ để tham gia sản xuất các linh kiện cao su đó.

TRƯƠNG TÂM THƯ (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hệ lụy phát triển nóng cây cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO