(VHQN) - Ngày càng có nhiều hơn các điểm đến “dịch chuyển” vào không gian mạng. Chưa kể, các ứng dụng thuyết minh đa ngôn ngữ, bản đồ số... đang tạo nên hệ sinh thái du lịch thông minh khắp cả nước.
Zoe - nữ du khách Pháp cùng bạn trai Wuwa người Canada lần đầu tiên đến Khu đền tháp Mỹ Sơn và họ chọn trải nghiệm tham quan Mỹ Sơn cùng hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ Audio Guide. Thật đặc biệt, Zoe nói, khi mọi thông tin tại Mỹ Sơn đều được giải thích cụ thể bằng ngôn ngữ quê hương chị.
“Mọi điều thật đặc biệt. Bởi lần đầu tôi được hiểu cặn kẽ về một di sản bằng chính tiếng Pháp. Đây là điều khác biệt so với các di tích khác của Việt Nam tôi từng đến, bởi những điểm đến khác cũng có hướng dẫn viên nhưng thường dùng tiếng Anh chủ yếu” - Zoe chia sẻ.
Chính việc cho phép chủ động chọn ngôn ngữ và hệ thống thông tin tổ chức khoa học là điều khiến Mỹ Sơn lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách nước ngoài.
Tháng 6/2023, Mỹ Sơn đưa vào chạy thử nghiệm hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ với 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Hàn, Việt. Du khách được lựa chọn ngôn ngữ cũng như các bài thuyết minh theo từng bước chân của mình. Và họ có thể nghe đi nghe lại, thậm chí lưu về điện thoại của mình để nghiên cứu.
Với giá thành 50 nghìn đồng một vé thuyết minh tự động có giá trị trong vòng 8 tiếng đồng hồ, du khách có thể nghe toàn bộ 40 câu chuyện tương ứng với 40 điểm tham quan chính tại Khu đền tháp Mỹ Sơn sau khi quét mã QR được cấp. Bên cạnh việc mua vé thuyết minh tự động bằng điện thoại, du khách có thể chọn thuyết minh tự động bằng headphone được cài sẵn.
Trước đó, một website thực tế ảo VR360 chi tiết cho toàn bộ di sản Mỹ Sơn đã đi vào hoạt động, tích hợp tính năng thuyết minh ảo, thuyết minh giới thiệu tổng quan, đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World.
Từ các ứng dụng của chuyển đổi số, sản phẩm du lịch được thiết kế phong phú, đa dạng hơn. Du khách cũng có nhiều lựa chọn khi tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm. Trên cơ sở thế mạnh đặc thù từng địa phương sẽ có cách thức quảng bá, tạo điểm nhấn bằng chính nền tảng công nghệ.
Trong những ngày đầu tháng 10/2023, những người yêu mến Tam Kỳ truyền nhau về một bản đồ số các điểm đến của thành phố này. Từ làng bích họa Tam Thanh, Bãi Sậy - Sông Đầm, Địa đạo Kỳ Anh, Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Văn Thánh Khổng Miếu... việc “du lịch trong tầm tay” hoàn toàn thành hiện thực.
Với giải pháp VR360 thực tế ảo, chỉ cần “một chạm”, các dữ liệu bao gồm hình ảnh, bản đồ lẫn thuyết minh về từng điểm đến sẽ giúp người dùng có cái nhìn toàn cảnh về từng địa điểm của Tam Kỳ. Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, mô hình bản đồ số du lịch sẽ từng bước hoàn thiện các tính năng để trở thành công cụ quảng bá hiệu quả về các điểm đến của TP.Tam Kỳ.
Gia tăng trải nghiệm từ các nền tảng số là kỳ vọng của những người làm du lịch lẫn du khách. Đặc biệt, hệ sinh thái du lịch thông minh càng mạnh mẽ hơn từ sau đại dịch COVID-19. Phát triển du lịch số sẽ là nguồn tài nguyên mới nếu biết cách tận dụng hiệu quả, bởi đây có lẽ là phương thức tiếp cận du khách nhanh nhất...
Ngành du lịch Việt Nam đã hoàn thành số hóa toàn bộ dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch cũng đã hình thành.
Ngoài ra, còn có một số ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ, phục vụ du khách tra cứu thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để phục vụ khách du lịch, ứng dụng “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam” phục vụ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý... cũng đã hình thành.