Hẻm

HỮU PHÚC 30/07/2016 05:33

Phía sau những khu phố sầm uất, văn minh là “ma trận” các con hẻm quanh co, vòng vèo. Ở đó có một không gian riêng, làm phong phú đời sống thị dân. Oái oăm thay, những con hẻm thường bị “lãng quên” trong đầu tư, kiến thiết hạ tầng.

Các hẻm phố thường chịu nhiều sự thiệt thòi trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị.  Ảnh: HỮU PHÚC
Các hẻm phố thường chịu nhiều sự thiệt thòi trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ảnh: HỮU PHÚC

Hơn 12 năm trước, khi đã là viên chức, nắm số tiền ít ỏi trong tay, tôi từng mơ thành “công dân đô thị”, dù miếng đất cắm dùi chỉ nằm trên con hẻm đường Phan Châu Trinh vừa đủ cho một làn xe ba gác. Nguyện ước bất thành. Không phải vì thiếu tiền mua nhà trong hẻm mà từ những lời bàn tán ra vào của bạn bè, người thân. Nào là khu phố có nhiều tệ nạn, hay xảy ra trộm vặt; cứ mưa xuống là ngập. Một người bạn nói: “Lỡ không may cháy nhà chỉ có nước chết thôi, do xe chữa cháy không thể vào tận nơi. Nếu muốn định cư lâu dài thì phải… nhà mặt phố, bố làm to”. Ròng rã suốt mấy tháng liền, gần như hang cùng ngõ hẻm nào giữa lòng thành phố Tam Kỳ tôi cũng rúc vào tìm hiểu, chủ yếu nắm thông tin mua nhà để “ăn đời ở kiếp”. Nhiều con hẻm ngột ngạt như khu phố ổ chuột, chạy qua các xóm dân cư ngoằn ngoèo như một trận đồ bát quái.

Khác với hẻm phố Sài Gòn, ngoài tập trung của dòng người tứ phương Bắc - Trung - Nam còn có cả người Hoa,  người Chăm, người Khmer sinh sống, với mọi thành phần xã hội, tôn giáo khác nhau; ở Tam Kỳ, các con hẻm rộng chừng 2m, “gặp nhau” ở chỗ là khu vực dân cư đông đúc nhưng hầu như “trắng” các công trình vui chơi giải trí công cộng, sinh hoạt dân sinh...

Hẻm phố đường Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học... sáng sớm giăng sạp bán đồ ăn uống; còn các hẻm ở đường Trần Cao Vân, Trần Dư, Thanh Hóa... cắt qua những cánh đồng hoang, hay nghĩa địa. Các con hẻm trên đường Nguyễn Thái Học, hay đường Hùng Vương nối với Lý Thường Kiệt nhếch nhác bởi lập chợ tự phát, rác thải tràn ra đường. Dãy hàng quán dọc hai bên đường kinh doanh đủ các loại hàng rong. Có đoạn nhiều người còn sử dụng cột điện làm chỗ treo bảng quảng cáo, giới thiệu dịch vụ dạy thêm, rút hầm cầu nhà vệ sinh... Đôi khi còn bắt gặp cảnh phóng uế gần chỗ ăn uống.

Trước đây, khi thành phố chưa có đường Bạch Đằng và dời cảng cá Tam Kỳ về xã Tam Phú, các khu dân cư xóm Củi, xóm Bò, xóm lò Rèn... quanh năm sống chung với mùi tanh của cá mắm. Bây giờ tuy đã hết mùi hôi thối, nhưng hẻm phố trên đường Phan Đình Phùng, hay Duy Tân vẫn luôn nhức nhối về vấn nạn ô nhiễm môi trường do hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải xuống cấp. Sức ép của đô thị hóa, các con hẻm vô tình trở thành nơi “cưu mang” cho người nghèo, buôn bán nhỏ. Số nhân khẩu trong gia đình tăng theo cấp số nhân. Hẻm phố lại càng chật hẹp hơn. Người dân lấn thêm ra đường để buôn bán, cơi nới diện tích. Những khu phố ấy ngoài mất an toàn vệ sinh thực phẩm, còn là “điểm đen” về tai nạn giao thông.

Hai năm gần đây, chính quyền TP.Tam Kỳ đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc sửa chữa, nâng cấp hạ tầng.  Tuyến phố Phan Châu Trinh trở nên đẹp từ vỉa hè đến lòng đường. Vỉa hè này thông thoáng, rộng đến 4m gần như đã đầu tư đồng bộ, tạo mỹ quan cho bộ mặt thành phố. Từ lợi ích của vỉa hè, đầu tháng 6, chính quyền thành phố vừa siết chặt quản lý vừa tạo cơ hội cho người kinh doanh sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố. Thời điểm này, ít nhất có 95 hộ dân thuê sử dụng vỉa hè tại các tuyến đường Phan Châu Trinh, Phan Đình Phùng, Trần Cao Vân nối dài và đường Bạch Đằng để kinh doanh buôn bán. Chủ trương này nếu tiếp tục mở rộng sẽ giảm áp lực về tình trạng buôn bán hàng rong lấn lòng đường hẻm. Theo UBND TP.Tam Kỳ, địa phương dành nguồn ngân sách đầu tư cho vỉa hè xuất phát từ thực tế nhiều hạng mục công trình trên vỉa hè đường phố xuống cấp, gây mất an toàn khi sử dụng và ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Người dân tùy tiện hạ độ dốc hoặc đổ bê tông trên rãnh biên để tạo lối lên xuống ở bó vỉa. Hố trồng cây bị hư hỏng do rễ cây trồi lên mặt vỉa hè. Nhiều vỉa hè đường Trần Cao Vân,  Hùng Vương, Phan Bội Châu, Tôn Đức Thắng… sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp.

Còn hẻm phố thì sao? Đã bắt đầu hình thành diện mạo mới từ các khu phố nhỏ với hệ thống đường sá mở rộng, nhà cửa cao tầng mọc lên, tệ nạn xã hội giảm. Trong cái xô bồ, sống vội ở đô thị, hẻm nhỏ còn giữ lại sự san sẻ yêu thương của tình làng nghĩa xóm. Mua đồ ăn sáng ở con hẻm, dễ bắt gặp cảnh mọi người chào nhau, niềm nở như người quen. Nhiều người thích chọn quán bún giò cô Thủy (đường Duy Tân), hay cháo xương cô Đào ở hẻm đường Huỳnh Thúc Kháng cũng vì nơi đây còn... trao đổi nụ cười.  

Với đô thị trẻ như Tam Kỳ, “danh phận” của các con hẻm cũng khó gọi thành tên. Phần lớn nguồn lực ngân sách kiến thiết ưu tiên cho những khu vực nội thành có lợi cho người sinh sống ở mặt tiền, các đường phố chính, trong khi kinh phí đầu tư, sửa chữa hạ tầng con hẻm chủ yếu huy động từ sức dân. Ngân sách thì rất eo hẹp. Thị dân sống ở các con hẻm đông đúc là đối tượng chịu thiệt thòi, hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ tiện ích của đô thị hiện đại. Rõ ràng, xét ở nguồn lực đầu tư, thì hạ tầng con hẻm chưa bao giờ là sự lựa chọn ưu tiên trong tái thiết đô thị.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hẻm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO