Hệ thống truyền thanh cơ sở: Cần đầu tư đồng bộ

BÍCH LIÊN 12/06/2014 10:40

Tình trạng thiếu và yếu của hệ thống đài truyền thanh cơ sở (TTCS) tại nhiều địa phương, nhất là các xã miền núi, vùng sâu vùng xa là thực tế hiện nay. Để phát huy vai trò, hiệu quả của hệ thống TTCS, cần có sự đầu tư đồng bộ, cấp thiết.

Xuống cấp

Theo thống kê của Sở TT-TT, Quảng Nam hiện có 215/244 xã có đài TTCS, trong đó có 164 đài truyền dẫn tín hiệu vô tuyến FM (sử dụng tần số), 51 đài truyền dẫn tín hiệu hữu tuyến (có dây). Nhưng, có 22/215 đài đã hư hỏng không hoạt động, 3 đài đã được đầu tư nhưng chưa có điện lưới để hoạt động, một số đài khác gần như rơi vào tình trạng “đắp chiếu” do công suất quá yếu. Tại nhiều huyện miền núi, hệ thống loa truyền thanh chỉ được lắp đặt ở trung tâm xã và một số vùng lân cận, khoảng 60% số thôn bản vùng thấp được đầu tư hệ thống loa truyền thanh, trong khi tỷ lệ thôn bản vùng cao được đầu tư hệ thống này chỉ 30 - 40%. Đáng nói hơn, toàn tỉnh vẫn còn 29 xã chưa được đầu tư đài TTCS.

Đài TTCS cấp xã được bố trí chung một cơ sở với các đơn vị khác. Ảnh: B.L
Đài TTCS cấp xã được bố trí chung một cơ sở với các đơn vị khác. Ảnh: B.L

Miền núi càng khó khăn hơn. Tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang… số lượng trạm TTCS được đầu tư còn quá “khiêm tốn”, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cơ sở. Ví như, Bắc Trà My chỉ mới có 8/13 xã/thị trấn có đài nhưng 5 trong số đó đã bị hỏng. Huyện Nam Giang có 2 xã Đắc Pre và La Êê dù đã được đầu tư xây dựng đài TTCS nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động do chưa có điện lưới… Tây Giang chỉ mới có 7/10 xã được đầu tư đài TTCS. Theo ông Nguyễn Kim Tuấn - Trưởng đài truyền thanh - phát lại truyền hình huyện: Trong số 7/10 xã có đài thì hiện chỉ có 4 đài là còn hoạt động. Nguyên nhân là tình trạng di dân, tái định cư trên địa bàn (như xã Dang, A Vương). Ở 4 xã vùng cao, chỉ có A Xan mới được đầu tư TTCS vào cuối năm 2013; trong khi 3 xã biên giới như Ch’Ơm, Ga Ry, Tr’Hy lại chưa được quan tâm. “Việc đầu tư 3 đài TTCS tại các xã biên giới là cấp thiết, song tất cả đều dựa vào nguồn chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) “đưa thông tin về cơ sở”, trong khi nguồn này lại rất ít, chỉ tiêu đầu tư mỗi năm có hạn nên chỉ còn cách… trông chờ” - ông Tuấn nói.

Không chỉ vậy, rất nhiều đài TTCS miền núi, vùng sâu vùng xa còn đối diện với tình trạng yếu kém về nội dung, thời lượng lẫn chất lượng chương trình phát sóng còn thấp. Phần lớn đội ngũ làm công tác TTCS không được đào tạo đúng chuyên ngành, chủ yếu tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc văn hóa, số có bằng cao đẳng và đại học thì lại không đúng chuyên ngành phát thanh - truyền hình… Chính sự yếu kém về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dẫn tới sự hạn chế về chất lượng, nội dung chương trình.

Đầu tư… nhỏ giọt

Lý giải về thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống đài TTCS trên địa bàn tỉnh, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, tại Quảng Nam, hầu hết các đài được đầu tư từ rất lâu (1997-2007) bằng nhiều nguồn khác nhau như: Chương trình dân tộc, Chương trình MTQG về sóng phát thanh thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, dự án giảm nghèo WB... Do tới nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách sau đầu tư như duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hợp lý đã khiến hàng loạt đài bị xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin - truyền thông cơ sở. Hơn nữa, nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động thường xuyên của hệ thống đài hàng năm tại mỗi địa phương lại không đảm bảo. Bà Quyên cho biết thêm, toàn bộ hệ thống đài TTCS đã được phân cấp cho UBND các xã quản lý, đầu tư, Đài truyền thanh - truyền hình huyện chỉ hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ. Song đối với cấp xã, nan giải là việc bỏ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp đài là điều vượt xa khả năng của các địa phương…

Được biết, giai đoạn 2012-2013, Chương trình MTQG “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” cũng đã thực hiện đầu tư cho hệ thống TTCS. Năm 2012, có 3 dự án đầu tư cho hệ thống TTCS với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Theo đó, 86 cán bộ phụ trách truyền thanh các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã được tập huấn nghiệp vụ phát thanh - truyền hình. Bốn trạm TTCS tại các xã: A Nông (Tây Giang), Chà Vàl (Nam Giang), Quế Thọ (Hiệp Đức) và Quế Lộc (Nông Sơn) đã được đầu tư mới hoàn toàn. Từ đó, chương trình truyền hình bằng tiếng Cơ Tu đã “lên sóng” nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; giới thiệu, phổ biến những thông tin, tiến bộ về khoa học kỹ thuật, những mô hình sản xuất hữu ích đến đồng bào. Năm 2013, 3 dự án tiếp tục đầu tư cho hệ thống TTCS với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng. Bốn đài tại các xã: A Xan (Tây Giang), A Ting (Đông Giang), Tiên Ngọc (Tiên Phước), Phước Năng (Phước Sơn) được xây mới và Đài truyền thanh xã Tam Thạnh (Núi Thành) được nâng cấp… Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn thì nguồn kinh phí từ chương trình MTQG đầu tư cho hệ thống TTCS còn… nhỏ giọt.

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên thông tin, để tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống đài TTCS, Sở TT-TT đã xây dựng “Đề án phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đài TTCS đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” và đề án trên đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, nguồn kinh phí dự kiến thực hiện giai đoạn 2014-2020 khoảng 30 tỷ đồng, được huy động, lồng ghép từ nhiều nguồn, nhiều chương trình.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hệ thống truyền thanh cơ sở: Cần đầu tư đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO