Quy hoạch, quy trình… những chữ “quy” đó dùng trong văn bản quản lý hành chính, từ ngữ trung tính, nhưng khi áp dụng nội dung của nó không phải bao giờ cũng đều tạo ra sự hợp lý, thuận tình. Cho nên, trong hoạt động kinh tế - xã hội nào đó, có không ít điều đã quy định bị vô hiệu, nhiều quy hoạch, quy trình bị phá vỡ hoặc không còn phù hợp cần phải rà soát, điều chỉnh.
Như cái quy trình vận hành thủy điện, không phải bây giờ mới gặp sự cố như Đắk Mi. Nhớ lại cơn hồng thủy hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2009, dư luận báo chí đã ầm ĩ chú ý vào việc A Vương xả lũ, coi đó là nguyên nhân dẫn đến tai họa cho vùng hạ du. Rồi nhiều địa phương miền núi cũng lên tiếng chỉ trích, “kêu” phát triển thủy điện làm mất diện tích rừng khá lớn.
Tỉnh ủy Quảng Nam phải dành hội nghị mở rộng lần thứ 18 (khóa XIX) vào ngày 4.12.2009, để thảo luận chuyên đề đánh giá lại việc phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh. Hội nghị tranh thủ ý kiến của các bộ ngành Trung ương, các chuyên gia nhằm có giải pháp sớm nhất giải quyết các vấn đề bức xúc...
Tại hội nghị đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đã nhấn mạnh vấn đề là trong quá trình triển khai hàng loạt dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, công tác khảo sát, đánh giá tác động môi trường, phân tích chi phí lợi ích đến việc thiết kế xây dựng, lắp máy và giám sát xây dựng... đều do từng chủ đầu tư riêng lẻ thực hiện. Sự phối hợp giám sát của địa phương và các ngành chức năng chưa đồng bộ; một số nhà máy chưa được thẩm định, đánh giá về trình độ công nghệ... Do vậy, đã phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến hàng nghìn hộ dân, tác động đến môi trường và tác động đến tư tưởng trong cán bộ và nhân dân.
Từ vấn đề tại hội nghị, Báo Quảng Nam nhanh chóng vào cuộc để khảo sát, đánh giá, phản ánh một cách hệ thống vấn đề, với loạt bài 5 kỳ “Quy hoạch, phát triển thủy điện” (của nhóm tác giả Doãn Hoàng – Lê Phú Thạnh, sau đó đoạt giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng, mùa giải 2009-2010). Loạt bài đề cập nhiều góc cạnh, từ quy hoạch thủy điện với mật độ quá đậm đặc, đến hệ lụy mất rừng, quy trình vận hành điều tiết lũ bất cập, những ảnh hưởng tiêu cực đến hạ du… Đáng lưu ý, trong loạt bài có phỏng vấn ý kiến của ông Lê Trí Tập, chuyên gia thủy lợi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Lê Trí Tập đã thẳng thắn nêu ra thực trạng để mất diện tích rừng lớn do làm thủy điện, rằng “để có 1MW điện phải mất ít nhất 7,5 - 10ha rừng”, như thế là nguy cơ cho phòng chống bão lũ. Ý kiến này cũng đồng thuận với ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Thường trực HĐND lúc bấy giờ, là “…việc triển khai đầu tư ồ ạt thủy điện nhưng chưa đánh giá hết tác động tiêu cực đến đời sống hàng chục nghìn hộ dân, đến kinh tế và tác hại môi trường... là vấn đề cần tính lại, không phải cứ thấy lợi là đầu tư mà bất chấp tất cả”.
Đến nay, sau 11 năm vấn đề được nêu trên Báo Quảng Nam, nhìn lại quy hoạch thủy điện càng thấy rõ câu chuyện “lợi bất cập hại” như một số nhà chuyên môn đã phân tích, rằng nếu nhìn vào phân bố hệ thống sông theo mạng lưới nan quạt như Quảng Nam: tất cả đều đổ ra một cửa, trên nó có hàng loạt thủy điện, khi những công trình này không điều tiết được nước mà đồng xả lũ thì lũ cộng hưởng với tự nhiên sẽ gây tai họa nghiêm trọng.
Khi các chuyên gia và báo chí lên tiếng đã giúp cho Quảng Nam điều chỉnh quy hoạch thủy điện, cắt giảm nhiều dự án (khi đó có tới 58 thủy điện, hiện nay cắt giảm còn 44). Bài học từ Đắk Mi có lẽ thêm một ví dụ để cảnh báo, dù có nói là vận hành đúng quy trình thì cũng phải xem lại quy trình đó có gây thiệt hại cho môi trường, cho dân hay không. Và, hãy nói không với việc xây thêm thủy điện!