Hệ lụy từ ô nhiễm không khí

QUỐC HƯNG 07/12/2017 14:24

Ngày 6.12, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đưa ra cảnh báo về việc 17 triệu trẻ em toàn cầu bị đe dọa trực tiếp quá trình phát triển não do ô nhiễm không khí gây ra.

Học sinh Indonesia được nghỉ      học sớm vì khói mù dày đặc.  Ảnh: Reuters
Học sinh Indonesia được nghỉ học sớm vì khói mù dày đặc. Ảnh: Reuters

Theo UNICEF, mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh về đường hô hấp đã được các nhà khoa học kiểm chứng. Thực tế hiện nay, bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp ngày càng tăng và yếu tố liên quan nhiều nhất được nhắc đến là do ô nhiễm không khí. Đặc biệt, trong số 17 triệu trẻ em dưới một tuổi sống tại khu vực bị ô nhiễm nặng, thì Nam Á chiếm khoảng 12,2 triệu em. Khu vực này có mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời cao hơn 6 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Vào giữa tháng 11 vừa qua, chính quyền thành phố New Delhi (Ấn Độ) buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp do ô nhiễm không khí trầm trọng, cấm tất cả hoạt động xây dựng và xe tải vào thành phố. Hệ thống trường học tại đây phải đóng cửa để mọi người, nhất là trẻ em giảm sự phơi nhiễm với các chất gây ô nhiễm không khí.

Các nhà khoa học đã chứng minh quá trình phát triển não bộ trong 1.000 ngày đầu đời đóng vai trò rất quan trọng, quyết định khả năng học hỏi, phát triển và định hướng cuộc sống của trẻ sau này. Hít phải khí độc trong suốt thời kỳ mang thai cũng bị gây hại. Các nghiên cứu cho thấy chất ô nhiễm có thể vượt qua nhau thai và ảnh hưởng đến não đang phát triển của thai nhi; đặc biệt mối liên hệ giữa sự phơi nhiễm trước sinh với mức độ ô nhiễm không khí cao ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi sau này ở trẻ em. “Ô nhiễm không những gây tổn thương phổi cho trẻ mà có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não, gây dị tật nhất là trẻ sơ sinh. Điều này tác động rất lớn đến tương lai của trẻ” - Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake nói.  

Theo thống kê của UNICEF, khoảng 2 tỷ trẻ em trên thế giới đang sống tại vùng không khí bị ô nhiễm, hậu quả gần 2 triệu em tử vong, nhất là tại các quốc gia nghèo. Hàng triệu trẻ em khu vực Nam Á không những sống chung với ô nhiễm ngoài trời mà ngay tại trong nhà do sử dụng các nhiên liệu như than và củi để nấu ăn hay sưởi ấm. UNICEF cho biết, việc chú trọng tới quá trình phát triển não bộ cũng quan trọng không kém việc tập trung đảm bảo cho trẻ có nền tảng giáo dục tốt. Do vậy, các chính phủ trên thế giới cần nhanh tay hành động để bảo vệ quyền được sống với môi trường trong sạch. Ông Nicholas Rees, tác giả báo cáo trên của UNICEF nói: “Những phát hiện có tính khoa học về liên quan giữa ô nhiễm không khí với sự phát triển của não vẫn chưa phải kết luận cuối cùng nhưng sự gia tăng về số lượng bằng chứng khoa học chắc chắn là lý do dẫn đến sự lo ngại”. Có thể thấy, hành động vì môi trường xanh, bền vững đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ riêng quốc gia nào mà cần sự chung tay của toàn thế giới.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hệ lụy từ ô nhiễm không khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO