Hệ thống cảnh báo lũ

HOÀNG THỌ 21/07/2014 09:14

“Nhật Bản là quốc gia thường xuyên hứng chịu thiên tai, lũ lụt. Chính vì thế chúng tôi sử dụng các hệ thống cảnh báo để đề phòng và đem lại rất nhiều hữu ích. Chúng tôi sẽ lắp đặt tại đây một hệ thống cảnh báo lũ để giúp giảm thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ” - giáo sư Yoshiyori Urano, cố vấn cao cấp Đại học Waseda (Nhật Bản) khẳng định như vậy khi khảo sát dự án tránh lũ tại Nam Trà My.

Công nghệ mới

Những ngày giữa tháng 7 vừa qua, đoàn chuyên gia cao cấp Đại học Waseda (Nhật Bản) và các giảng viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông Việt Nam đã đến huyện Nam Trà My để khảo sát địa điểm lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ bằng công nghệ M2M (machine-to-machine). Đoàn đã có cuộc tiếp xúc với chính quyền huyện Nam Trà My để tìm hiểu những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, lũ lụt gây ra hàng năm. Theo đó, Nam Trà My là địa bàn vùng núi cao, sông suối dày đặc nên vào mùa mưa thảm họa lũ quét, sạt lở đất đá xảy ra liên tục tàn phá nhiều làng mạc và cướp đi hàng chục sinh mạng người dân. Đơn giản là do thông tin cảnh báo tới người dân còn hạn chế. Hơn nữa là hầu như ở vùng núi không có bất kỳ thiết bị dự đoán mức độ nguy hiểm của lũ lụt để truyền tải thông điệp phòng tránh tới người dân. Trong chuyến khảo sát thực địa, các chuyên gia Nhật Bản đã quyết định sẽ lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ sớm tại làng Tắk Râu thuộc thôn 2 xã Trà Mai. Ngôi làng này nằm tại điểm giao nhau giữa sông Nước Ui và Nước Piêu nên khi xảy ra lũ quét rất nguy hiểm. Theo đó, thiết bị cảnh báo sớm bao gồm 3 cảm biến tốc độ, lưu lượng nước đặt tại 3 vị trí khác nhau dưới dòng sông, một hệ thống máy chủ sử dụng điện mặt trời để thu thập thông tin từ các cảm biến và tính toán đưa ra cảnh báo tới người dân. Chỉ cần có lũ phía đầu nguồn, các cảm biến này sẽ đo nhận thông tin và truyền lập tức về máy chủ xử lý. Ngoài ra, dự án này còn đầu tư thêm trạm khí tượng thủy văn tại khu vực đầu nguồn sông Nước Ui để nắm bắt tình hình thời tiết và truyền tín hiệu về máy chủ thông qua hệ thống mạng không dây.

Chuyên gia Nhật Bản phác họa địa điểm đặt thiết bị cảnh báo lũ.  Ảnh: Hoàng Thọ
Chuyên gia Nhật Bản phác họa địa điểm đặt thiết bị cảnh báo lũ. Ảnh: Hoàng Thọ

Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Trưởng khoa Điện tử Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông Việt Nam cho biết: “Công nghệ M2M sử dụng tối đa ưu điểm của điện tử, viễn thông để tham gia cảnh báo thiên tai lũ lụt. Chỉ cần phía thượng nguồn có mưa lớn, lũ quét, hệ thống này sẽ lập tức đưa ra cảnh báo tới cơ quan phòng chống lụt bão cũng như người dân. Thời gian tiếp nhận thông tin, xử lý và đưa ra cảnh báo của hệ thống M2M khoảng vài giây, chậm nhất là một phút. Ưu điểm của thiết bị này là sử dụng pin mặt trời nên rất chủ động”. Cũng theo tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, ban đầu các chuyên gia Nhật Bản dự định sẽ sử dụng công nghệ truyền tin tới người dân bằng internet nhưng do vùng này mọi người không có thiết bị nhận tin nên sẽ chuyển qua hệ thống phát thanh để cảnh báo mức độ nguy hiểm. Nếu linh hoạt hơn, chính quyền địa phương có thể gửi thông điệp về tình hình lũ lụt một cách nhanh chóng tới các nơi khác trong huyện và thậm chí xuống cả vùng hạ lưu để người dân đề phòng.

Ý nghĩa nhân văn

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Lê Ngọc Kích trong quá trình đưa đoàn khảo sát luôn bày tỏ kỳ vọng dự án sẽ thành công. Bởi với một huyện miền núi, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc cập nhật thông tin, tình hình mưa lũ là hết sức hạn chế. Nhiều tai nạn hết sức thương tâm đã xảy ra cũng vì sự chủ quan. “Nếu dự án này thành công, huyện Nam Trà My sẽ biết sớm được tình hình thiên tai, lũ lụt để thông báo tới người dân có cách đề phòng nhanh chóng và hiệu quả nhất”.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng cho biết hệ thống cảnh báo lũ M2M đã phát huy rất nhiều hiệu quả trong việc cảnh báo lũ lụt. Tại làng Tắk Râu, nơi đặt hệ thống sẽ lắp đặt thêm đèn báo hiệu nguy hiểm để người dân dễ dàng ứng phó. Bà Masako Nameki - giảng viên Đại học Waseda cho biết, sẽ tài trợ thêm các bộ tranh, ảnh bằng tiếng Việt hướng dẫn cách ứng phó với lũ lụt để người dân và nhất là trẻ em biết được cách đề phòng. Giáo sư Yoshiyori Urano - cố vấn cao cấp Đại học Waseda đã không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến Nam Trà My và chứng kiến cảnh nhiều trẻ em ở làng Tắk Râu nô đùa giữa dòng sông Nước Ui. Qua chuyến khảo sát và quyết định hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ tại Nam Trà My, giáo sư Urano khẳng định, nhờ hệ thống này mà ở Nhật Bản đã chủ động phòng tránh được nhiều thảm họa xảy ra. Hàng trăm mạng người đã được cứu sống nhờ có sự cảnh báo của công nghệ M2M. “Tôi thấy vùng này địa thế rất nguy hiểm. Nếu nước lũ đổ về mà người dân không có thông tin thì hậu quả rất đau thương. Nên khi lắp đặt M2M sẽ rất hữu hiệu. Tuy vậy, chỉ với hệ thống cánh báo sớm là chưa đủ mà thêm vào đó cần có công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân biết được là cần phải làm gì khi có lũ. Như thế mới phát huy được hiệu quả cứu người”- giáo sư Urano cho biết.

Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm, các chuyên gia Nhật Bản sẽ phối hợp với giảng viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông Việt Nam triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ M2M tại làng Tắk Râu, xã Trà Mai. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để huyện Nam Trà My thực hiện tốt công tác phòng tránh thiên tai mưa lũ và giảm thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

HOÀNG THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hệ thống cảnh báo lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO