Chiến tranh đã đi qua gần trọn bốn thập niên nhưng ở huyện Phú Ninh giờ đây vẫn còn hệ thống địa đạo trải rộng trên 6 xã của huyện Bắc Tam Kỳ xưa...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoài địa đạo Kỳ Anh, còn có hệ thống địa đạo trên địa bàn 6 xã phía tây huyện Bắc Tam Kỳ. Hệ thống địa đạo của huyện Bắc Tam Kỳ xưa - nay là huyện Phú Ninh, đã tìm thấy 15 cụm nằm rải rác khắp nơi. Trong đó có ba cụm: Địa đạo Gò Dân (Cây Sanh), Gò Thai (Dương Đàn) và Gò Nông (Tam Thái) đã được cấp bằng di tích cấp tỉnh; nhiều cụm địa đạo còn lại, ngành văn hóa - thông tin (VH-TT) huyện Phú Ninh đang tiến hành khảo sát và hoàn chỉnh hồ sơ. Trải qua thời gian, hệ thống địa đạo ở Phú Ninh vẫn âm thầm giữ lại những trang sử sống động về một thời bám làng đánh giặc. Nếu muốn thực hiện một cuộc khảo sát toàn bộ hệ thống địa đạo này để “mục sở thị” về quy mô và sự độc đáo của những con đường nằm trong lòng đất phải mất cả tuần mới có thể khám phá hết.
Khảo sát địa đạo. |
Những gì chúng tôi tìm lại được trong mấy năm gần đây, chủ yếu cũng từ sự mách bảo của nhân dân địa phương. Có thể nói rằng cả vùng đất thuộc huyện Bắc Tam Kỳ xưa là một chiến khu của địa đạo. Theo số liệu hiện có của Trung tâm VH-TT huyện Phú Ninh, chọn địa đạo Gò Dân (xã Tam Dân ) làm trung tâm thì cả 4 hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc đều có hệ thống địa đạo vững chắc. Nhiều nơi có đường hầm thông nhau giữa các địa đạo; có nơi là những cụm độc lập, nhưng cả hệ thống như một trận đồ bát quái trong lòng đất. Điều khá độc đáo là phần lớn đoạn hầm bằng đất này vẫn còn khá nguyên vẹn và rộng rãi. Từ điểm trung tâm xã Tam Dân có ba cụm địa đạo liên hoàn nhau: Cụm Gò Thai - Gò Dân - Gò Hầm. Chiều dài mỗi cụm từ 1.200 – 1.700m. Phía đông xã Tam Dân có 2 cụm: Gò Nông và Gò Miên, thuộc xã Tam Thái. Mỗi cụm có tổng chiều dài chừng 1.000 - 1.500m. Về phía tây của xã có cụm Vườn Dãy (Long Sơn), Cây Cốc và Gò Miên (Trung Định). Xuôi về hướng Nam của Gò Dân có ba cụm địa đạo gần nhau thuộc xã Tam Đại: Đó là cụm Phước Thượng, Gò Quạnh và Đồn Tháp. Riêng về hướng Bắc - Tây Bắc, chưa đánh giá đầy đủ hiện trạng của địa đạo, mới phát lộ đã có: Cụm Tú Bình, Ao Lầy, Rừng Hoạnh (Tam Vinh), Cẩm Khê (Tam Phước), Gò Trại (Tam Lộc)... Về quy mô, có lẽ là cụm Ao Lầy, vì nơi đây còn giữ được cả hầm cứu thương và giếng nước trong lòng địa đạo. Tuy rộng hẹp có khác nhau, nhưng bình quân một cụm địa đạo ước chừng 1.5km2. Như vậy tổng diện tích của cả hệ thống địa đạo đã chiếm gần 23 cây số vuông , trải đều trên toàn huyện Phú Ninh.
Những địa đạo ở các xã Tam Dân, Tam Đại và Tam Vinh phần cơ bản được khởi đầu từ thời chống Pháp (1951 - 1954), đến thời chống Mỹ tiếp tục mở được rộng và hoàn chỉnh. Tất cả công trình kỳ vĩ này còn lại cho đến ngày nay đều nhờ vào sức dân và lòng dân trên địa bàn huyện Phú Ninh. Để phục vụ nhiệm vụ cách mạng, cấp ủy và chính quyền ở địa phương huy động nhân dân “đêm đào, ngày nghỉ”. Lực lượng xung kích, thường trực hằng đêm dưới lòng đất vẫn là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở các thôn, xã. Và khi đã hoàn thành “công trình”, nhân dân còn có nhiệm vụ giữ bí mật cho cán bộ, chiến sĩ sống trong lòng địa đạo. Nhờ vậy, hệ thống địa đạo ở Phú Ninh có phần đặc biệt hơn nơi khác là không có cụm địa đạo nào bị địch phát hiện và phá hủy được. Ông Đoàn Bách (75 tuổi) ở thôn Cây Sanh, xã Tam Dân cho chúng tôi biết: “Những địa đạo ở Phước Thượng, Gò Dân bắt đầu đào từ năm 1952. Lúc ấy có bộ đội Lào về huấn luyện và máy bay Pháp phát hiện, chúng thả bom xăng xuống đốt cháy rừng. Chính quyền cách mạng vận động dân đi đào “công sự ” để bảo đảm an toàn cho bộ đội. Hơn nữa ở rừng Phước Thượng lúc ấy có cơ sở quân giới của tỉnh, nên nhân dân đào để có chỗ giấu súng đạn vừa chế tạo được...”.
Khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, bộ đội tỉnh kéo về tập kết ở Tam Dân và tiếp tục huy động nhân công mở rộng các tuyến địa đạo nơi đây, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Qua vài thông tin vắn tắt nêu trên cho thấy: Những cụm địa đạo ở xã Tam Dân cũ (bao gồm cả xã Tam Đại ngày nay) được nhân dân trong xã tham gia đào và hoàn chỉnh qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Những địa đạo này, ngoài mục đích ém quân bí mật, còn là nơi tích trữ lương thực, vũ khí và là trạm xá tiền phương của bộ đội trong suốt thời chiến tranh. Nhưng vì sao cả hệ thống địa đạo này ít được mọi người “nghe danh biết tiếng” như địa đạo Kỳ Anh? Ông Nguyễn Văn Tư - cán bộ hưu trí, hiện ở Phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ), nguyên là Huyện Đội trưởng Bắc Tam Kỳ trong thời chống Mỹ, giải thích: “Trong giai đoạn chống Mỹ, những địa đạo ở Ao Lầy, Gò Dân được sử dụng như một binh trạm. Nghĩa là khi có kế hoạch đánh địch trên địa bàn thì Quân khu hay Tỉnh đội Quảng Nam mới điều quân, vận lương về ém trước ở đây. Và sau khi chiến đấu có người bị thương cũng được đưa về địa đạo để sơ cứu, rồi chuyển lên tuyến trên. Còn thường ngày chủ yếu để cho cán bộ và lực lượng địa phương sử dụng khi địch càn quét; cơ sở nào chỉ có cán bộ địa phương đó biết...”. Đó là lý do vì sao địch không thể phát hiện và cũng không có nhiều người biết về hệ thống địa đạo ở huyện Phú Ninh.
Các ông Phan Ngô - nguyên Bí thư Chi bộ xã Kỳ Long (cũ) và ông Đặng Vĩnh - cán bộ hưu trí ở Tam Vinh, cùng có chung ý kiến: Hầu hết địa đạo ở các xã Tam Dân, Tam Vinh, Tam Phước được xây dựng khi chưa có địch đến chiếm đóng, nên tình hình an ninh còn khá tốt. Bà con nhân dân ban ngày đi làm, tối về tham gia đào địa đạo và mọi người rất có ý thức bảo mật, không cho người lạ biết. Sau này, khi địch càn ráo riết, nếu thấy chúng đánh hơi thăm dò ở đâu thì bằng mọi giá đêm đó, một số miệng hầm sẽ bị nhân dân phá hủy. Vì thế, nhiều cán bộ bám trụ lâu năm ở khu vực này cũng không biết được có bao nhiêu địa đạo; nơi nào còn, nơi nào bị phá... Theo lời các nhân chứng mà chúng tôi gặp gỡ hỏi chuyện đã phần nào giải mã được bí quyết tồn tại của hệ thống địa đạo ở huyện Phú Ninh cho đến ngày nay. Tuy không được “nổi tiếng” nhưng xét về qui mô và diện tích thì hệ thống địa đạo ở huyện Phú Ninh hơn hẳn địa đạo Kỳ Anh. Điều đáng ghi nhận về mặt lịch sử chiến tranh nơi đây, có lẽ là sự kỳ diệu của lòng dân với cách mạng. Bởi địa đạo là kết quả công sức của dân và cũng chính nhân dân bảo vệ cho đến ngày nay.
Để những cụm địa đạo ở huyện Phú Ninh không bị “hoàn toàn biến mất”, có lẽ cần đến sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền. Nếu được trùng tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống địa đạo này không chỉ là nguồn khai thác du lịch hấp dẫn cho Phú Ninh mà còn là bài học lịch sử sống động cho thế hệ hôm nay và mai sau.
NGÔ PHÚ THIỆN